Lại nóng chuyện dầu ăn “bẩn”

26-12-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 3, Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường (C49, Bộ CA) và Công an huyện Hoài Đức vừa bất ngờ kiểm tra...

Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 3, Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường (C49, Bộ CA) và Công an huyện Hoài Đức vừa bất ngờ kiểm tra kho hàng Công ty Cổ phần đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Nhàn (địa chỉ xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) phát hiện và thu giữ hàng trăm lít dầu ăn được chiết xuất từ téc và đóng vào can nhựa, sau đó dán nhãn mác để mang đi tiêu thụ.

Nhiều cơ sở không có chứng nhận ATTP

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 131 can nhựa (loại 20 lít, có trọng lượng 18kg/1 can) chứa dầu ăn vừa được Công ty Tiến Nhàn chiết xuất từ téc sang, sau đó dán nhãn mác của một nhãn hiệu dầu ăn để mang đi tiêu thụ. 50 vỏ can nhựa, 1 máy ép nhiệt, 0,9kg giấy nhãn mác hàng hóa của một đơn vị doanh nghiệp khác. Công ty này cũng không xuất trình được giấy Chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP và bị cơ quan chức năng cáo buộc có dấu hiệu làm giả nhãn mác.

Téc dầu tại cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Nhàn trình bày, số dầu thực vật nói trên được công ty này mua lại của một đơn vị doanh nghiệp khác và vận chuyển bằng téc sau đó mang về công ty chiết xuất ra các can nhựa rồi dán nhãn mác của đơn vị doanh nghiệp này mang đi tiêu thụ. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Trước đó, nhiều vụ liên quan đến chế biến, kinh doanh dầu ăn bẩn bị các cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình vào sáng 29/10, Trạm Thú y huyện Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM) phối hợp với lực lượng QLTT, Công an kinh tế huyện đột kích vào một cơ sở chuyên thu gom mỡ thối về sản xuất dầu ăn bẩn với số lượng lớn có địa chỉ ấp 4, xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) do ông Phan Văn N. làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện tại cơ sở này đang trữ một lượng lớn mỡ, da lợn, 2 thùng phuy đựng mỡ nước thành phẩm, tóp mỡ được ép thành bánh chất đống tại góc nhà…, có 486kg mỡ tươi đang được công nhân sơ chế trên nền nhà dơ bẩn, 200kg mỡ phụ phẩm ướp bảo quản trong 5 thùng xốp bốc mùi hôi thối, 600kg tóp mỡ (ép thành bánh) và 7 can dầu (loại can 25 lít) không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP. Theo các công nhân làm việc tại đây, cơ sở hoạt động được 4 tháng. Nguyên liệu mỡ, da lợn thối được thu gom từ các sạp bán thịt heo ở chợ với giá từ 5 - 10 nghìn đồng/1kg và được bỏ vào hai nồi lớn nấu trong vòng 4 tiếng, sau đó cho vào hai khuôn sắt ép trong vòng 1 giờ để cho ra dầu thành phẩm. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất được khoảng 400kg mỡ, da lợn, cho ra thành phẩm là 4 can dầu loại 25 lít, giá bán 25.000 đồng/lít. Đoàn liên ngành quyết định đình chỉ hoạt động, xử phạt 11 triệu đồng đối với 2 hành vi vi phạm không giấy ĐKKD, kinh doanh sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch.

Ham rẻ thiệt thân

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội: Thực chất, dầu bẩn ra đời bắt nguồn từ mục đích nhằm để bảo vệ môi trường. Trên thế giới, hình thức tái chế dầu từ nước thải đã xuất hiện từ lâu. Trong quá trình sinh hoạt và sản xuất, rất nhiều các loại dầu mỡ phế thải tuồn ra cống rãnh. Các chất béo này nhẹ hơn nước, nổi lên trên mặt nước. Người ta thu hồi các chất béo này để tái chế thành dầu bẩn. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi, xử lý dầu mỡ thải từ cống rãnh, người ta lại phát hiện ra tác dụng tái sử dụng các loại dầu mỡ này. Chúng được dùng để nấu xà phòng, tẩy rửa trong công nghiệp hoặc dùng để làm dầu bôi trơn (sản xuất gạch nung, đồ gốm)...

Việc tách các loại tạp chất này ra khỏi dầu mỡ bẩn là rất khó khăn và tốn kém. Nếu ăn các loại thực phẩm được chế biến từ dầu bẩn, các chất độc này ngấm vào cơ thể, phá hủy dần sức khỏe có thể sẽ mắc những bệnh nan y và các bệnh mạn tính khác. Vì vậy, ông Thịnh cũng khuyến cáo với các gia đình nên hạn chế món nướng hoặc món rán. Dầu rán cũng không nên dùng đi dùng lại nhiều lần không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Việc dầu mỡ bẩn đưa vào sử dụng để sản xuất trong thực phẩm gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người. Đây là một điều cần phải lên án, người dân không thể nhận biết dầu bẩn bằng mắt thường. Bên cạnh đó, thói quen ăn vỉa hè là một trong những thói quen nên bỏ của đa số người Việt Nam bởi thức ăn vỉa hè thường chế biến từ các loại dầu bẩn để đảm bảo lợi nhuận của người bán hàng. Đây là thói quen vô tình tiếp tay cho tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý

Tại nhiều chợ, dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác được bày bán tràn lan với giá rẻ hơn so với dầu của nhà máy sản xuất rất nhiều. Theo tìm hiểu, những loại dầu này có loại được nhập ở nhà máy sản xuất mì tôm, bánh kẹo lớn, sau khi dùng để chiên mì tôm, bánh kẹo... thì thanh lý ra ngoài. Dầu được các cơ sở lấy về rồi chưng cất, tái chế, đóng vào các can lớn nên có giá rẻ hơn nhiều so với dầu xịn, theo tìm hiểu của phóng viên chủ yếu được các nhà hàng ăn uống và các quán rán bánh nhỏ lấy dùng.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất dầu, mỡ bẩn tung ra thị trường. Để ngăn chặn việc nhập khẩu cũng như sản xuất thực phẩm bẩn nói chung và dầu mỡ bẩn nói riêng, các cơ quan kiểm tra, kiểm soát, cơ quan y tế, lực lượng QLTT phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường an toàn cho người sử dụng, có như vậy mới đảm bảo được vấn đề an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm.

Theo Ðiều 5, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm: Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm là một trong những hành vi bị cấm. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên vẫn chưa đủ sức răn đe những cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.

An Biên – Toàn Vũ

 

 


Ý kiến của bạn