Lại “nóng” khai thác đất trái phép trên địa bàn Phú Thọ

09-06-2020 10:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra tình trạng khai thác đất tràn lan tại một số địa phương khiến người dân bức xúc.

Tại các huyện: Đoan Hùng, Thanh Thủy, Lâm Thao và TP.Việt Trì..., nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, nhiều diện tích nông nghiệp bị san lấp biến thành đất ở trái phép.

Tại khu 2 xã Phúc Lai, huyện Ðoan Hùng, nhiều thửa ruộng nằm ven đường liên huyện (đường DH53) đã bị san lấp với diện tích hàng nghìn mét vuông. Một số hộ đã san lấp hơn 500m2. Nhiều người dân trong xã Phúc Lai cho biết, việc các hộ dân tự ý san lấp đất gây ô nhiễm môi trường (do các phương tiện chuyên chở đất gây ra), làm thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép. Tại khu vực đập Ðầm Sắn, tình trạng san lấp diễn ra một cách công khai. Chưa kể những diện tích đã bị lấp trước đó đang được trồng chè, trồng bưởi với hàng trăm mét vuông bị san lấp.

Nạn khai thác đất tràn lan diễn ra tại Phú Thọ khiến người dân bức xúc.

Nạn khai thác đất tràn lan diễn ra tại Phú Thọ khiến người dân bức xúc.

Ông Hoàng Xuân Thái, cán bộ địa chính xã Phúc Lai xác nhận, việc san lấp đất ruộng của các hộ dân trong xã là sai quy định của Luật Ðất đai. Sau khi phát hiện, xã đã lập biên bản, đình chỉ mọi hoạt động san lấp đất của các hộ dân vi phạm. Theo ông Thái, đến thời điểm hiện tại, xã đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ với 3 hộ dân tự ý san lấp gồm: Hộ ông Trần Văn Hải, Trần Ðình Quân và Nguyễn Tiến Ðạt với diện tích lên hơn 1.300m2.

Không chỉ ở xã Phúc Lai, tình trạng san lấp đất nông nghiệp còn diễn ra ở nhiều xã khác trong huyện Ðoan Hùng như Chân Mộng, Tiêu Sơn, Phương Trung, Bằng Doãn, Chí Ðám... Ông Ðào Quý Cường, Chủ tịch UBND huyện Ðoan Hùng cho biết, UBND huyện sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất đồi bị san gạt trái phép. Huyện kiên quyết xử lý theo quy định, thậm chí thu hồi toàn bộ diện tích đã vi phạm, sau đó đấu giá nộp ngân sách Nhà nước.

Tại huyện Tam Nông, theo phản ánh của người dân khu 7 xã Thọ Văn, từ đầu tháng 5 tới nay, gia đình ông Miên, bà Tuyến đã tiến hành múc, vận chuyển đất trong khu vực được giao đất trồng rừng sản xuất. Mỗi ngày có khoảng 20 chiếc xe tải nối đuôi nhau vận chuyển liên tục từ khu vực khai thác vào một đơn vị chuyên sản xuất gạch. Tổng diện tích cải tạo cả 2 hộ là gần 7.000m2, khối lượng đất dư thừa sau cải tạo được tính toán khoảng 50 đến 60 nghìn m3.

Ông Bùi Ðức Chung, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn cho biết, 2 hộ dân nêu trên được UBND huyện Tam Nông cho phép san gạt, hạ cốt nền trên phần đất trồng rừng sản xuất. Việc chấp thuận này dựa trên đơn đề nghị của các hộ gia đình và phương án chủ hộ đã lập, sau đó ủy ban xã có tờ trình gửi UBND huyện, trên cơ sở đó huyện sẽ cho phép người dân san gạt, hạ thấp độ cao dựa trên phương án đã trình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nạn khai thác đất tại Phú Thọ kéo dài trong nhiều năm. Riêng trong năm 2019 ở một số địa phương trong tỉnh, tình trạng khai thác đất trái phép vẫn tồn tại và trở thành những điểm nóng khiến dư luận bức xúc. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã đào bới mang đi hàng nghìn mét khối đất khiến nhiều quả đồi biến mất, nhiều diện tích nông nghiệp bị san phẳng.

Cụ thể, tại 2 xã Huy Cương, Kim Ðức và TP Việt Trì, nạn khai thác đất trái phép với số lượng lớn đã diễn ra nhiều năm. Lợi dụng giấy phép san hạ cốt nền, các đối tượng đã múc đi một lượng lớn đất bán cho các đơn vị san lấp mặt bằng trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Tại xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh, các cơ quan chức năng của huyện đã kiểm tra, lập biên bản tạm giữ hai máy múc của ông Nguyễn Văn Huê, xã Vụ Quang, huyện Ðoan Hùng và Nguyễn Thanh Bình, khu 5 xã Liên Hoa cùng một ôtô tải đang san hạ cốt nền đất thổ cư của hộ ông Nguyễn Văn Nông và bà Hoàng Thị Thơm ở khu 8 xã Liên Hoa.

Các đối tượng trên đã tập kết máy múc, tự ý khai thác đất trái phép chuyên chở đi nơi khác mà không có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Trên địa bàn huyện Thanh Thủy cũng tồn tại nhiều điểm khai thác đất đắp nền trái phép như tại khu 13 xã Yến Mao, khu 5 xã Sơn Thủy, khu 6 xã Tân Phương. Hay như tại xứ đồng Trắc Ngậm, thuộc khu ruộng xâm canh xã Cao Xá do các hộ dân xã Thụy Vân sử dụng, đất bị đào bới, vận chuyển trái phép đến lò gạch ở huyện Lâm Thao.

Nạn khai thác đất san lấp mặt bằng ở tỉnh Phú Thọ đang diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Ðiều này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khó kiểm soát nguồn thu từ thuế tài nguyên và phí môi trường, hư hỏng công trình giao thông, làm nhiều đồi núi biến dạng, xâm lấn khiến người dân bức xúc. Rất mong các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Phú Thọ kịp thời chấn chỉnh.


Bài, ảnh: Việt Ngọc
Ý kiến của bạn