Hà Nội

Làm ăn với Trung Quốc: Những câu chuyện cảnh giác!

18-06-2014 15:00 | Thời sự
google news

Tình cờ, tôi được nghe tại một bàn nhậu ở bờ kè (quận 3, TP.HCM), một nhóm bạn lâu nay chẳng quan tâm gì đến chính trị bàn với nhau việc làm thế nào để tránh... lệ thuộc kinh tế Trung Quốc.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra (20.5 – 24.6), nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc Việt Nam phải tự chủ về kinh tế, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Tình cờ, tôi được nghe tại một bàn nhậu ở bờ kè (quận 3, TP.HCM), một nhóm bạn lâu nay chẳng quan tâm gì đến chính trị bàn với nhau việc làm thế nào để tránh... lệ thuộc kinh tế Trung Quốc.

Thương mại song phương

Về thương mại song phương hơn mười năm qua Trung Quốc xuất siêu hàng tinh chế và chủ yếu nhập nguyên liệu thô.

 

Nghiên cứu của trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách – đại học Quốc gia (VECS) chỉ ra một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng thô, sơ chế, trong khi nhập khẩu lại là hàng tinh chế (chiếm 85%). Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất, lên tới 80%.

“Hậu quả là sản xuất công nghiệp của quốc gia xuất khẩu tài nguyên bị thu hẹp, thậm chí không thể phát triển được do bị gắn chặt vào việc xuất khẩu tài nguyên và các hàng hoá có hàm lượng kỹ thuật thấp. Về lâu dài, nền kinh tế sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cảnh báo về bẫy tự do hoá thương mại trong mối quan hệ Việt – Trung.

Buôn bán tiểu ngạch

Trong buôn bán tiểu ngạch, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã nhiều phen khốn đốn trước cảnh lúc mở, lúc đóng: dưa hấu, thanh long, cao su… không ít lần bị ùn tắc do thương nhân Trung Quốc ngừng giao dịch hoặc bị đóng biên.

Thương nhân Trung Quốc còn có kiểu thu mua nông sản lạ: đỉa, lá dừa khô, rễ cây, lá khoai lang... với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi bán nhưng một thời gian sau lại mất tích. Tình trạng này khiến bộ Công thương phải chính thức lên tiếng cảnh báo.

Mới đây, UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau – cho biết trên địa bàn có hiện tượng một số thương lái thu mua con banh lông, sau đó bán lại cho thương lái người Trung Quốc. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng phải yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác giám sát, quản lý, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân không thu gom rễ tiêu để bán cho thương lái người Trung Quốc.

Các dự án tổng thầu EPC

Tại hội nghị tổng kết mười năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam mới đây, viện Nghiên cứu cơ khí (bộ Công thương) đưa ra thống kê, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình rơi vào tay tổng thầu Trung Quốc.

Lilama là tổng công ty của Việt Nam từng giành được nhiều gói thầu lớn tại các công trình trọng điểm quốc gia nhưng sau đó ế ẩm, công nhân thiếu việc làm vì cạnh tranh không lại với các nhà thầu từ Trung Quốc. Bên lề Quốc hội sáng 22.5, bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói với báo giới: Hiện chúng ta vẫn đang bị chi phối bởi yếu tố giá thấp thì đương nhiên nhà thầu nào giá thấp thì sẽ được trúng. Các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu vì luôn có giá thấp hơn.

Theo hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trên thế giới không có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc. Do vậy, hầu hết các gói thầu của các dự án đầu tư mua sắm nước ta đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hoá chất, điện, hạ tầng. Còn theo khảo sát của viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu. Với các hợp đồng tổng thầu (EPC) do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thì gần như Việt Nam phải nhập khẩu 100%, từ lao động phổ thông đến kỹ sư, vật tư, vật liệu.

Đối với các gói thầu rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc thì ngoài mất mát về giá trị sản lượng, doanh thu và thị trường công ăn việc làm, một hệ luỵ khác là Việt Nam có nguy cơ bị biến thành bãi rác công nghệ. Nhiều nhà thầu năng lực kém thi công chậm trễ kéo dài, chất lượng không đảm bảo ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân.

Quan trọng hơn nữa là lệ thuộc thiết bị thay thế và sửa chữa khi gặp trục trặc trong vận hành.

Theo số liệu của bộ Công thương, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp có liên quan đến thị trường sản phẩm cơ khí giai đoạn 2013 – 2025 vào khoảng 289 tỉ USD. Với giá trị thiết bị thường chiếm từ 70 – 75%, tổng số ngoại tệ mà Việt Nam cần bỏ ra để nhập khẩu máy, thiết bị cho các dự án có thể lên đến 202 tỉ USD. Miếng bánh lớn này có nguy cơ rơi vào các nhà thầu Trung Quốc, nếu nguyên tắc chọn thầu giá rẻ không được hoá giải.

Nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng

ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hoà): Hiện 30% hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, khó tìm được thị trường thay thế. Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất, nếu nhập nơi khác sẽ bị đội giá lên rất nhiều. Buôn bán qua đường biên sử dụng nhân dân tệ với lượng lớn. Những căng thẳng hiện nay có thể ảnh hưởng tới thương mại song phương, bởi vậy, chúng ta phải tiến tới hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Để làm được điều này, phải tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh. Theo tính toán, trong thời gian tới, phải tăng 50% năng suất lao động, GDP phải tăng 6,5% mới đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng đến tuổi lao động.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Phải tăng sự độc lập, tự chủ về kinh tế; phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng sức mạnh của khối doanh nghiệp trong nước bằng những chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh lành mạnh. Tạo đầu ra cho khối doanh nghiệp trong nước qua thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.

ĐB Nguyễn Kim Ngân (đoàn Bến Tre): Quốc hội phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về đẩy mạnh sản xuất trong nước, dần dần phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí để giảm nhập khẩu.

 

 

 


Ý kiến của bạn