Làm bác sĩ của “bệnh nhân đặc biệt”

30-12-2019 07:08 | Y tế
google news

SKĐS - Hơn 15 năm trong nghề, bác sĩ đa khoa Phạm Thị Ngọc Lan (Trưởng phòng Y tế - Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đăk Lăk) không còn rúm người, giật thót mỗi khi các bệnh nhân “đặc biệt” nghiện ma túy, nhiễm HIV lên cơn chồm tới mình.

Nhiều đêm khuya, lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng, tiếng kêu gào, tiếng rên khóc, tiếng thủ thỉ cảm ơn của những phận người trót sa ngã như sợi dây vô hình giữ chân chị ở lại.

Dùng cả thanh xuân để chinh phục gian khó

“Là bác sĩ đa khoa, tốt nghiệp đại học chính quy, xinh đẹp, trẻ trung sao không đến bệnh viện khác hay các phòng khám ở thị trấn mà lao về nơi thâm u, chỉ toàn người nghiện ma túy nặng, gái mại dâm và người nhiễm HIV/AIDS?”. Đó là thắc mắc mà nhiều năm, hầu hết người thân, bạn bè của bác sĩ Lan gặp chị lại thốt ra.

24 tuổi, bác sĩ Lan mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ về làm việc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội Đăk Lăk (gọi tắt Trung tâm, đóng chân ở xã Tân Tiến, huyện Krông Păk). Ý nghĩ ban đầu thử coi có khủng khiếp như nhiều đồng nghiệp từng nói không. Và, thực tế vượt xa cả sự tưởng tượng.

Sau hai ngày làm quen với Trung tâm, bệnh nhân đầu tiên là Sùng A Thanh, Trần Lịch, cả hai nghiện ma túy, nhiễm HIV. Thanh tự cào xé da mình, xông tới, gào lên: “Mày chữa cho tao đi không tao quật chết”. Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cắt cơn, băng bó xong cho bệnh nhân, đêm đó về, bác sĩ Lan vẫn còn run.

Bác sĩ Lan hạnh phúc khi nhiều người nghiện đã thức tỉnh để hoàn lương.

Bác sĩ Lan hạnh phúc khi nhiều người nghiện đã thức tỉnh để hoàn lương.

Vài ngày sau đó, trái ngược với A Thanh, Trần Lịch, bệnh nhân Lê Văn Tùng lại trợn mắt, gằn giọng: “Ta không cần bác sĩ, không cần chữa bệnh. Tương lai đã xuống vực thẳm rồi, tránh xa ra”. Những thử thách đầu tiên, bác sĩ Lan vượt qua bằng sự nhẹ nhàng, những khuyên nhủ chân thật cùng lời khẳng định với các bệnh nhân của mình: Tôi sẽ theo các anh cho đến khi tương lai tốt mở ra.

Số đối tượng bị cưỡng chế cai nghiện, đối tượng mại dâm ở Trung tâm lúc nào cũng dao động 400-600 người, trong đó khoảng 10% nhiễm HIV/AIDS. Mỗi ngày với bác sĩ Lan như một cuộc tập rèn ý chí, bản lĩnh khi phải trực tiếp thăm khám, sơ cứu, băng bó, thậm chí bón thuốc cho hàng chục đối tượng.

Hai năm đầu trôi qua, đủ cho bác sĩ Lan thấm hiểu nơi mình đang công tác như một thế giới khác so với các bệnh viện, cơ sở y tế thông thường. Có lần ý nghĩ ra đi vừa lóe lên thì chị lại phải chứng kiến bao cái chết lẻ loi của những người có HIV.

Bác sĩ Lan tâm sự: Bây giờ đường sá và cơ sở vật chất đỡ hơn chứ trước kia cơ cực đủ bề. Nhiều bệnh nhân sa ngã, bị mọi người xa lánh, ghẻ lạnh nên sống bất cần, sẵn sàng dùng đủ trò để tấn công hoặc qua mặt cán bộ, bác sĩ. Môi trường này mới quen thì sợ nhưng lâu rồi thấy nặng lòng lắm.

Một trong hàng chục người để lại cho bác sĩ Lan nhiều trăn trở là Nguyễn Văn Th. Gia đình tan vỡ, dùng tuổi trẻ đắm chìm vào ma túy, đến khi bị cưỡng chế cai nghiện, phát hiện nhiễm HIV, Th. rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Vết thương lở loét không cho chữa, lên cơn không cho cắt, tìm đủ cách để phá phách, xô đẩy, nạt nộ bác sĩ.

Nhưng rồi, lựa lúc Th. mệt mỏi nhất, bác sĩ Lan đến vỗ về, chăm bẵm như người ruột thịt. Lúc sắp vĩnh viễn ra đi, nước mắt Th. liên tục nhỏ xuống, miệng lắp bắp: “Nhờ có bác sĩ, tôi không còn hận cuộc đời, hận gia đình”.

Lại có bệnh nhân nghiện nặng, triền miên không có người thân đến thăm, họ chán nản, muốn tự hủy hoại luôn thân xác mình khi lấy đá nhọn rạch nát tay, chân. Không ngần ngại, sau những vỗ về, thuyết phục, bác sĩ Lan lại đỡ lấy những bàn tay nhòe nhoẹt máu ấy mà băng bó. Có người mê man đi, tỉnh dậy thấy có sẵn thuốc kháng sinh, đồ ăn bổ dưỡng bên cạnh, lại được nghe những câu chuyện thấm đẫm yêu thương, những tấm gương hoàn lương... do bác sĩ Lan và các nhân viên y tế khác kể, họ dần dịu lại, hợp tác cắt cơn tốt hơn.

Một trong những người nghiện nặng, giờ hoàn lương thành chủ cửa hàng chúng tôi từng tình cờ gặp là Trần Văn Thế. Thế sẻ chia rằng: Tôi và hàng trăm người ngổ ngáo, hư hỏng một thời, nếu không có bác sĩ Lan giờ cuộc đời chẳng biết đi về đâu. Người bác sĩ nhỏ nhắn ấy luôn có tình thương rộng mở và một “tinh thần thép”. Có lần gia đình lìa bỏ, tôi muốn phá trại, nhiều lần đạp bác sĩ Lan nhưng chị vẫn nở nụ cười hiền từ bảo hãy cho chị được chữa lành mọi vết thương”.

Vốn không biết chữ, vào Trung tâm cai nghiện luyện mãi rồi Thế cũng nắn nót viết được dòng ngắn: “Bác sĩ Lan ơi, nhờ chị chúng tôi lại tin yêu cuộc đời”.

Thời gian trôi đi vùn vụt, thấu hiểu được môi trường mình đang làm việc cũng có nghĩa là chấp nhận mọi nguy cơ lây bệnh có thể diễn ra, bất cứ lúc nào, nhất là bệnh HIV và hàng loạt căn bệnh nhiễm trùng cơ hội khác như: lao, hô hấp...

Đôi lần bác sĩ Lan chạnh lòng khi thấy những đồng nghiệp khác của mình công việc nhẹ nhàng, được người nhà bệnh nhân ân cần cảm ơn còn mình thì phải năn nỉ, nịnh nọt bệnh nhân để họ cho nâng niu, chạy chữa, chăm sóc. Nhưng rồi, những ánh mắt ừng ực nỗi cô đơn như muốn níu kéo, những cơ thể queo quắp, những gương mặt xanh xao... của mấy trăm con người cứ ám ảnh rõ nét trong tâm trí. Vậy nên, mỗi ngày trôi qua, bác sĩ Lan lại tự động viên mình cùng các nhân viên khác: Hãy xem hồi sinh được một con người, kéo được một thân phận ra khỏi vũng sâu ma túy, mại dâm... là một hạnh phúc, một món quà, một tài sản vô giá.

Kết hợp tâm lý với y khoa

Để vơi bớt nhọc nhằn, bồi đắp tình yêu nghề, bác sĩ Lan vẫn hay dí dỏm động viên các y tá, y sĩ trong đơn vị của mình rằng: Làm ở bệnh viện, ở phòng khám thông thường thì học nâng cao lên chuyên khoa I, chuyên khoa II là rất cần thiết. Còn ở nơi này, chốn thâm sâu này, cấp bách và thiết thực nhất là học cách nắm bắt tâm lý của mọi người bệnh.

Nghiệm ra điều ấy nên, suốt 15 năm qua, hàng ngàn người sau khi cai nghiện, chữa bệnh, hoàn lương gọi bác sĩ Lan một cách thân thương là “nhà tâm lý” tự học. Phân tích thêm, bác sĩ Lan bộc bạch: Nghiên cứu, thấu hiểu tâm lý người bình thường đã khó thì người nghiện, người nhiễm HIV khó hơn chục lần. Mình phải phân tách ra nhiều nhóm: Nhóm đã khao khát hoàn lương, nhóm đang muốn quậy phá, nhóm muốn phó mặc, nhóm đang trong giai đoạn tuyệt vọng...

Có người vừa muốn phá, vừa tránh các buổi tập luyện phục hồi sức khỏe nên giả vờ đau ruột thừa, rối loạn tiền đình để lên phòng y tế nằm... Ngay lập tức bác sĩ phải đấu nối thông tin kết hợp với sự quan sát tinh nhạy từ xa để “bắt bệnh” chính xác. Có anh vừa từ xa cười đùa, chạy nhảy nhưng đến cửa phòng y tế lại ngã lăn ra kêu đau oai oái, bị bác sĩ lật tẩy là đau giả ngay.

Với những người mới phát hiện nhiễm HIV thì cái họ sợ nhất đó là cô đơn. Thế nên vừa kết hợp thuốc điều trị, bác sĩ Lan vừa là người tâm sự, khuyên nhủ trong những lúc người bệnh yếu lòng.

Ròng rã bao năm nghiên cứu kết hợp tâm lý và y khoa để cắt cơn nghiện, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, có những tối trăn trở không ngủ được, bác sĩ Lan lại bật dậy vào trung tâm với bệnh nhân. Bác sĩ Lan bảo rằng: Biết là có người trực, có việc cần là mình được báo ngay nhưng trong lòng có những sự thôi thúc kỳ lạ với câu hỏi không biết bây giờ bệnh nhân hồi chiều ra sao, họ có còn chán nản không, có còn chán ghét cuộc sống không, liệu có ý nghĩ làm liều không, có suy sụp không?. Chính những lúc ấy, nhiều lần bác sĩ Lan bắt gặp hàng trăm ánh mắt trĩu nặng nỗi niềm, ngồi thu mình trong phòng tối.

Những người ấy tâm sự với bác sĩ Lan rằng đó là những khoảnh khắc thèm được yêu thương, thèm được coi là người bình thường, thèm được động viên và nhớ quay quắt cuộc sống bên ngoài. Được bác sĩ Lan cùng các nhân viên, cán bộ khác sẻ chia như anh em ruột thịt nên niềm tin hoàn lương trong họ sống dậy mãnh liệt. Có bệnh nhân ngày hôm trước còn đòi tự tử nhưng vài hôm sau thì hăng say rèn luyện nâng cao thể lực, uống thuốc đúng giờ giấc, chấp hành gương mẫu mọi nội quy của Trung tâm.

Tình thương, lòng nhân ái giúp người ta quên đi mọi toan tính. Những lúc bình thường, bác sĩ Lan cũng phải ngỡ ngàng với chính mình. Chị kể: Hồi mới về đây, thân hình tôi nhỏ thó. Thế nhưng có bệnh nhân to cao, nhiễm các bệnh cơ hội nặng, tôi vẫn dìu đỡ họ, giúp họ vệ sinh cá nhân dễ dàng. Vừa dìu bệnh nhân, chân phải vừa bám chặt nền nhà, lúc đó trong lòng tự nhủ, ráng lên vì người bệnh. Có hôm thay băng, xoay lật bệnh nhân nặng đến rã rời đôi tay nhưng nhìn thấy họ tiến triển hơn, tìm lại niềm tin với cuộc sống, xã hội là trong lòng lại thấy rộn rã niềm vui. Nhớ nhất là lần nhiều ngày chăm một người không còn ai thân thích, bị nghiện, lúc đưa vào cơ sở bị rách da nhiễm trùng đến hoại tử.

Khi vượt qua nỗi đau thân xác và cắt được cơn nghiện, bệnh nhân này cứ níu lấy tay bác sĩ Lan cùng nhiều y tá òa khóc vì cảm kích. Kinh nghiệm nhiều năm, bác sĩ Lan đúc rút ra rằng: Có những ca bệnh, không làm công tác tâm lý vững vàng trước thì bệnh nhân nhất quyết không chịu cho truyền dịch hay băng bó vết thương. Hiểu từng nhóm đối tượng rồi thì mọi chuyện rất thuận lợi.

Mở ra những con đường mới

Ông Võ Phú Hùng, Giám đốc Trung Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đăk Lăk khẳng định: Đây là Trung tâm trọng điểm của Tây Nguyên, là cơ sở cai nghiện bắt buộc của Nhà nước, đội ngũ y tế được đào tạo bài bản, tận tâm. Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn quán triệt đến các y, bác sĩ trong Trung tâm phải xem những đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, nhiễm HIV ở đây là bệnh nhân “đặc biệt”, “khách hàng đặc biệt”. Xác định như vậy để tôn trọng nhất, tận tình nhất với họ. Sa ngã có dăm bảy đường nên phải tìm mọi cách khơi dậy được khát vọng phục thiện trong sâu thẳm của mỗi cá nhân.

Nguy cơ nhiễm các loại bệnh cơ hội luôn ở mức cao, tổng số người của Phòng y tế lại chỉ vỏn vẹn 7 người (mình chị Lan có trình độ bác sĩ đa khoa) nên nhiều thời điểm, bác sĩ Lan phải căng mình chỉ đạo việc cứu chữa suốt ngày đêm, kể cả lễ, Tết. Bác sĩ Lan cho biết: Có những bệnh nhân bị cưỡng chế vào cai nghiện, bị nhiễm bệnh nặng, chúng tôi lại phải ngược xuôi lo đưa họ đến các bệnh viện. Thực tế ở Trung tâm chỉ thăm khám, sơ cứu các bước ban đầu, thiếu rất nhiều phương tiện kỹ thuật. Liên quan đến phẫu thuật là phải chuyển vào viện. Định mức hỗ trợ của Nhà nước cho những người cai nghiện bắt buộc có hạn nên khi họ quá khó khăn, điều trị xong không có tiền về hòa nhập cộng đồng, bác sĩ và lãnh đạo Trung tâm lại phải dốc thêm tiền túi để hỗ trợ.

Vì thiếu phương tiện hiện đại, một kỹ năng được bác sĩ Lan chú tâm rèn luyện từ ngày bước vào Trung tâm này là chẩn đoán lâm sàng thật chuẩn xác, sai lệch là dẫn đến thiệt thòi cho người bệnh ngay. Bác sĩ Lan tâm tình: Nhiều bệnh nguy cấp như viêm ruột thừa, loét dạ dày... ở đây không có máy nội soi, máy xét nghiệm, mình mà chẩn đoán sai thì người bệnh sẽ không được điều trị chuẩn xác và kịp thời. Không học được sách vở thì hỏi thêm đồng nghiệp, nhiều đêm trắng tôi luôn trăn trở về điều này.

Bởi vậy nên, hầu hết các bệnh được bác sĩ Lan chẩn đoán thông qua triệu trứng đều trùng khớp với kết quả nội soi bằng máy ở bệnh viện. Thoát chết ngoạn mục, bệnh nhân Sùng A Tr. cho biết: Mình bị gia đình xa lánh từ khi sa chân vào “nàng tiên nâu”, bị chính quyền cưỡng chế vào đây cai nghiện. Lúc đầu không muốn chấp hành nhưng sau lần tổn thương lá lách, viêm ruột thừa được bác sĩ Lan cận kề lo cho như một thân nhân nên mình cảm động. Nhiều người khác trong Trung tâm này cũng nhận được sự chăm lo như mình. Lần ấy, mình bị đau vùng quanh rốn. Sau khoảng 5 tiếng, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế. Nắm bắt xong các triệu chứng này, bác sĩ Lan liền chẩn đoán viêm ruột thừa, đưa ngay vào bệnh viện, kết quả của bệnh viện đúng y như vậy.

Theo ông Võ Phúc Hùng: Hiện Trung tâm có giáo viên giỏi dạy nghề mây tre đan, ghế đan. Người nào cai nghiện, chữa bệnh tốt sau khi về cộng đồng còn được giới thiệu việc làm. Bác sĩ Lan còn như một người truyền thông điệp đặc biệt của lãnh đạo Trung tâm. Cứ bất cứ khi nào có cơ hội, bác sĩ Lan lại như người chị, người em thủ thỉ thêm vào tai những người bệnh: Hãy vượt qua giai đoạn này, con đường mới đang chờ phía trước, cắt cơn nghiện đúng quy trình, hợp tác trị bệnh nghiêm túc sẽ được học nghề, được chính tay mình làm ra các sản phẩm, được lĩnh lương.

Những lúc giải lao hiếm hoi, ở tuổi cận kề 40, ngẫm lại đoạn đường mình đã đi qua với trọn vẹn thời thanh xuân dành để vật lộn, trăn trở với các bệnh nhân “đặc biệt”, mặt bác sĩ Lan lại rạng ngời hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì những người thân yêu nhất đã thấu hiểu, cảm thông với lựa chọn của mình. Hạnh phúc vì trong những chuyến xe đêm cấp tốc đưa bệnh nhân từ Trung tâm đến các bệnh viện tình cờ gặp lại những người cũ từng cai nghiện, chữa bệnh bắt buộc trong Trung tâm. Họ nhào tới chị nhưng không phải gây gổ như xưa kia mà để thông báo họ đã tìm được con đường mới, tươi sáng, đoạn tuyệt hẳn với ma túy.


Bài và ảnh: TUYẾT TRINH - MỸ NGA
Ý kiến của bạn