Hà Nội

Lại tiếp tục có 5 nạn nhân bị ngộ độc nấm rừng

14-03-2014 12:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 14/3, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cháu bé nhỏ tuổi nhất trong số 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm chuyển đển Trung tâm chống độc đêm 9/3 đã tử vong vào sáng ngày 13/3.

 

Sáng ngày 14/3, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cháu bé nhỏ tuổi nhất trong số 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm chuyển đển Trung tâm chống độc đêm 9/3 đã tử vong vào sáng ngày 13/3.

Trước đó trên số báo 40 ra ngày 11/3, báo SK&ĐS đã đưa tin, tối 9/3, Trung tâm Chống độc tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhân ở huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) bị ngộ độc nấm tán trắng rất nặng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên xuống. Trước khi bị ngộ độc khoảng 15 tiếng đồng hồ, vào chiều ngày 8/3, 5 người này (có 3 người lớn và 2 cháu nhỏ), đã cùng ăn chung một bữa canh nấm tán trắng hái trong rừng.

Trao đổi với báo chí, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc cho biết, ngày đầu nhập viện, bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) – người ăn nhiều nấm nhất chính là trường hợp nặng nhất và phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực. Trong khi đó, 2 cháu bé là Lý Minh Khôi (13 tuổi – con trai bệnh nhân Lý Thị Thơm) và bé Lý Thị Thùy (14 tuổi – cháu chị Thơm) bị nhẹ hơn, men gan tăng chậm hơn nên được điều trị ở phòng bệnh thường. Tuy nhiên, đến chiều muộn ngày 10/3, tình trạng bệnh của cháu Khôi đột ngột tiến triển nặng lên rất nhanh. TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, sáng 13/3, dù đã được cấp cứu bằng các biện pháp hiện đại nhất nhưng do bệnh tiến triển quá nặng nên cháu Lý Minh Khôi đã tử vong. Trong 4 bệnh nhân còn lại của vụ ngộ độc nấm này đang điều trị tại Trung tâm chống độc hiện có đến 3 người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu, thay huyết tương hàng ngày và chưa tiên lượng được tình hình. Hiện nay các bác sĩ đang theo dõi sát sao diễn tiến sức khỏe của các bệnh nhân này.

TS Nguyễn Kim Sơn đang khám cho một trong số các nạn nhân của vụ ngộ độc nấm rừng. Ảnh T.Minh

Liên quan đến tình hình ngộ độc nấm, ông Sơn cũng cho biết thêm thông tin, trong ngày 13/3, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân khác bị ngộ độc nấm cũng trong tình trạng nguy kịch. Đáng chú ý, 5 bệnh nhân này cũng đến từ huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Qua điều tra, loại nấm mà 5 bệnh nhân trong gia đình này ăn có hình dáng cũng giống loại nấm đã gây ngộ độc cho 5 bệnh nhân đầu tiên, đó là loại nấm có tán trắng, thịt mềm, mùi thơm dịu, ăn có vị ngọt và rất khó phân biệt với nấm thường.

Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế nhấn mạnh, mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình... Do đó, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 282/ATTP-TT đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông trên sóng phát thanh tại địa phương nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc…

Thái Bình


Ý kiến của bạn