Lại nóng việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn

17-11-2013 8:00 AM | Văn hóa – Giải trí

Trong khoảng chục năm trở lại đây, cứ thi thoảng lại thấy nóng lên việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu (gọi chung là thẻ hành nghề biểu diễn).

Trong khoảng chục năm trở lại đây, cứ thi thoảng lại thấy nóng lên việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu (gọi chung là thẻ hành nghề biểu diễn). Mỗi lần như vậy, ai cũng có cái lý riêng của mình theo cách “sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay”. Xong rồi đâu lại vào đấy khiến sự việc cứ thế trôi mãi vào miền im lặng đáng sợ, còn công chúng lại ngơ ngác chờ. 

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Ở bất cứ quốc gia nào đang sống trong thời đại văn minh, người hành nghề tức là đem sức lực và sự hiểu biết của cá nhân về chuyên môn, nghề nghiệp tham gia vào hệ thống lao động xã hội có tính chất thường xuyên, chuyên nghiệp và có tổ chức nhằm tác động trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hay ít... đến người khác và cộng đồng để có thu nhập từ công việc mình làm, đều cần phải có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước bằng những công cụ pháp lý trong quyền hạn của mình và của cộng đồng đối với việc làm của họ nhằm minh bạch, công khai lao động của mỗi người là chính đáng, hợp pháp hay nhập nhèm, vi phạm pháp luật. Những người hành nghề biểu diễn cũng không thể là ngoại lệ. Chuyện ấy tưởng cũ xưa như trái đất. Vậy mà ở ta, việc làm ấy cứ phải nâng lên đặt xuống, hết ngày nọ tháng kia, kéo dài trong nhiều năm, gây bức xúc dư luận.

Lại nóng việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn 1
 Các ca sĩ nhí biểu diễn có doanh thu liệu có phải cấp thẻ hành nghề?

Có lẽ báo giới và công chúng quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã nghe đến nhàm tai các cụm từ “sắp (sẽ, tái) cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu”. Dường như câu chuyện từ trước đến nay đều đổ dồn về phía “thì tương lai” gánh chịu hết. Còn hiện tại, những người có trách nhiệm đang còn bận “cân nhắc”, “nghiên cứu” các văn bản, đề án, nghị định, thông tư... những mong đưa ra được một trong những thứ đó đạt đến độ hoàn thiện, hoàn mỹ 100% chăng?

Có một thực tế là hầu hết các nước trên thế giới, từ hiến pháp đến các bộ luật quan trọng nhất sau khi ban hành ít lâu đều cần phải được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu phát triển của đời sống thì hà cớ gì một “đề án” hay một “thông tư” về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn, thuộc hạng văn bản dưới luật, chỉ mang tính qui phạm pháp luật thôi mà người ta cứ dền dứ mãi như vậy. Phải chăng “đề án” hay “thông tư” này quá khó đến mức không thể thông qua được?

Theo thông tin có được từ cuộc họp báo chiều 8/11 vừa qua về dự thảo đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD), ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc cấp thẻ diễn ra đơn giản cho tất cả cá nhân tham gia lĩnh vực NTBD, không cần đến hội đồng nghệ thuật thẩm định mà sẽ siết chặt hơn khâu hậu kiểm. Theo dự kiến, trong tháng 11/2013, thông tư hướng dẫn việc thực hiện cấp thẻ hành nghề, chế tài xử phạt với các trường hợp vi phạm sẽ hoàn thành để tháng 12 tới, đề án sẽ trình Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký ban hành. Sau đó, tháng 1/2014 sẽ có thông tư quy định và tháng 4/2014 sẽ bắt đầu triển khai hướng dẫn cấp thẻ hành nghề. Năm 2016 sẽ hoàn thành cơ bản việc cấp thẻ.

Còn ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD, đơn vị chủ trì soạn thảo đề án, cho hay: “Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với các đơn vị trực tiếp biểu diễn”. Nếu đề án được thông qua thì đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề cho gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu trong cả nước. Tuy nhiên, theo ông Chương thì: “Nhiều cá nhân không có trình độ, khả năng chuyên môn về biểu diễn nghệ thuật đã lợi dụng các trang mạng xã hội trực tuyến, website... để phổ biến những sản phẩm kém chất lượng, trái với đạo lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều người không có năng khiếu, không được đào tạo cũng tham gia hoạt động biểu diễn nhằm mục đích doanh thu nhưng không đảm bảo chất lượng nghệ thuật”. Không biết đấy có phải là lý do chính yếu giải thích tại sao vào thời điểm này, Cục phải trình duyệt “đề án” cấp thẻ hành nghề biểu diễn?

Có cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho ca sĩ nhí và ca sĩ Việt kiều?

Cũng theo ông Chương thì các nhạc sĩ có khả năng biểu diễn như Trần Tiến, Quang Vinh, Đức Huy... muốn tham gia biểu diễn trên các sân khấu vẫn phải làm hồ sơ xin cấp thẻ hành nghề. Vì khi lên sân khấu biểu diễn, họ hoạt động với vai trò của ca sĩ chứ không phải là nhạc sĩ nên vẫn phải chịu sự điều chỉnh của đề án này, tức là phải có thẻ hành nghề biểu diễn.

Đối với các nghệ nhân dân gian, phần lớn là hoạt động tự phát, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, hát hò cho vui, ít mang tính chất lao động nghệ thuật chuyên nghiệp nên không cần thiết phải cấp thẻ. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng những phường bát âm, chuyên phục vụ đám hiếu, các gánh hát cá nhân, gia đình, các ban, nhóm nhạc “dân gian” tự phát với các thành viên được đào tạo thanh nhạc cơ bản hẳn hoi, cũng tham gia biểu diễn không kém các ca sĩ chuyên nghiệp, cũng bán vé, thu tiền và dĩ nhiên cũng có rất nhiều người xem, người nghe thì sao?

Còn các ca sĩ nhí bước ra từ các cuộc thi âm nhạc thường niên như Đồ - rê - mí, Giọng hát Việt nhí, Tìm kiếm tài năng Việt hay các em sinh hoạt biểu diễn ở các câu lạc bộ thiếu niên... thì liệu có thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án cấp thẻ hành nghề cho họ vì trên thực tế, tần suất biểu diễn của họ ở sân khấu và trên truyền hình chẳng thua kém gì các bậc anh chị đã đủ tuổi trưởng thành. Nếu cấp thẻ hành nghề cho nhóm đối tượng này, chính cơ quan quản lý có nguy cơ vi phạm Luật Lao động đối với trẻ em. Vậy phải chăng nhóm đối tượng này cũng cần phải có một “đề án” khác dành riêng cho họ?

Cục NTBD khẳng định, đề án chỉ áp dụng đối với các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là vấn đề còn khá mơ hồ, bởi lẽ những ca sĩ Việt kiều vẫn có quốc tịch Việt Nam, tạm cư ở nước ngoài, rồi trở về Việt Nam biểu diễn trong các liveshow như thời gian vừa qua thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án này hay không?

Về khía cạnh nội dung, đề án có vẻ “ưu tiên” cho vấn đề hậu kiểm. Khi phát hiện ca sĩ hát nhép ở các chương trình biểu diễn chính qui, chính thống thì sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề. Thế còn việc hát nhép ở các chương trình truyền hình trực tiếp và truyền hình thực tế thì sao, có bị xem là vi phạm hay không?

Đến tiêu chí nội dung “không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái với văn hóa truyền thống Việt” thì lại càng mơ hồ hơn. Bởi lẽ phần lớn các ca sĩ, người mẫu đều chưa biết hoặc không hiểu thế nào là hành vi bị coi là “không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái với văn hóa truyền thống Việt”, trong khi đó, các văn bản hướng dẫn, qui định về điều này còn quá ít thì làm sao có thể thu hồi thẻ hành nghề của một ca sĩ, người mẫu nào đó khi bị cho là vi phạm một điều mà họ chưa biết hoặc không được qui định rõ ràng trong luật và các văn bản qui phạm pháp luật. Làm như vậy liệu những người được coi là “vi phạm” cũng như công chúng có tâm phục, khẩu phục không?

Đối với những người hành nghề biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa không cần xin phép biểu diễn của cơ quan quản lý văn hóa như quán trà, quán bar, nhất là đối với những người bị thu hồi giấy phép nhưng họ vẫn cần phải biểu diễn để mưu sinh, nên sẵn sàng lách luật để làm chui, khi vi phạm thì cơ quan chức năng xử lý thế nào?

Với cách làm như thế này, đồ rằng ngành văn hóa đang tự làm khó mình, biến thành người “đẽo cày giữa đường”, nhưng liệu đến bao giờ mới “đẽo” được một cái cày ưng ý để cày vỡ cánh đồng văn hóa vốn rất màu mỡ, phong phú và quá phức tạp như hiện nay?       

  Ngọc Đỗ


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH