Lại ồ ạt làm thủy điện

30-07-2016 08:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, những người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án phá rừng làm thủy điện thốt lên như thế khi thiên tai ập xuống, trả cho cái giá rừng bị tàn phá.

Nhưng vì sao nhiều dự án mới vẫn được cấp phép đầu tư, thậm chí vi phạm nghiêm trọng đến Luật bảo vệ rừng và Luật đa dạng sinh học?

Không bằng mọi giá đánh đổi

Cả cánh rừng bạt ngàn bỗng rưng trọc lóc, trở thành cảnh tượng kinh hoàng ấy đang diễn ra tại tiểu khu 411 (rừng phòng hộ khu tây huyện Ba Tơ - tỉnh Quảng Ngãi). Thủ phạm là Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân. Người dân bức xúc, còn chính quyền bất bình. Bởi dù công ty này được cấp phép xây dựng Công trình thủy điện Đắc Re, nhưng chưa được phép chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để làm các công trình phụ trợ, thế nhưng chủ đầu tư đã đưa máy móc đến “trảm” rừng với diện tích lên đến 176 héc-ta. Phẫn uất trước sự ngang nhiên của chủ đầu tư, ông Nguyễn Trọng - Giám đốc Ban quản lý rừng tây huyện Ba Tơ nói: “Phát hiện vụ việc, chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công để báo lên các cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng lập chốt cử người theo dõi, không để đơn vị này thi công. Vì lực lượng mỏng nên khi anh em nghỉ thì đơn vị thi công lại tiếp tục san ủi, mở đường!”.

Con người sẽ phải trả giá vì quy hoạch điện thiếu kiểm soát.

Còn người dân xã Ba Xa đau xót trước cảnh phá rừng không thương tiếc, đồng thời bộc bạch rằng ngay từ đầu không nên cho xây thêm công trình ảnh hưởng lớn đến như vậy. Phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần xin gặp lãnh đạo tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân dừng việc thi công dự án thủy điện Đắc Re, chờ hoàn tất hồ sơ, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ. Lúc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ngãi tiến hành điều tra, phát hiện chủ đầu tư tự ý thi công một phần mặt bằng khu vực nhà máy, một số vị trí của tuyến đường công vụ, nhưng sai với hồ sơ thiết kế. Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư còn thi công thêm một tuyến đường mới (không có trong hồ sơ thiết kế) đi qua rừng phòng hộ thuộc dự án JICA 2, thực chất là phá lấy gỗ, nên đã gây tác hại lớn đến khu rừng phòng hộ xanh tốt này.

Ở một địa phương khác là Đác Lắc, người dân đang xôn xao phản đối xây dựng Công trình thủy điện Đrăng Phôk do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO) TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, ngay từ năm 2007, UBND tỉnh Đác Lắc có văn bản số 4670/UBND-CN đồng ý cho TECCO tiến hành khảo sát, thu thập số liệu về công trình thủy điện này, đến nay công việc đang tiếp tục được tiến hành, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân và các chuyên gia bởi xâm phạm đến vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn. Lo ngại dự án làm động rừng, ông Y Nô H’Wing, Phó buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thốt lên: “Không đổi rừng lấy thủy điện được đâu. Làm thế rầu lòng lắm. Bởi sẽ là gánh nặng cho vườn quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến bà con”.

Ông Y Nô H’Wing dẫn tôi ra mé rừng nơi có dòng sông Sê-rê-pốc, và nói về bài học đau đớn, chỉ cách đây ba năm thôi, nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4A đi vào hoạt động, đã khiến cho 22km sông Sê-rê-pốc trở thành “dòng sông chết”. “Lúc đó, người ta cũng nói hay lắm. Là đời sống người dân sướng lên, không ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường. Sự thật thì vùng lõi vườn bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Y Nô H’Wing trải lòng.

Đồng quan điểm “nói không” với thủy điện, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho rằng: “Không nên xây dựng thủy điện trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn bằng mọi giá. Như vậy là phạm luật đã được quy định rất rõ ràng”.

Ồ ạt xin giấy phép, lập dự án

Qua làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện địa bàn có 26 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch được phê duyệt, 4 dự án đi vào hoạt động, 7 dự án bị loại bỏ, 3 dự án khác đang xem xét loại bỏ. Riêng ở cấp huyện thì Sơn Hà phải “gánh” tới 18 dự án thủy điện. Lãnh đạo huyện Sơn Hà đưa ra quan điểm, sẽ xin ý kiến loại bỏ tất cả các dự án chưa cấp phép và chưa thi công. Bí thư huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc ở địa phương, 100% cử tri bỏ phiếu không tán thành xây dựng công trình thủy điện Trà Khúc 1 vì “lợi bất cập hại”. Một huyện phải gánh chịu nhiều thủy điện như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường rừng”.

Đoạn sông Sê-rê-pốc chảy qua địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn bị khô cạn do Nhà máy thủy diện Sê-rê-pốc 4A chặn dòng. Ảnh: Công Lý

Để rộng nguồn tin về sự phát triển ồ ạt của thủy điện, chúng tôi ngược về Hà Giang, địa phương nằm ở vùng núi cao phía bắc Tổ quốc, từ năm 2005, đã quy hoạch 72 dự án thủy điện.  Điều đáng nói là số dự án kém khả thi, năng lực yếu rất nhiều, nên đầu năm 2013, cùng với Bộ Công thương, UBND tỉnh Hà Giang đã phải loại 27 dự án ra khỏi quy hoạch. Đến nay, đưa vào sử dụng 13 dự án, các dự án khác đang được triển khai hoặc nghiên cứu đầu tư.

Nhìn vào bản đồ quy hoạch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi một số con sông ở Hà Giang đang phải cùng lúc “cõng” nhiều nhà máy. Thí dụ sông Miện “cõng” năm công trình, sông Nho Quế chảy qua huyện Mèo Vạc “cõng” ba nhà máy, sông Lô bốn nhà máy… Vị Xuyên là huyện được quy hoạch nhiều nhất, với tổng số 24 dự án, vào thời điểm hiện tại, địa bàn huyện có tám nhà máy đã xây dựng xong, đưa vào sử dụng.

Quá trình lập quy hoạch, cấp phép ồ ạt cho xây dựng thủy điện còn diễn ra ở Kon Tum với 24 dự án. Tại tỉnh Gia Lai có vài chục dự án, và chỉ riêng Công ty CP Thủy điện Gia Lai đã đầu tư xây dựng tới 14 dự án. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thốt lên: “Đúng là bội thực. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi thấy nhà nhà đi làm thủy điện, tư nhân đi làm rất nhiều. Và họ chỉ tính toán đến lợi ích kinh tế nên phá rừng mà không trồng lại. Chúng tôi đi khảo sát, thấy người ta phá rừng khủng khiếp, nhưng rất ít khi bị xử lý!”

Ông Ngãi cũng cho biết thêm, Chính phủ có cơ chế cho phép các địa phương tự quy hoạch cấp phép xây dựng nhà máy công suất vừa và nhỏ (dưới 30 MW), nên nhiều địa phương quản lý rất yếu, không đánh giá được tác động đối với môi trường. Từ năm 2013, Chính phủ đã phải họp, loại bỏ 424 dự án kém hiệu quả hoặc không khả thi ở các địa phương. “Nếu không loại bỏ thì không hiểu, sẽ còn biết bao nhiêu rừng bị chặt phá, bởi dù nhỏ thì mỗi thủy điện cũng làm ảnh hưởng đến hàng chục héc-ta rừng”, ông Ngãi giãi bày.

Lo ngại những cái mất vô hình

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nhiều dòng sông ở khu vực Tây nguyên, hay ở vùng núi Hà Giang cạn khô trơ đá sỏi. Ông Hoàng Xuân Ích, Trưởng thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên - Hà Giang) bày tỏ: “Ruộng nương, hoa màu của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi nhiều thủy điện xây ở sông Miện hoạt động tích và xả nước chưa khoa học. Những nỗi khổ của người dân do môi trường thay đổi, chính quyền chưa đánh giá hết được đâu”.

Trước phản ánh của người dân, ông Nguyễn Thế Phương, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên, Môi trường) Hà Giang nhìn nhận: Mục tiêu của tỉnh là tăng trưởng GDP, cái đó thì nhìn được trước mắt, nhưng những cái mất đi thì không thống kê được. Khai thác nhiều là chúng ta đã “ăn” vào tương lai. Nhìn nhận thẳng thắn, ông Đỗ Thái Hòa - Phó giám đốc Sở TNMT Hà Giang cho biết: “Trong bài toán phát triển kinh tế, đôi khi phải cân nhắc cái được và cái mất. Nhưng cái mất là cái vô hình, khó đánh giá”.

Ý kiến của ông Hòa là cân nhắc lợi ích kinh tế, được và mất. Hẳn nhiên, chúng tôi đã chứng kiến cảnh bà con ở tận rừng sâu phải trả giá vì thủy điện xâm phạm rừng. Điều đáng nói là, đến nay không chỉ Hà Giang, mà nhiều địa phương vẫn chưa có một đánh giá tác động môi trường tổng thể. “Bài học quá khứ, hiện tại thì đã quá rõ rồi. Chúng ta cứ ồ ạt làm, thì sẽ đến ngày không thể tính toán được thiệt hại đâu”, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn khuyến nghị.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết do xây dựng thủy điện, Bộ Tài nguyên, Môi trường đã có Báo cáo Môi trường chiến lược (số 4412/BTNMT-TCMT) về “Ðề án Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030” gửi Chính phủ. Trong đó Bộ Tài nguyên, Môi trường kiến nghị tiếp tục rà soát kỹ các dự án thủy điện có mức độ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, rừng phòng hộ, trên cơ sở phân tích lợi ích để đưa ra khỏi vùng quy hoạch. Cơ quan môi trường cũng đưa ra nhiều cảnh báo trong đó, diện tích rừng bị ảnh hưởng sẽ là hơn 500 nghìn héc-ta.


Phóng sự của Hải Miên
Ý kiến của bạn