Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào lúc 14 giờ 19 phút 00 giây ngày 5/8, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.853 độ vĩ Bắc, 108.258 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, trong hôm qua (4/8), hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng đã ghi nhận 3 trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 2.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), đoàn công tác của Viện đã có mặt tại huyện Kon Plông, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra.
Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng. Ngày 5/8, đoàn tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất để ổn định tâm lý, đời sống bà con.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, hôm nay (5/8), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến kiểm tra tình hình thực tế động đất và thăm hỏi, động viên người dân ở vùng tâm chấn xã Đăk Ring, huyện Kon Plông.
Báo cáo về tình hình động đất trên địa bàn, ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết, theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 đến năm 2020 trên địa bàn huyện xảy ra 30 trận động đất, cường độ mạnh nhất là 3.9 độ richter. Tuy nhiên chỉ từ tháng 4 năm 2021 đến nay đã xảy ra hơn 700 trận động đất, trùng với thời gian một số thủy điện trên địa bàn tích nước hồ chứa.
Chính quyền huyện Kon Plông đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về động đất cho người dân nhất là kỹ năng ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Công tác này tiếp tục được huyện đẩy mạnh sau trận động đất 5 độ richter lớn nhất từ trước đến nay xảy ra vào trưa ngày 28/7 vừa qua.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống động đất xảy ra, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình, nhấn mạnh: "Tôi rất mong lãnh đạo tỉnh, huyện kết hợp với các nhà khoa học có kết luận chính xác về nguyên nhân từ đó chúng ta mới có giải pháp hợp lý. Chúng ta phải tiếp tục giáo dục cho người dân sẵn sàng ứng phó khi có động đất. Kỹ năng đấy phải được giáo dục trong các cộng đồng dân cư, trong các trường học, trong các cơ quan. Phải có các kịch bản để ứng phó, đưa ra các phương án, rồi luyện tập theo các phương án sơ cứu, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn. Không có ai khác chính mình tự phòng ngừa, tự cứu lấy mình sau đó mới cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài".
Dự báo động đất ở Kon Tum còn kéo dài trong thời gian tới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
“Sinh con thuận tự nhiên": Trào lưu phản khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro | SKĐS