Hà Nội

Làm báo, vẽ tranh tại mặt trận Điện Biên Phủ

07-05-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, để phản ánh được mọi diễn biến của chiến dịch và động viên, khích lệ kịp thời tinh thần cán bộ, chiến sĩ, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị quyết định xuất bản báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngay tại mặt trận.

Vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, để phản ánh được mọi diễn biến của chiến dịch và động viên, khích lệ kịp thời tinh thần cán bộ, chiến sĩ, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị quyết định xuất bản báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngay tại mặt trận. Một tòa soạn gọn nhẹ được thành lập. Trong số những người làm báo tại trận ngày ấy, đến hôm nay còn có bác Phạm Phú Bằng, 85 tuổi, nguyên Đại tá, Trưởng phòng báo QĐND.

Gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả

Bác Phú Bằng là con nhà danh gia vọng tộc. Ông nội - tiến sĩ Phạm Phú Thứ - thượng thư thời vua Tự Đức, năm 1863 từng cùng đại thần Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình đòi lại “lục tỉnh Nam Bộ”; bố là cử nhân Phạm Phú Tiết - Tổng đốc lưỡng Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi), tháng 8/1945, bỏ quan trường theo cách mạng, là Đại tá, Chánh án Tòa án quân sự Trung Bộ. Bác Phú Bằng nhập ngũ từ năm 16 tuổi, lúc “khẩu súng trường dài hơn người”. Bác tham gia nhiều chiến dịch lớn thời chống Pháp và trở thành phóng viên báo QĐND từ năm 1950. Đã tròn 60 năm trôi qua, đến giờ, bác Phú Bằng vẫn nhớ rõ từng sự việc trong những ngày làm báo tại Điện Biên Phủ. Bác kể: “Tòa soạn chính nằm ở Phú Lương, Thái Nguyên, ê-kíp đi chiến dịch  có 4 người. Anh Trần Cư đảm nhận Thư ký tòa soạn; tôi và anh Khắc Tiếp là phóng viên; anh Nguyễn Bích là họa sĩ trình bày, lên khuôn báo. Họa sĩ Mai Văn Hiến - người của tuyên huấn mặt trận được phối hợp với anh Nguyễn Bích vẽ tranh cổ động, biếm họa cho báo. Anh Hoàng Xuân Tùy (sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục), Trưởng phòng Tuyên huấn mặt trận kiêm luôn chức tổng biên tập. Tốc độ chiến dịch diễn ra nhanh, quyết liệt, báo ra được liên tục còn nhờ vào đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở và các văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch. Bài nào cũng phải ngắn gọn, thiết thực, như các gương chiến đấu, kinh nghiệm đào giao thông hào, công sự, làm bếp Hoàng Cầm... Có số báo tập trung làm nổi một chủ đề, như ba số đầu năm 1954 chuyên trang quân đội với cải cách ruộng đất; có số nêu kinh nghiệm đào đất của một tiểu đội đạt năng suất 9 mét khối một người, một ngày; số thì đăng thông báo kỷ luật về việc 2 cán bộ tiểu đoàn đã làm trái lệnh cấp trên - đây là vụ kỷ luật duy nhất trong chiến dịch, được nêu công khai để mọi người rút kinh nghiệm... Các mục nhỏ cũng đa dạng, hấp dẫn, lính ta có thói quen cầm tờ báo mới là tìm đọc trước các tiểu phẩm: Chuyện săn tây; Bắn tỉa; Phong trào đoạt dù; Thơ châm biếm..

Bức tranh dán trên vách chiến hào.

Bức tranh dán trên vách chiến hào.

Tranh mini và...

Bà Nguyễn Hồng Ánh là con út của họa sĩ Nguyễn Bích (1925-2011), tuy không nối nghề cha, song rất trân trọng những di sản cha để lại. Hiện căn nhà của bà tại đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) giống như một “Bảo tàng Nguyễn Bích”, có nhiều phòng trưng bày hiện vật, tác phẩm của họa sĩ. Đó là các sổ ký họa tại mặt trận giấy đã ngả màu vàng; đồ dùng chiến trường; ảnh cá nhân, đồng đội ở Điện Biên Phủ; trên tường thì treo kín các tranh lụa, bột màu, giấy dó... Có thể gặp ở đây những tác phẩm nguyên bản hoặc phiên bản nổi tiếng của họa sĩ, như Qua đèo - lụa - giải Ba mỹ thuật toàn quốc năm 1957; Rừng Việt Bắc - lụa - Giải thưởng mỹ thuật toàn quốc 1960; Mở đường - lụa - 1960; các bộ truyện tranh gốc: Sát Thát (huy chương bạc tại Triển lãm nghệ thuật Dresden, CHDC Đức); Cây khế (tái bản 9 lần), Cù Chính Lan... Có một tranh khổ nhỏ, bằng chính khổ tờ báo in tại mặt trận, giấy nứa đã ngả màu lồng trong khung kính. Phải để ý mới thấy một dòng chữ nhỏ ở rìa tranh “Để dán tại hầm chiến đấu”. Đây thuộc tranh cổ động, có bố cục liên hoàn, song việc dùng để dán tại công sự, hầm chiến đấu thì quả là độc đáo và hiếm có. Hai hàng chữ đậm chạy ngang dưới tranh: “Các cán bộ và chiến sĩ hãy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ/Tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ!”. Theo bác Phạm Phú Bằng thì tại mặt trận, tranh in li-tô từng tờ, đòi hỏi người vẽ phải khéo tay, kiên trì đục từng nét trên đá để có “âm bản” chuẩn, in ra tranh sắc nét. Loại tranh cổ động mini này nội dung rõ ràng, dễ hiểu, có tác dụng động viên, khích lệ kịp thời tinh thần cán bộ, chiến sĩ ta.

... tranh làm địch choáng phải đầu hàng

Họa sĩ Mai Văn Hiến quê gốc Tiền Giang. Năm 20 tuổi (1943), ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đang học dở thì cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra, ông cùng nhiều bạn bè “gác bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Ngày ấy, tại mặt trận, họa sĩ Mai Văn Hiến ngoài việc tham gia làm báo còn được giao một nhiệm vụ bất ngờ. Người phụ trách công tác báo chí và địch vận thuộc Cục Chính trị mặt trận nói với họa sĩ là địch vừa mất Him Lam, Độc Lập, ở Bản Kéo có một tiểu đoàn lính ngụy người Thái đang rất hoang mang. Cấp trên giao nhiệm vụ vẽ bức tranh kêu gọi chúng hạ vũ khí, ta đỡ phải tấn công. Họa sĩ chưa từng vẽ loại tranh kiểu như thế, nhà tuyên huấn chỉ vào cái lán đủ rộng cho một trung đội vào trú, bảo là khổ tranh phải bằng thế để chúng nó nhìn cho rõ và vẽ cái gì để địch nhớ nhà, nhớ gia đình là được. Trước tiên, họa sĩ chạy đến “cơ quan ấn” (cách gọi nhà in ngày đó) đang in tờ QĐND trong hầm, xin được một xấp giấy báo, đem về trải ra đất, vị chi khoảng ba mươi mét vuông. Tiếp đến khoản mực. Cũng tại cơ quan ấn, bê về một lô hộp mực cặn bỏ đi, lấy ít dầu hỏa pha ra cho loãng. Rồi giã cơm nếp làm hồ dán các tờ giấy lại, “hòm hòm” rộng bằng cái mái lán. Tranh ngoại cỡ thế này, biết dùng loại bút gì? May quá, có anh lính chiến đi qua mách nước: cứ lấy sống tàu lá chuối rừng, đập dập một đầu tha hồ mà phết mực. Có đủ điều kiện để khai bút rồi, song nếu trải những tờ giấy trắng lốp ra một diện rộng như thế, dễ bị máy bay địch phát hiện. Lại lính mách nước: dùng bốn, năm người tay cầm cành lá tươi đứng xung quanh che bên trên, họa sĩ thì lom khom bò phía dưới mà vẽ. Sau hơn một giờ miệt mài tạo hình, bức tranh có nội dung địch vận xem ra đã khá ổn. Họa sĩ liền mời nhà tuyên huấn đến nghiệm thu, còn có chủ nhiệm chính trị mặt trận Lê Liêm (sau này là Thứ trưởng, Bí thư đảng - đoàn Bộ Văn hóa) đến duyệt lần cuối. Những cành lá ngụy trang lại được nhấc ra. Chủ nhiệm chính trị cứ lượn xung quanh bức tranh hồi lâu không nói câu nào, tác giả đâm lo, giờ mà ông bắt vẽ lại thì gay go to! Thì ra thủ trưởng muốn được nhìn bao quát toàn bộ tranh. Chàng họa sĩ liền chỉ vào một cây cao cách nơi trải bức tranh không xa, bảo thủ trưởng cứ trèo lên trạc cây kia nhìn xuống, sẽ thấy hết. Ở trên cao ngắm nghía một hồi, thủ trưởng nói vọng xuống: “Nắm được tinh thần địch vận đấy. Nhưng nên để bà mẹ Thái ôm con nét mặt buồn thêm tí nữa, cái khẩu hiệu kêu gọi địch ra hàng tô nét to hơn cho ở xa dễ đọc”.

Cuối giờ chiều, hai anh quân báo đến, lẳng lặng cuộn bức tranh to như một cây bương, vác đi. Sáng hôm sau, đã thấy bức tranh địch vận được trưng lên sừng sững đối diện với cổng đồn. Quân ta còn bắn ba phát đạn pháo lướt qua để thị uy. Lính ngụy Bản Kéo mất hết tinh thần, lũ lượt giăng cờ trắng ra hàng. Một anh chiến sĩ cảnh vệ chạy về thông báo cho họa sĩ biết và kết một câu xanh rờn: “Cậu lập được chiến công rồi đấy nhé!”          

  Phạm Quang Đẩu

 


Ý kiến của bạn