Nhiều vụ tai nạn đã xả ra trên cung đèo Khánh Lê
Đèo Khánh Lê với chiều dài 29km, độ cao đỉnh đèo trên 1.500m so với mực nước biển. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Khánh Hòa với Lâm Đồng nên lưu lượng các loại phương tiện giao thông hàng ngày đi qua con đèo rất nhiều.
Đèo Khánh Lê có nhiều đoạn quanh co, xuống dốc liên tục, nhiều đoạn cua tay áo làm hạn chế tầm nhìn của người lái xe. Đặc biệt, nhiều đoạn trên con đèo đã từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng, cơ quan chức năng phải tìm đủ cách để gia cố, dựng lại ta-luy.
Với đặc thù quanh co, nhiều đoạn đổ dốc liên tục, trên đèo Khánh Lê từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mới nhất là vụ tai nạn xảy ra tại km 56+200 đèo Khánh Lê, chiếc xe mang biển kiểm soát 29B-405.83 mất thắng, mất lái lật nhào ra con đèo đã làm 4 người chết, gần 20 người bị thương, trong đó chủ yếu là người nước ngoài. Tại điểm xảy ra tai nạn, tài xế vừa phải đổ dốc liên tục một quãng đường đèo dài.
Cách đây vài năm trước, chiếc xe mang biển soát 43S-6420 sau khi liên tục đổ dốc theo hướng Đà Lạt - Nha Trang, khi đến Km 44+700 đèo Khánh Lê thì mất thắng, lái xe mất khả năng điều khiển, xe đâm vào vách núi khiến 7 người chết và gần 20 người bị thương.
Đối với cánh tài xế, những điểm đen này để lại nhiều ám ảnh nhất và cũng là lời nhắc nhở cần điều khiển xe cẩn thận hơn khi lưu thông qua con đèo. Anh Nguyễn Hữu Quang, một tài xế thường xuyên lưu thông qua đèo Khánh Lê chia sẻ, chạy qua các điểm từng xảy ra tai nạn thương tâm, chúng tôi luôn có cảm giác hơi rùng mình, bởi tại các điểm đen ấy không chỉ có khách du lịch, người dân mà cả những đồng nghiệp của chúng tôi bị tai nạn và tử vong.
Theo ghi nhận, để hạn chế tai nạn, tại các điểm đen, các đoạn cua, đoạn dốc nguy hiểm trên đèo, biển báo, biển phản quang, gương cầu lồi, vòng đệm cản bằng lốp cao su đã được lắp đặt ngày càng nhiều.
Cạnh những điểm dốc nguy hiểm, các điểm tránh nạn, lánh nạn cũng được thiết lập để hỗ trợ tài xế trong những tình huống khẩn cấp.
Cần làm gì để được an toàn khi qua đèo Khánh Lê?
Là người có trên 20 dạy lái xe và viết các giáo trình hướng dẫn lái xe an toàn trên đường đèo, ông Trương Nhất Vương (giáo viên Trung tâm đào tạo lái xe Việt Nhật) chia sẻ, điều quan trọng nhất của tài xế khi đi đường đèo là quan sát thật kỹ, tìm hiểu trước về địa thế của con đèo và các điểm lánh nạn. Thực tế, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đều do sự thiếu nghiêm khắc, cẩn trọng của con người, đặc biệt là người tài xế.
Với tài xế đi trên các con đèo, kỹ năng lái xe là rất quan trọng, khi đổ đèo không nên đi số cao vì nếu đi số cao phải rà chân thắng nhiều dễ dẫn đến tình trạng mất thắng. Nếu lỡ đang đi số cao, gặp trục trặc thì nên nhanh chóng dồn về số thấp.
Hiện nay, các xe đời mới có hệ thống phanh ABS hoạt động rất tốt. Vì phanh tốt nên gần như mọi tài xế đều rất tự tin khi đổ đèo mà quên đi bài học cực kỳ quan trọng là phải dồn số để giảm tối đa áp lực cho hệ thống phanh, phòng ngừa cháy phanh, mất phanh, tuột phanh…
Cũng theo ông Vương, một trong những nguyên nhân khác dễ dẫn đến tai nạn trên các con đường đèo là tài xế không tuân thủ theo biển cảnh báo. Cẩu thả trong khâu chuẩn bị xe cộ, tận dụng lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, buôn chuyện điện thoại khi cầm lái...cũng là những vấn đề các tài xế cần thay đổi ngay.
Dưới đây là chùm ảnh về con đường đèo Khánh Lê
Đèo Khánh Lê quanh co và nhiều cảnh báo