Lại nói về xét tuyển môn văn

20-10-2014 00:39 | Tin nóng y tế
google news

Khoan chưa bàn chuyện nên hay không nên trong việc “trường y cần xét tuyển cả môn văn”, đề xuất này quả là một hồi chuông báo động về giáo dục hiện nay.

Khoan chưa bàn chuyện nên hay không nên trong việc “trường y cần xét tuyển cả môn văn”, đề xuất này quả là một hồi chuông báo động về giáo dục hiện nay. Đáng lẽ học sinh đã tốt nghiệp phổ thông thì chuyện nói năng lưu loát, diễn đạt gãy gọn, rõ ràng, đúng ngữ pháp, viết đúng chính tả và người khác đọc được phải là chuyện tất nhiên, nhưng thực tế không phải thế mặc dù thi tốt nghiệp phổ thông (trong đó có môn văn) năm nào cũng đạt từ 90% trở lên.

Bi kịch của giáo dục nước ta là học sinh phải phân tích tác phẩm rất cao siêu (nên phải thuộc lòng bài văn mẫu!!!) nhưng nhiều cán bộ tốt nghiệp đại học viết một văn bản không xong với diễn đạt lủng củng, sai chính tả và ngữ pháp. Các môn khác cũng vậy! Những là Ôm, Ampe, điện xoay chiều trong vật lý nhưng sửa điện trong nhà thì bất lực. Địa lý dạy rất nhiều nhưng chủ quyền biển đảo nước ta thế nào là đường cơ sở, vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thì mấy ai biết? vv... và vv...!

Đề xuất “Trường y cần xét tuyển cả môn Văn” còn là đánh thức phần “trồng người” trong giáo dục. Ảnh: TM

Đề xuất “trường y cần xét tuyển cả môn văn” không phải để thầy thuốc giỏi văn hơn giỏi chữa bệnh mà là đòi hỏi bù đắp cái “tất nhiên phải có” đang thiếu hụt trong việc tuyển sinh, đào tạo ở một ngành nghề mang tính nhân văn. Chính tính nhân văn của nghề y đã tạo ra những văn nghệ sĩ trong đội ngũ thầy thuốc như Lỗ Tấn (Trung Quốc), Trê-khốp (Nga)... Việt Nam ta cũng không thiếu thầy thuốc giỏi chuyên môn như Trung tướng, GS. Nguyễn Tiến Bình - Giám đốc Học viện Quân y 103 có phòng tranh triển lãm và thơ truyện ngắn đã xuất bản, GS. Trần Quán Anh, BS. Vũ Dũng Minh viết kịch, BS. Vũ Quần Phương..., là nhà thơ nổi tiếng!

Ngành y, sư phạm, văn học rất gần nhau khi đối tượng của nó là CON NGƯỜI nên xét tuyển cả môn văn là cần thiết.

Nhìn rộng ra, không chỉ y tế, thiết nghĩ bất cứ ngành nào liên quan tới con người trong đời  sống xã hội như hành chính công, CSGT, truyền thông, tòa án, thanh tra, kiểm sát... khi xét tuyển cũng cần xét thêm môn văn. Xin đừng ai nhầm khái niệm “giỏi văn” với tiêu chí trình độ môn văn khi tốt nghiệp phổ thông phải có theo đúng nghĩa!

Cái trình độ môn văn tất nhiên phải có ấy không làm người ta thiếu từ, thiếu cách diễn đạt khi đứng trước một người, một vấn đề cần giải quyết. Không biết diễn đạt, thiếu từ để nói mới dễ nổi khùng, cáu gắt như ông BS giám đốc một BV ở Bắc Ninh vừa qua. Cao hơn nữa, không cần giỏi văn, chỉ cần yêu văn thì những áng văn thơ, ca dao, tục ngữ được học cũng ngấm vào tâm hồn, tạo ra nhân cách và không thể có ông bác sĩ như chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường vừa qua!

Chữa bệnh không chỉ bằng thuốc và những biện pháp chuyên môn y học mà bằng cả thái độ người thầy thuốc trước bệnh nhân mà ta vẫn gọi là y đức. Y đức không thể có bằng những quy định mà phải hình thành tự nhiên từ tâm hồn người thầy thuốc. Để làm giàu có tâm hồn thì môn văn là một trong những yếu tố quyết định.

Không thể trách học sinh hôm nay học lệch dù chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đào tạo con người toàn diện nhưng trong khi chương trình giáo dục quá nhồi nhét theo kiểu thầy đọc, trò ghi. Đề xuất “trường y cần xét tuyển cả môn văn” của ngành y tế bên cạnh yếu tố cần thiết trong đào tạo nghề nghiệp đặc thù liên quan tới số phận con người còn là sự đánh thức phần “trồng người” trong giáo dục hiện nay mặc dù trường phổ thông nào cũng có khẩu hiệu “Tiên học lễ...” hay “Vì lợi ích trăm năm...”.

Tất nhiên, chủ trương trên rất cấp thiết, song trước thực tế hiện nay, nên chăng sau “báo động” cần có thêm thời gian để các em chuẩn bị tinh thần và các trường cũng không bị động. Khi việc tuyển sinh đã bước vào ổn định, yêu cầu trên phải là một tiêu chí, song không phải theo kết quả học văn theo kiểu nhồi nhét hiện nay. Chỉ cần cho các em viết một đoạn nghị luận ngắn về xã hội hay chép ra những câu thơ, câu chuyện văn học mà các em yêu thích, nhớ được là đủ. Từ đó, ban xét tuyển hiểu thí sinh hơn để tuyển chọn cùng các điều kiện khác. Và sau ngành y tế, các ngành đào tạo liên quan tới đối tượng phục vụ là con người cũng nên áp dụng.

Lê Quý hiền

 


Ý kiến của bạn