Lại tái diễn cảnh lấn chiếm vỉa hè tràn lan ở Hà Nội

14-12-2023 07:00 | Xã hội

SKĐS - Không chỉ bị lấn chiếm phục vụ kinh doanh ban ngày, vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội trở thành nơi buôn bán tấp nập khi đêm xuống.

Gần 1 năm ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội vẫn bị chiếm dụng ngang nhiênGần 1 năm ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội vẫn bị chiếm dụng ngang nhiên

SKĐS - Gần 1 năm sau khi Hà Nội đồng loạt ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đến nay kết quả vẫn không có dấu hiệu chuyển biến khi vỉa hè vẫn bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Báo Sức khỏe & Đời sống vừa có bài phản ánh "Gần 1 năm ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội vẫn bị chiếm dụng ngang nhiên". Theo đó, nhiều khu vực vỉa hè ở Thủ đô Hà Nội ban ngày ngang nhiên bị lấn chiếm phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán, đỗ xe khiến không gian của người đi bộ bị thu hẹp đáng kể.

Ban ngày là vậy, khi màn đêm buôn xuống, vỉa hè trên các tuyến đường cũng nhộn nhịp không kém khi các hoạt động kinh doanh, đặc biệt ăn uống về đêm thu hút nhiều khách hàng lui tới. 

Ghi nhận của PV tại các tuyến đường trên địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy..., hàng loạt vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, tận dụng gần hết để phục vụ hoạt động kinh doanh, buôn bán. Nhiều quán ăn đã sử dụng vỉa hè để bày bàn ghế ra sát lòng đường phục vụ thực khách, chiếm hết lối đi dành cho người đi bộ.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 2.

Toàn bộ vỉa hè đường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) được trưng dụng bán hàng ăn đêm.

Chị Nguyễn Trường Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vỉa hè dọc theo tuyến phố Tô Hiệu từ lâu đã trở thành "đất riêng" của các hộ kinh doanh. "Phần vỉa hè tại đây nhiều năm qua đã bị xẻ thịt, trở thành nơi buôn bán nhộn nhịp và đẩy người đi bộ xuống lòng đường" - chị Giang bức xúc.

Theo ghi nhận, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội để phục kinh doanh, buôn bán vào buổi đêm diễn ra tràn lan trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa được lực lượng chức năng xử lý triệt để. 

Thực trạng này khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc khi vỉa hè là không gian chung nhưng thường xuyên bị lấy đi phục vụ mục đích riêng. Chị Lê Thị Cẩm Vân (30 tuổi, phường Trung Hòa) cho biết, thành phố đã nhiều lần ra quân để lập lại trật tự đô thị nhưng giờ đâu lại vào đấy. "Trường hợp người dân cố tình vi phạm, tái chiếm lòng, lề đường thì nên tăng xử phạt, có thể cấm kinh doanh, chứ như bây giờ không ai sợ", chị Vân cho hay.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 3.

Dù vỉa hè rộng hơn 3m nhưng đều được sử dụng để xe máy.

Tính từ năm 2014 đến nay, UBND TP Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Lần gần nhất, vào thời điểm tháng 2/2023, TP Hà Nội đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thời điểm đó, lãnh đạo từ thành phố đến các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. 

Sau đó, tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra sáng 31/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các cấp chính quyền phải tìm các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa".

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cần phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Dù ra quân rầm rộ ở nhiều cấp nhưng đến nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh, để xe tràn lan trên vỉa hè vẫn tồn tại, nhất là ở các quận nội thành.

Nhiều người lo ngại, việc lập lại trật tự lòng lề đường của nhiều địa phương còn làm theo kiểu chiến dịch, phong trào. Ra quân rầm rộ xử lý tại một thời điểm, sau đó "đâu lại vào đấy", làm như vậy khó có thể triệt để mà chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định, vỉa hè là không gian công cộng, đồng thời cũng là không gian phục vụ giao thông, không gian chuyển tiếp giữa đường giao thông với các công trình và nhà dân bên đường.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, dù đã triển khai gần 1 năm, nhưng đến nay, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội vẫn chưa hiệu quả. Các cấp chính quyền trước khi giành lại vỉa hè cho người đi bộ cần phải đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, phân loại, không thể đánh đồng các loại vỉa hè với nhau, vì có những vỉa hè ở Hà Nội rộng 5 - 7m, nhưng cũng có những vỉa hè rộng chưa đến 1m.

Một số hình ảnh vỉa hè Hà Nội khi về đêm:

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 4.

Quán ăn, cafe lấn chiếm toàn bộ vỉa hè tại đường Nguyễn Ngọc Vũ.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 5.

Vỉa hè dọc tuyến phố Láng Hạ nhộn nhịp hàng quán về đêm.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 6.

Nhiều quán ăn tự phát trên vỉa hè thu hút khách vào buổi tối, lấn chiếm trọn vỉa hè.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 7.

Một số không gian cộng đồng, điểm sinh hoạt chung cũng được trưng dụng về đêm cho mục đích kinh doanh.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 8.

Các quán lẩu, nướng, đồ ăn vặt hút khách về đêm.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 9.

Một số tuyến đường lân cận như Lê Văn Lương, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Khang... cũng rơi vào cảnh tương tự.

Vỉa hè Hà Nội nhộn nhịp hàng quán về đêm- Ảnh 10.

Khi màn đêm buông xuống, các dãy bàn ghế bắt đầu xuất hiện trên vỉa hè.

Xem thêm video được quan tâm:

Từ 1/1/2025, mua bán nhà trên giấy đặt cọc tối đa 5% |SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn