LTS: Trong số báo 164, báo Sức khỏe&Đời sống từng có bài ghi nhận ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục chia sẻ về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi Bộ trưởng rất tâm đắc với việc một số hiệu trưởng trường y đề xuất dùng môn Văn để xét tuyển vào trường y. Vừa qua, liên quan đến vấn đề này, báo Sức khỏe&Đời sống tiếp tục nhận được chia sẻ của nhà thơ – Đại tá quân đội Nguyễn Hữu Quý (đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội), nay xin trân trọng gửi đến bạn đọc của báo.
Từ trước tới nay, chỉ những học sinh giỏi các môn tự nhiên, cụ thể là toán - hóa - sinh mới dám thi vào các trường đại học y dược. Các cô, cậu giỏi văn - sử - địa thì nhăm nhăm đăng ký thi vào trường đại học chuyên ngành xã hội, báo chí. Đó là điều quen thuộc, vô cùng quen thuộc với nước ta trong hàng chục năm qua.
Trong hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường y dược vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế rất tâm đắc với đề xuất của các Hiệu trưởng ngành y khi tuyển sinh, các trường y dược nên xét chọn theo tổ hợp 3 môn toán - văn - ngoại ngữ bên cạnh các môn tự chọn là hóa học (ngành dược), sinh học (ngành y)… Đề xuất mới mẻ và có thể nói là táo bạo này được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội khi trả lời trang mạng VnExpress đã rất đồng tình: Môn văn giúp bác sĩ có năng lực ngôn ngữ, giao tiếp tốt với bệnh nhân, vừa bồi dưỡng tâm hồn, tính nhân văn khiến bác sĩ dễ cảm thông với bệnh nhân và tận tụy cứu chữa… Ngược lại ý kiến này, PGS.BS. Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phản biện: Ngành y mang tính chất thực hành, cần căn cơ, tư duy logic, khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật, ngữ văn không có các giá trị đó…
Ngẫm ra, ai cũng có lý lẽ chính đáng cả. Thật khó bắt bẻ được nhau, có tranh luận đến mùa quýt cũng bất phân thắng bại. Tuy nhiên, không ai cần thắng bại, hơn thua ở đây mà làm sao chọn ra được một phương án thi và xét tuyển có lợi cho xã hội. Tôi nghĩ thế.
Ai đó từng nói nhỉ, Văn học là Nhân học; Cái đẹp cứu rỗi thế giới… Hình như nhân loại đồng thuận cao về điều đó. Tôi nghĩ, văn học cần thiết với cuộc sống con người dù nó không trực tiếp làm ra cái ăn, cái mặc, cái ở…Văn học góp phần quan trọng bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người, hướng họ đến cái đẹp, trong đó không thể không kể tới những người làm nghề y dược. Nói ngành y mang tính chất thực hành, là khoa học ứng dụng không có nghĩa ta xem các thầy thuốc như những người máy lạnh lùng. Mà trước hết, nhân dân ta luôn coi họ là lương y, những người hiền trị bệnh cứu người. Bác Hồ muốn Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền là nhấn mạnh tới yếu tố đức - tài vẹn toàn của các bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý… Muốn có đức cao không thể không hiểu biết về Chân - Thiện - Mỹ. Văn học mang trong mình những giá trị tốt đẹp này nên người nào xem thường nó rất dễ bị lệch pha, lệch chuẩn trong nhận thức và hành vi của mình. Chữa bệnh trở thành nghề kiếm tiền chứ không phải để cứu người nữa.
Chuyện kể rằng: Nhà văn Lỗ Tấn, tác giả của AQ chính truyện nổi tiếng được coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và bậc thầy của thể loại truyện ngắn trên thế giới từng học nghề thuốc ở Nhật. Học được 2 năm ở Trường Tiên Đài, một hôm, Lỗ Tấn xem bộ phim về chiến tranh Nga-Nhật trong đó có cảnh một người Trung Quốc làm trinh thám cho Nga bị Nhật bắt được rồi đem chém. Thế mà quanh ông có những người Trung Quốc vẫn cứ lạnh lùng thản nhiên đứng xem không hề có biểu cảm xấu hổ hay tức giận. Từ đó, Lỗ Tấn quyết định bỏ nghề thuốc để chuyển sang viết văn vì nghĩ rằng học nghề y rồi chữa bệnh cho những người đã tê liệt chai sạn tâm hồn ấy khiến thân thể của họ được mạnh khỏe thì cũng chỉ để làm nô lệ mà thôi; không bằng chữa tinh thần cho họ được lành mạnh.
Tôi đã đọc và vô cùng xúc động cuốn bút ký Chết như thế nào? của TS.BS. Phạm Nguyên Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế. Tường còn là nhà thơ giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Đây là một bác sĩ giỏi và cũng là một nhà thơ tài hoa. Anh đã ra 3 tập thơ Hoa cúc mùa thu; Lá tháng Chạp và Quang gánh cùng nhiều bài thơ khác. Phạm Nguyên Tường tâm sự: Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước mắt của biết bao phận đời phận người. Trong một bài viết cách đây mấy năm, tôi đã gọi Tường là người chăm sóc làm dịu (một thuật ngữ chuyên ngành y học) nỗi đau của những người bị ung thư. Những trang viết của người bác sĩ ấy mới nhân văn làm sao: Nếu y học chưa đủ sức giành lại bệnh nhân từ bàn tay tử thần, tại sao không tìm cách thay chiếc áo choàng đen kinh rợn của ông ta bằng những chiếc áo màu tươi tắn hơn? Và đây là nỗi thấu hiểu, chia sẻ đầy tình người của Tường với người nhà bệnh nhân: Những tờ bạc lẻ, rách công khó từ những luống khoai luống cà, những chuồng gà chuồng lợn từ các tỉnh xa đổ về thành phố để đắp vào những đường mổ, những lọ hóa chất hay những lần chạy “tia”. Đó là chưa kể những tờ bạc nặng mùi mồ hôi và nước mắt ấy đôi khi phải nằm lót trong cuốn sổ khám bệnh hàng tuần của bác sĩ hay trong túi áo blouse trắng tinh của cô y tá để được chích không đau…
Thiết nghĩ, không cần phải bình luận gì thêm về một thầy thuốc giỏi lại có chất văn trong người. Hiểu văn học và giỏi văn học chưa chắc đã trở thành nhà văn. Muốn trở thành nhà văn còn cần thêm những yếu tố khác như tính sáng tạo, khả năng tưởng tượng hư cấu, diễn đạt ngôn ngữ. Tuy nhiên, người có văn thì cơ hội để sống đẹp, sống tốt, khả năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý bệnh nhân sẽ nhiều hơn. Vì thế, nếu dùng môn văn xét tuyển vào các trường y dược, tôi nghĩ cũng là điều tốt và việc nên làm chứ sao. Tuy nhiên, khi nào thực hiện và thực hiện ra sao nên phải tính toán kỹ càng.
Nguyễn Hữu Quý