Bão Mặt Trời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), ngày 19/5 tới đây, Trái Đất sẽ tiếp tục hứng chịu một cơn bão Mặt Trời, dù có cường độ không lớn bằng cơn bão vừa xảy ra hôm 11/5 song nó cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Các vụ phun trào vành nhật hoa – những đám mây plasma mặt trời bị phóng ra có thể gây ra sự bất thường trong lưới điện và các vấn đề với hệ thống liên lạc tần số cao và định vị toàn cầu – sẽ lao vào từ trường Trái đất và bầu khí quyển bên ngoài cho đến ít nhất là tối ngày 19/5.
Cuối tuần trước, một cơn bão mặt trời mạnh đã tạo ra một màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục trên bầu trời toàn cầu chỉ sau một đêm nhưng chỉ gây ra sự gián đoạn nhỏ đối với lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và định vị vệ tinh. Cơn bão mặt trời dữ dội nhất trong lịch sử được ghi lại vào năm 1859 đã tạo ra cực quang ở Trung Mỹ và thậm chí có thể cả Hawaii.
Theo PGS.TS Hà Duyên Châu, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bão Mặt Trời hay còn gọi là bão từ là sự biến thiên mạnh của từ trường Trái Đất. Khi Mặt Trời hoạt động mạnh, trên bề mặt Mặt Trời xuất hiện những vết đen. Từ các vết đen này xảy ra các vụ bùng nổ sắc cầu Mặt Trời, phóng vào vũ trụ sinh ra các chùm plasma (gọi là chùm sắc cầu plasma Mặt Trời). Chúng bao gồm những phần tử trung hòa về điện, sẽ tác động đến Trái Đất, bao trùm toàn bộ Trái Đất và làm xáo trộn hệ thống từ trường. Gọi là bão nhưng nó tồn tại vô hình, mắt thường không thể nhận biết và chỉ gây ra những tác động cụ thể.
Cường độ bão Mặt Trời được đánh giá theo 5 cấp: Cấp G5 cho những trận bão từ cực mạnh, G4 cho các trận bão từ rất mạnh, G3 cho các trận bão từ mạnh, G2 cho các trận bão từ trung bình và G1 cho các trận bão từ nhỏ. Chỉ có những bão từ cấp rất mạnh G4 và cực mạnh G5 là có ảnh hưởng rõ rệt nhất tới Việt Nam.
Bão Mặt Trời gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người vì nó tác động mạnh vào hệ thần kinh và tim mạch. Các nhà khoa học đã xác định, khi bão từ xảy ra, tần số nhịp tim và huyết áp tăng lên rõ rệt, nhất là đối với những người cao tuổi. Các số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tử vong, nhất là đối với những người mắc bệnh tim mạch và thần kinh tăng lên trong thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh.
Các nhà khoa học cũng đánh giá, trong thời kỳ này, bạch cầu trong máu của tất cả các động vật bị giảm đi và có sự liên quan của nhiều bệnh dịch với chu kỳ hoạt động mạnh của bão Mặt Trời như: Dịch tả, dịch hạch, cúm, thương hàn, viêm màng não... Tuy nhiên, bão Mặt Trời không gây ảnh hưởng với người bình thường. Bão Mặt Trời chỉ tác động trực tiếp đến người mắc bệnh thần kinh, tim mạch hoặc người mẫn cảm với từ tính. Ảnh hưởng của bão thường gây ra mệt mỏi, bồn chồn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tại nhiều nước trên thế giới, trong những ngày có bão từ, bệnh nhân mẫn cảm với từ trường, nhất là các bệnh nhân về tim mạch, thần kinh được đưa vào các nhà chống từ (lồng Faraday) nhằm ngăn chặn tác động của bão từ. Ở Việt Nam, hiện chưa có điều kiện xây dựng những nhà chống từ như vậy, vì thế cần có sự theo dõi chăm sóc thường xuyên hơn.
Đối với các hệ thống truyền tải điện lớn, để đề phòng sự cố bão từ, nhiều nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, như: Đặt các trị số mới cho hệ thống bảo vệ (hệ thống rơle), thông báo các dự báo bão từ, theo dõi sự bất đối xứng của điện thế AC, giảm công suất vận hành khi nhận được dự báo có bão từ.
Chu kỳ hoạt động của bão Mặt Trời
Chuyên gia cho biết, bão Mặt Trời thường hoạt động theo chu kỳ trung bình 11 năm. Chu trình hoạt động thứ 24 của Mặt Trời kết thúc vào tháng 12/2019, khi hoạt động của Mặt Trời là yên tĩnh nhất trong chu trình. Sau đó, bắt đầu chu trình hoạt động thứ 25, nghĩa là Mặt Trời bắt đầu hoạt động mạnh lên trong một chu trình mới. Dự báo cho thấy cực đại hoạt động bão từ chu trình 25 sẽ xảy ra vào năm 2025.
Đối với các năm bão Mặt Trời hoạt động mạnh, thống kê cho thấy, số lượng và cường độ các cơn bão Mặt Trời tăng lên rất mạnh, lên đến từ 100 - 200 trận, thậm chí 300 trận. Các cơn bão từ cực lớn, cường độ G5, G4 cũng thường xuất hiện thời gian này.
Theo PGS Châu, những ngày bão Mặt Trời hoạt động mạnh, người mắc bệnh tim mạch nên tránh hoạt động nhiều ngoài trời, uống đủ 2 lít nước/ngày, có chế độ dinh dưỡng tốt. Cần theo dõi sức khỏe, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện choáng ngất, đau thắt ngực, giảm vận động và phản xạ thì cần đến cơ sở điều trị. Bão từ mạnh cũng tác động mạnh đến các hệ thống công nghệ như hệ thống vệ tinh nhân tạo của Trái Đất, hệ thống truyền tín hiệu viễn thông ảnh hưởng đến tín hiệu di động.
PGS.TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Việt Nam hiện có hệ thống bốn đài địa từ để ghi biến thiên từ, bão từ cũng như phục vụ công tác nghiên cứu và dự báo bão. Bốn đài này được đặt ở Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 đài ở Phú Thụy và Đà Lạt có khả năng truyền trực tiếp dữ liệu về Viện Vật lý địa cầu cũng như đi quốc tế. Ở Việt Nam, mới chỉ thực hiện nhiệm vụ quan sát liên tục trường từ của Trái Đất và dự báo dài hạn (khoảng 30 ngày). Việc nghiên cứu dự báo bão từ ngắn hạn (khoảng 30 phút/ngày) chưa thực hiện được do chưa đủ thiết bị và số liệu.
Viện Vật lý địa cầu đang có kế hoạch nâng cấp các đài, trạm thu thập số liệu địa từ, điện ly bằng các thiết bị hiện đại ghi từ hiện số nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trường địa từ và dự báo bão từ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 13/5: Nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn.