Cholesterol thuộc loại lipid, có 2 loại: Cholesterol "xấu" và Cholesterol "tốt"
- Cholesterol "xấu" hay cholesterol tỉ trọng thấp (LDL): có những tác hại sau cho cơ thể như tăng ngưng tụ tiểu cầu; Kích thích làm dày thành mạch máu; Các LDL bị oxy hoá bị các đại thực bào bắt giữ, tạo nên các tế bào bọt tích tụ thành mảng đeo bám vào thành động mạch… lâu ngày dẫn đến xơ vữa động mạch.
- Cholesterol "tốt" hay cholesterol tỉ trọng cao (HDL): Được tổng hợp ở gan và ruột non. HDL có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol từ các mô về gan. Nếu cholesterol "tốt" (HDL) càng nhiều nguy cơ xơ vữa động mạch càng thấp.
Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol máu cao
- Do chế độ ăn uống, chế độ ăn uống không hợp lý, ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc chất có cồn.
- Do thừa cân làm tăng cholesterol máu.
- Do tuổi tác (tuổi càng cao thì cholesterol sẽ càng tăng).
- Do yếu tố giới tính cholesterol của nữ (trước mãn kinh thường thấp hơn nam ở cùng độ tuổi, sau mãn kinh cholesterol "xấu" (LDL) có xu hướng gia tăng).
Ngoài ra, di truyền là yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol máu cao. Người mắc một số bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tự miễn, suy giáp, buồng trứng đa nang… cũng dễ bị cholesterol máu cao.
Cần làm gì để giảm cholesterol máu?
Cholesterol máu cao sẽ rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Chất béo trong máu tích tụ tạo thành mảng, bám vào thành mạch gây tắc nghẽn động mạch, lượng máu và oxy trong máu giảm, dẫn đến xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến tim, gây suy thận, suy gan, đau dạ dày và hơn hết là ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới não bộ. Nhất là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não (nhũn não) gây đột quỵ.
Với loại triglycerid, khi nào có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan, mỡ sẽ tích lại trong gan, tức là triglycerid tăng sẽ gây nên gan nhiễm mỡ. Gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein, do đó sẽ làm cho lượng axít béo vào gan quá lớn, càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn. Gan nhiễm mỡ từ nhẹ dẫn đến nặng và cuối cùng là xơ gan. Bệnh xơ gan cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Ngoài ra, nếu tăng quá cao triglycerid máu sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.
Vì vậy, câu hỏi khiến nhiều người đặt ra là làm thế nào để giảm cholesterol máu. Thực tế ghi nhận, việc tăng cholesterol máu nếu được phát hiện sớm, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thường xuyên để làm giảm nồng độ mỡ trong máu.
Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển, việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm rất dễ tái phát.
Dưới đây là những bí quyết để giảm cholesterol máu
- Về chế độ ăn trong tăng cholesterol máu:
Chế độ ăn đóng vai trò trung tâm trong điều trị. Có tác dụng giảm cholesterol "xấu" ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
Chế độ ăn khi bị tăng cholesterol "xấu" (LDL) là cần giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân.
Giảm lượng chất béo: Giảm lượng cholesterol ăn vào < 250mg/ngày. Dùng dầu thực vật như, dầu ôliu, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên bổ sung dầu cá, vì chứa nhiều acid béo không no. Loại bỏ các thức ăn chứa nhiều acid béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt và các thực phẩm nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng, đồ hộp béo.
Cần tăng lượng đạm (protein) ít béo: Thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt lợn thăn, cá, đậu đỗ. Giảm lượng đạm giàu mỡ như thịt nửa nạc nửa mỡ. Lượng protein nên chiếm khoảng 12 - 20% tổng năng lượng, bao gồm cả đạm động vật, đạm thực vật.
Chất bột (glucid): 60 - 70% tổng năng lượng. Hạn chế đường mật - tối đa 10 - 20g/ngày. Sử dụng ngũ cốc, kết hợp khoai củ.
Cần tăng cường giàu vitamin, khoáng, vi lượng, chất xơ chủ yếu trong rau quả gạo mì.
Tăng các loại thức ăn có nhiều chất chống oxy hoá (rau xanh, trái cây…): Rau cải, rau dền, dưa chuột, dưa gang, xà lách, mướp, mồng tơi, rau đay, bí xanh, bí đỏ, giá đỗ, măng, carot, xu hào… Cam, quýt, bưởi, mận, đào…
Lưu ý các thức ăn hạn chế là: Gạo khoai, ngũ cốc khác (tối đa ba bát cơm đầy/ngày); Đường ăn, uống dưới 20g/ngày; Trái quả ngọt; Sữa đặc có đường; Trứng 1 – 2 quả/tuần; Các thức ăn muối mặn.
Các thực phẩm không nên sử dụng là thức ăn nội tạng động vật (óc, tim, gan, thận, dạ dày của lợn, bò, dồi lợn…). Thịt mỡ, sò, cua, ốc biển. Mỡ động vật: Mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà, bơ, phômai, sô-cô-la. Dầu dừa. Sữa bột toàn phần (full cream milk powder).
- Tập thể dục nhiều hơn
Mỗi tuần dành ít nhất 150 phút, tương đương 2,5 giờ để tập thể dục. Một số môn thể dục có thể đem lại tốt cho sức khỏe như: Đi bộ, cố gắng đi bộ đủ nhanh để tim đập nhanh hơn; bơi lội, đạp xe, chơi cầu lông, nhảy dây, yoga…
-Bỏ thuốc lá, rượu bia
Hút thuốc có thể làm tăng cholesterol và đẩy cơ thể đối diện với đau tim, đột quỵ và ung thư. Người bệnh có thể cai hút thuốc lá bằng nhiều phương pháp và cần sự hỗ trợ từ bác sĩ. Tránh uống nhiều rượu bia, hoặc uống nhiều trong thời gian ngắn.
Theo thống kê trung bình cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có mức cholesterol LDL cao, khiến mỡ trong máu tăng cao. Tình trạng mỡ máu cao gây tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ và các bệnh lý chuyển hóa. Đây là lý do các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống như: Có chế độ tập luyện phù hợp, bỏ thuốc lá, cắt giảm thực phẩm chứa nhiều hàm lượng LDL và tăng thực phẩm có chứa nhiều cholesterol tốt, đồng thời xét nghiệm Lipid máu ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Mời độc giả xem thêm video:
8 thói quen đơn giản nên thực hiện để có trái tim khỏe mạnh