Còi cọc, chậm lớn, khó thở khi vận động, lệch vị trí tim..., thậm chí có những trường hợp tử vong vì biến chứng, đó là hậu quả của những trường hợp xương ức không phát triển làm lồng ngực biến dạng lõm sâu ở nhiều trẻ em. Để khắc phục hậu quả, các bệnh nhân này đều phải trải qua những cuộc đại phẫu, gây nhiều đau đớn và nguy cơ. Bằng phương pháp phẫu thuật nội soi hiện đại, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật mở, thực hiện thành công nhiều ca bệnh mắc phải dị tật này.
Cuộc sống bất thường vì lồng ngực lõm
Học hết lớp 6 nhưng cậu bé Nguyễn Sơn T., 12 tuổi ( Hai Bà Trưng- Hà Nội) chỉ nặng hơn 30kg. Dáng người cao dỏng của T. lòng khòng như cố gắng giấu đi sự mặc cảm vì lồng ngực dị tật của mình. Chị Nguyễn Phương Thảo - mẹ của T. cho biết, khi sinh ra, T. cũng bình thường như những đứa trẻ khác, tuy nhiên khi được gần 1 tuổi, lồng ngực của cháu bắt đầu có những dấu hiệu bất thường, vòm ngực lõm sâu và càng lớn thì điều đó càng rõ rệt. Thể trạng của T. ngay từ nhỏ đã gầy gò, nên nhìn thấy lồng ngực của T. nhiều người cho rằng cháu bị suy dinh dưỡng, khi lớn lên sẽ hết. Đối với T., cậu bé lớn lên và nhận ra sự khác thường của mình và bắt đầu có những mặc cảm, đặc biệt là từ lần đi tắm biển với gia đình mùa hè năm ngoái. T. thấy buồn vì ánh mắt của nhiều người ngạc nhiên khi nhìn bộ ngực khác thường của mình. Nhưng khó khăn cho cuộc sống của T. không chỉ là hình thức khác người mà là càng lớn lên cậu bé càng khó thực hiện những hoạt động đòi hỏi gắng sức, như chạy, chơi các môn thể thao... thậm chí là đi xe đạp vì rất khó thở. Lo lắng cho sức khỏe của con, chị Thảo đưa T. tới Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Các bác sĩ cho biết, cháu T. bị dị tật lõm lồng ngực do xương ức không phát triển. Rất may là đúng thời gian này bệnh viện bắt đầu triển khai điều trị dị tật này bằng phương pháp phẫu thuật nội soi đưa các khung kim loại vào nâng lồng ngực. Bệnh nhi Nguyễn Sơn T. là một trong số những bệnh nhân đầu tiên được thực hiện điều trị bằng phương pháp này.
Bác sĩ Tô Mạnh Tuân- Khoa ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là dị tật bẩm sinh hay gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng có những trường hợp không do bẩm sinh, khoảng 1/300-400 trẻ sinh ra mắc căn bệnh này. Do xương ức không phát triển trong khi các bộ phận khác xung quanh phát triển bình thường làm cho lồng ngực bị co kéo, lõm sâu. Với những mức độ lõm vào khác nhau làm cản trở dung tích nở ra của phổi và hoạt động của tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp và tuần hoàn. Có nhiều trường hợp tim bị đẩy lệch sang một bên, sa van tim. Các trường hợp nặng sẽ tử vong nếu không được điều trị.
Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân dị tật lõm lồng ngực. |
Nội soi phẫu thuật dị tật lồng ngực
PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật nội soi cho biết, hầu hết các trường hợp mắc dị tật này thường gầy yếu hơn trẻ bình thường nên dễ bị nhầm lẫn là suy dinh dưỡng. Chưa có những lý giải rõ ràng nhưng tỉ lệ trẻ trai mắc bệnh thường nhiều gấp 3 lần trẻ gái. Để điều trị những trường hợp này không gì khác là phải phẫu thuật. Các bác sĩ phải rạch một đường lớn ngang ngực, cắt chỉnh lại xương sườn và xương ức bị lõm, đưa các bộ phận trong lồng ngực trở về vị trí bình thường. Đây là phẫu thuật lớn, thời gian kéo dài, làm người bệnh chịu thời gian điều trị phức tạp và đau đớn, hơn nữa vết sẹo để lại rất lớn, mất thẩm mỹ. Cũng có trường hợp phải mổ lại nhiều lần nếu ngực bị biến dạng quá nhiều. Hiện nay, việc áp dụng phẫu thuật nội soi cho những trẻ mắc phải dị tật này sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan, khắc phục hết những hạn chế của phẫu thuật mở trước đây. Các bác sĩ chỉ cần rạch hai bên sườn với vết mổ rất nhỏ để đưa dụng cụ vào thao tác và đưa khung kim loại vào nâng lồng ngực lên, giải thoát sự chèn ép cho các tạng. Bằng kỹ thuật này, người bệnh sẽ không phải chịu nhiều đau đớn, không có sẹo quá phát sau mổ. Thời gian mổ chỉ khoảng 30 phút và vài ngày là xuất viện. Sau thời gian từ 2- 3 năm, khi lồng ngực được định hình phát triển ổn định, bệnh nhân sẽ được lấy khung kim loại ra cũng bằng phẫu thuật nội soi.
Theo PGS. Nguyễn Thanh Liêm, để thực hiện được phẫu thuật này, phải đánh giá chính xác mức độ lõm của lồng ngực, qua đó chỉnh khung kim loại cho phù hợp với mức nâng lên của lồng ngực. Mặt khác đây là một kỹ thuật khó, phải rất khéo léo tách giữa màng tim và xương ức, đòi hỏi sự chính xác cao khi thực hiện các thao tác, chỉ một sai lệch rất nhỏ cũng dễ gây rách màng tim, thủng động mạch. Với nhiều thành công phẫu thuật nội soi lồng ngực, kể cả những phẫu thuật nội soi khó như xử trí thoát vị cơ hoành, dị tật tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh có cân nặng rất thấp, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện hoàn hảo kỹ thuật mới này cho bệnh nhân dị tật lồng ngực. Đây cũng là một trong những kỹ thuật cao sẽ được triển khai thường quy tại bệnh viện.
Bài và ảnh: Lê Hảo