Bài 2: Doanh nghiệp không quản lý, xử lý được tài xế
Một thực tế hiện nay, việc sát hạch sức khỏe lái xe trước khi tuyển dụng, đặc biệt là lái xe chạy đường dài tại các doanh nghiệp (DN) còn nhiều kẽ hở, thậm chí nhiều DN chẳng mấy “mặn mà” với việc này. Điều này đặt câu hỏi phải chăng DN không quản lý, xử lý được tài xế không đủ sức khỏe, nghiện ngập hay do chế tài từ phía các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập? Phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại một số ý kiến của những người có trách nhiệm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: “Phát hiện lái xe không đủ sức khoẻ, kiên quyết không bố trí xe”!
Trước câu hỏi của PV về việc sắp đến hạn “chót” (cuối tháng 6 - PV) mà Bộ GTVT đặt ra về triển khai công tác khám sức khỏe (KSK) cho lái xe, với chủ trương loại bỏ lái xe nghiện, không đủ sức khỏe, tuy nhiên, đến nay mới nhận được báo cáo của 29 địa phương, còn lại 34 tỉnh, thành chưa triển khai. Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: Để thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố chưa tổ chức KSK cho lái xe kinh doanh vận tải cần phải sớm xây dựng kế hoạch và triển khai KSK cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn. Trong quá trình triển khai phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có liên quan. Để đảm bảo ATGT và tính mạng người tham gia giao thông, đối với những lái xe phát hiện không đủ điều kiện sức khỏe, kiên quyết không bố trí tiếp tục lái xe.

Ông Quyền cũng cho biết thêm: trên thực tế, tại một số địa phương vẫn chưa triển khai nghiêm việc kiểm tra sức khỏe cho lái xe. Một số nơi còn lúng túng trong công tác xử lý. Thời gian tới, các ban ngành liên quan sẽ tháo gỡ những vướng mắc này.
Ông Vũ Văn Triển - Cục trưởng Cục Y tế GTVT: “Khám theo quy định của Bộ Y tế”
Để giải quyết những vướng mắc cũng như thắt chặt công tác kiểm tra sức khỏe cho lái xe, qua trao đổi với ông Vũ Văn Triển - Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho biết: Bộ GTVT đã đồng ý thành lập tổ công tác do Cục Y tế chủ trì cùng đại diện các Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ VN đi kiểm tra một số địa phương trong công tác KSK lái xe để đánh giá khách quan và rút kinh nghiệm tại các địa phương. Với các nội dung về phương cách tổ chức khám, nội dung khám theo quy định của Bộ Y tế, những kiểm tra bắt buộc phải thực hiện như kiểm tra rối loạn sắc giác và kiểm tra sử dụng ma túy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: “Phải thắt chặt công tác kiểm tra sức khoẻ”
Thực tế tình trạng nghiện hút trong giới lái xe đã tồn tại từ rất lâu. Nguyên nhân là do nhiều năm qua chúng ta buông lỏng công tác kiểm tra y tế và chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý các lái xe nghiện ma túy. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP thì bước đầu một số DN vận tải khi tuyển dụng lái xe đã coi trọng vấn đề xét nghiệm ma túy. Nếu phát hiện đối tượng nghiện ma túy, các DN sẽ không tiếp nhận vào làm việc. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng không phải ai cũng lái xe cho các DN mà có thể lái xe cho gia đình, cho các cá nhân hoặc liên tục thay đổi nơi làm việc. Với đối tượng này thì khó có thể kiểm soát được. Tôi cho rằng cùng với việc kiểm tra của lực lượng CSGT thì cần “mạnh tay” hơn trong các quy định về kiểm tra sức khỏe cho lái xe.
Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt: “Phải xử lý hình sự nếu phát hiện lái xe nghiện ma túy”
Theo Thượng tá Sơn, lực lượng CSGT trong những năm qua đã được đầu tư hỗ trợ nhiều trang thiết bị, công cụ nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT như máy đo tốc độ có ghi hình, máy thử nồng độ cồn... Tuy nhiên, thiết bị để kiểm tra phát hiện nhanh lái xe có sử dụng ma tuý hay không thì chưa được trang bị, mặc dù hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật GTĐB (Điều 8 các hành vi bị nghiêm cấm - PV). Đó là nguy cơ dẫn đến TNGT cao, đặc biệt với lái xe khách và ôtô chở người. Nghị định 146/2007/NĐ -CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn. Thượng tá Trần Sơn nhấn mạnh: Bản thân hành vi này khi bị phát hiện sẽ xử lý bằng hình sự chứ không thể chỉ xử lý hành chính. Bởi vậy, việc tịch thu phương tiện, tang vật, giấy tờ được thực hiện theo các thủ tục tố tụng hình sự. Trong trường hợp cơ quan CSĐT thụ lý một vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu thấy không có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ cho lực lượng CSGT xử lý về hành chính theo thẩm quyền.
Văn Hậu - Giao Linh (ghi)