Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng liên tục nhích lên trong những ngày gần đây.
Trong phiên 25/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% doanh số giao dịch) đã tăng vọt lên 0,74%/năm từ mức 0,25%/năm ghi nhận vào cuối tuần trước. Còn kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,76%, tăng 1,2% so với cuối tuần trước, kỳ hạn 2 tuần lên 1,74%, kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,57%.
Trong phiên 27/12, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm tiếp tục nhích lên mức 0,79%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần từ 1,76%/năm lên 2,17%/năm, 2 tuần từ 1,74%/năm lên 2,06%/năm, 1 tháng từ 1,57%/năm lên 2,06%/năm.
Đến phiên 28/12 cũng là phiên gần nhất theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần đã dịu lại.
Cụ thể, kỳ hạn qua đêm lãi suất giảm còn 0,51%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm từ 2,17%/năm về 1,85%/năm. Tuy nhiên lãi suất kỳ hạn 2 tuần từ 2,06%/năm lên 2,21%/năm, kỳ hạn 1 tháng lãi suất từ 2,06%/năm lên 2,29%/năm.
Lãi suất kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần đã dịu lại là do Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền ra thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023.
Tuy có sụt giảm đáng kể so với phiên hôm trước, lãi suất liên ngân hàng vẫn ở vùng cao nhất kể từ tháng 11, giai đoạn mà Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hút tiền qua kênh tín phiếu. Lãi suất liên ngân hàng đã ở mức cao trong ba phiên liên tiếp. Cuối tuần trước, lãi suất trên chỉ ở mức 0,25%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng trong những phiên gần đây khi thời điểm chốt quý 4 sắp tới gần. Trước đó, lãi suất qua đêm đã có hơn 1 tháng duy trì ở vùng thấp (dưới 0,2%/năm) sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu mới và các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn hết.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ghi nhận kết quả bứt phá vào những tuần cuối cùng của năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,09%.
Kết quả này thấp hơn tương đối so với mức tăng trưởng 12,87% ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện rõ rệt chỉ trong vài tuần cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng nhanh trong vài tuần cuối năm có thể là nguyên nhân thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đi lên. Ngoại trừ năm 2020 thì kể từ 2014 đến nay, lãi suất liên ngân hàng đều có xu hướng nhích lên trong tháng 12 và thường duy trì sang cả quý 1 năm sau, cũng là lúc tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ cao nhất.
Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm cuối năm nay tương đối thấp so với trung bình các năm trước và chỉ nhỉnh hơn giai đoạn cuối 2020 và 2021, khi nền kinh tế đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ đại dịch COVID.
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhóm Big4 liên tục đưa lãi suất huy động xuống mức thấp nhất trong đó Vietcombank và VietinBank có 2 lần giảm lãi suất, BIDV và Agribank có 3 lần giảm lãi suất.
Hiện mức lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại Vietcombank đã giảm về 1,9%/năm. Các ngân hàng quốc doanh khác cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất khá mạnh trong tháng 12, mức giảm lãi suất bình quân trong tháng là 0,5 điểm % với kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,3 điểm % với các kỳ hạn dài; mức giảm lãi suất bình quân ở khối ngân hàng thương mại tư nhân thấp hơn, bình quân khoảng 0,2 điểm %. Tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5-3 điểm % so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1-1,5 điểm % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, theo công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25-50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25-5,5% trong năm 2024 khi áp lực tỷ giá không còn lớn./.