Làm cách nào Việt Nam đưa cuộc sống trở lại bình thường?

27-10-2020 08:48 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đây là bài phân tích của một người nước ngoài sống tại Việt Nam suốt 6 năm qua, ông đã trải qua thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra, trong khi các quốc gia khác đang phải oằn mình chống dịch thì ở Việt Nam dường như được “miễn nhiễm”.

Tác giả bài viết Ryan Thomas đặt vấn đề về việc liệu quê hương xứ Wales của ông có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở phương Tây không có các ca COVID-19 trong cộng đồng. “Điều đó là có thể. Xứ Wales có thể chủ động ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi có vắc xin. Nhiều quốc gia khác - đặc biệt là quê hương Việt Nam hiện nay  của tôi - đã chứng minh điều đó có thể làm được ”, Thomas viết.

Xứ Wales hiện đang trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, nhằm chặn đứng sự lây lan của virus. Nhiều người dân ở quốc gia này  lo sợ đây sẽ không phải là đợt phong tỏa cuối cùng như vậy một khi vẫn còn các ca bệnh ở trong cộng đồng. Mùa đông phía trước sẽ rất  khó khăn, phải thực hiện các biện pháp hạn chế, đóng  cửa vào tháng 12 và tháng 1 sẽ gây cho người dân bức bối hơn  rất nhiều so với mùa hè. Thêm vào đó, tinh thần của người dân đang suy sụp bởi các quy định giãn cách và  nỗi lo dịch bệnh.

Việt Nam- một nơi đáng kinh ngạc

Theo tác giả bài viết, ông  đã sống ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 năm qua. Ông gọi đó là một nơi đáng kinh ngạc, tràn đầy năng lượng, có rất nhiều  cơ hội. Mặc dù thành phố có hơn 10 triệu dân gấp 3 lần dân số của xứ Wales, với mật độ dân cư cao. Đây là  điều kiện rất tốt để virus lây lan. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Việt Nam mới có 1.148 trường hợp mắc bệnh,  35 trường hợp tử vong, hơn 50 ngày không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng mặc dù Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và cơ sở hạ tầng y tế còn nhiều hạn chế của một quốc gia đang phát triển.

Tại  Việt Nam, có một sự minh bạch trong cung cấp thông tin phòng chống dịch, tất cả mọi kênh thông tin từ báo chí,  viễn thông, mạng xã hội…  đều được sử dụng để tiếp cận với người dân, đưa tới cho người dân những thông tin kịp thời nhất. Ví dụ như có một ca bệnh (người bệnh được đặt tên theo mã số), lập tức lịch trình di chuyển, thời gian của người đó sẽ được cập nhật nhanh nhất để khoanh vùng. Cung cấp thông tin cập nhật cho người dân về các trường hợp giúp  cảnh báo cho toàn bộ cộng đồng - và khiến cho tất cả  mọi người dân đều cùng  tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh.

Theo dõi, cách ly

Tại Việt Nam, khi một ca bệnh xuất hiện, ngay lập tức cả một chung cư hoặc khu vực bị phong tỏa, cơ quan chức năng sẽ cung cấp thực phẩm cho người dân cách ly ngay tại nhà của họ nhằm khoanh vùng dịch. Sau đó những người nghi nhiễm sẽ được nhân viên y tế giám sát, theo dõi, xét nghiệm. Những địa điểm người bệnh đi qua được xử lý trước khi mở cửa trở lại.

Người về từ nước ngoài phải thực hiện cách ly phòng dịch. Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như nhiều quốc gia khác, ngành du lịch đang gặp khó khăn bởi không có khách, nhiều khách sạn bỏ trống. Nhà nước Việt Nam cho phép  những người từ nước ngoài tới Việt Nam được cách ly tại  những khách sạn này.

Chống dịch như chống giặc

Đây là khẩu hiệu thường được nhắc tới ở Việt Nam, nó nói lên quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh của quốc gia này.

Nhiều nước trông chờ vào vắc xin sẽ trở thành điều kiện để chiến thắng dịch bệnh, nhưng phải ít nhất đến giữa năm 2021, vắc xin mới ra đời. Vậy mà tại Việt Nam, họ đã chứng minh có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường ngay cả khi chưa có vắc xin.

Chính việc  Việt Nam  hành động nhanh chóng, kịp thời góp phần đưa  nền kinh tế của quốc gia này trở lại hoạt động, nó sẽ là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay.


Hải Yến
Ý kiến của bạn