Ngày 26/02/018, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé gái Nguyễn Ngọc Diễm M. (08 tháng tuổi) thường trú tại Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trẻ ở nhà xuất hiện sốt cao kèm theo ăn kém, miệng viêm loét từ 03 ngày nay, ở nhà đã uống và bôi thuốc cam vào miệng, (đã dùng 05 thìa cà phê ), ngày nay trẻ ăn kém, mệt, viêm loét miệng họng, bỏ bú gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện.
Sau khi thăm khám, nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và chỉ định làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu và điều trị tích cực bằng thở máy, an thần, bù nước điện giải, truyền dịch, kháng sinh, vệ sinh họng miệng cho bé.
Bé M. được điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ninh.
Sau 01 tuần điều trị tích cực, ngày 02/03/2018 sức khỏe của Nguyễn Ngọc Diễm M. đã cải thiện đáng kể, tình trạng viêm loét miệng họng đã ổn định, chỉ số xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm, các bác sĩ đã cho bé ra viện.
Bác sĩ Chương Văn Thế, Khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết: Việc chẩn đoán, điều trị với trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc chì rất khó khăn. Phải kết hợp nhiều chuyên khoa như Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, sinh hóa, huyết học... mới xác định được ngộ độc chì. Ngay cả khi tìm ra bệnh thì việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, kéo theo đó là những tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục.
BS. Thế cho biết thêm, rất nhiều bà mẹ chữa bệnh theo truyền miệng cho con khi bị vì nghĩ thuốc cam sẽ giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy...
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi không rõ nguồn gốc để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất vì nhiễm độc chì từ các loại thuốc cam không nguồn gốc.