Bị quay lén khi thuê căn hộ có chung nhà vệ sinh
Chị Ngọc Mai (tên nhân vật đã thay đổi) phản ánh tới phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về việc bị quay lén trong nhà vệ sinh chung.
Theo lời Mai, chị cùng vài người nữa thuê phòng trong một căn hộ chung cư đã được cải tạo thành nhiều phòng nhỏ. Riêng nhà vệ sinh và khu bếp phải sử dụng chung.
Trong quá trình sinh hoạt, nam thanh niên tên T. - là người cùng thuê trọ trong căn hộ - có xích mích với vài cá nhân ở phòng khác.
Khoảng tháng 7/2022, T. lắp camera ở khu vực chung của bếp. Tuy nhiên, do thấy không được tôn trọng quyền riêng tư, nhân lúc T. không có nhà, một số người đã lấy camera xuống để kiểm tra thẻ nhớ.
Khi xem nội dung trong thẻ mọi người phát hiện có đoạn video ghi lại những hình ảnh nhạy cảm trong nhà vệ sinh chung. Đáng nói là trong thẻ nhớ, có những đoạn video được thực hiện từ tháng 4/2021. Tổng số người bị quay lén là 5 người (nạn nhân đều là nữ).
"Phát hiện đoạn clip nhạy cảm trong thẻ nhớ của camera, chúng tôi lo lắng khi thấy hình ảnh riêng tư của mình bị quay lén. Các nạn nhân đều là những bạn gái trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Ai biết được hình ảnh, clip đó đã được dùng làm gì, phát tán đi đâu? Tương lai của các bạn gái nếu bị phát tán hình ảnh này trên không gian mạng sẽ ra sao?", Ngọc Mai bức xúc.
Những người bị quay lén cùng chủ nhà đã báo công an phường để giải quyết. Được biết, T. đã đến cơ quan công an để làm việc và đã thừa nhận hành vi lắp camera quay lén với mục đích cá nhân.
"Sau khi làm việc với công an, T. chỉ chịu phạt hành chính. Mức xử phạt đó có là gì so với tổn thương tinh thần của chúng tôi. Khi yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, T. không thiện chí, chỉ nói đã xin lỗi và còn đe dọa kiện các nạn nhân bị quay lén về hành vi tống tiền và bôi nhọ danh dự", Ngọc Mai nói.
Ngọc Mai thông tin thêm: "Với lời xin lỗi trước cơ quan công an và đóng số tiền xử phạt, T. cho rằng đã hết trách nhiệm. Còn chúng tôi là những nạn nhân của hành vi vô đạo đức đó luôn sống trong lo lắng. Tôi quyết định lên tiếng để cảnh báo đến mọi người, đặc biệt là các bạn nữ khi đi thuê trọ, khi sử dụng không gian công cộng cần cảnh giác để bảo vệ bản thân", Ngọc Mai nhấn mạnh.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Với góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc lắp đặt camera trong phòng tắm để quay lén những hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của người khác vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lối sống và có biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi cá nhân có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình, mỗi đặc điểm trên cơ thể, hình ảnh cơ thể khi chưa được tiết lộ đều là bí mật của mỗi cá nhân và được Hiến pháp, pháp luật tôn trọng, bảo vệ các quyền này.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc quay phim, chụp ảnh đối với cơ thể người khác lén lút, không được người đó đồng ý có thể gây ra những hậu quả khôn lường, tác động xấu tới tâm lý nạn nhân và thể hiện ý thức coi thường của người vi phạm, hành vi thể hiện sự bệnh hoạn, bì ổi, nhân cách thấp hèn.
Khi sự việc bị phát hiện, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi và mục đích của hành vi như dùng để khiêu dâm, phát tán lên mạng, mua bán các clip … người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, người quay lén có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tới 60 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP.
Nếu qua kết quả xác minh của cơ quan chức năng có căn cứ khẳng định, người này đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm, thu thập trái phép thông tin bí mật đời tư cá nhân của nhiều người, những thông tin nhạy cảm của cá nhân rồi đăng tải lên mạng Internet để trục lợi hoặc cung cấp cho các trang web đồi trụy hoặc sử dụng hoặc bán cho các đối tượng khác để đe dọa tống tiền nạn nhân… hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như: Tội Làm nhục người khác, tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể…
Trường hợp đặc biệt, nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa cưỡng ép chiếm đoạt tài sản thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, do bị thu thập, phát tán thông tin về cá nhân trái phép gây ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với những nạn nhân nên căn cứ Điều 13 Bộ luật dân sự, cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm có thể yêu cầu người thực hiện hành vi quay lén bồi thường toàn bộ các thiệt hại xảy ra.
Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, khi danh dự nhân phẩm uy tín của công dân bị xâm phạm, công dân có quyền yêu cầu người đã xâm phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của mình phải bồi thường thiệt hại.
Cụ thể "thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín" bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Hiện nay, mức lương cơ sở là 2.34 triệu đồng.