Lại nói về trường quốc tế

26-08-2019 06:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu học tập của người dân cũng ngày càng đa dạng.

Vì thế, sự hình thành mạng lưới các trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế là xu thế phát triển chung, đòi hỏi phải có đầy đủ quy định quản lý, không chỉ ở việc đặt tên mà còn ở việc giám sát việc thực hiện dạy và học đúng theo quyết định thành lập và giấy phép hoạt động; bảo đảm quyền lợi chính đáng của học sinh, phụ huynh. Sau sự việc một học sinh của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy) tử vong trên xe đưa đón, nhiều người tỏ ra nghi ngại về chất lượng của các trường mang danh quốc tế.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn cũng ngày càng đa dạng. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã cho con du học ngay từ cấp phổ thông thay vì đợi đến khi vào đại học như trước đây. Nắm bắt xu thế này, mạng lưới các trường dân lập, tư thục có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố ngày càng mở mang, phát triển để đáp ứng nhu cầu “du học tại chỗ”.Thực tế cho thấy, việc mập mờ về tên gọi, tự gắn tên “quốc tế” của các trường là nhằm mục đích thu hút người học, còn chất lượng giáo dục của các trường ra sao thì do không công khai nên các phụ huynh, học sinh không được biết.

Sau vụ việc ở Trường Tiểu học Quốc tế Gateway mới vỡ ra việc hiện tại ở nước ta không có quy định hay tiêu chuẩn thế nào là trường quốc tế. Luật Giáo dục Việt Nam không hề có khái niệm “trường quốc tế” mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài... Việc gắn 2 từ “quốc tế” trong tên riêng của các trường được sử dụng khá phổ biến, song thực tế có đúng với quyết định thành lập và giấy phép hoạt động hay không thì cần kiểm tra cụ thể.

Việc loạn tên trường quốc tế không thể xem giống như chuyện một doanh nghiệp thích đặt tên có từ “quốc tế” hay “vũ trụ” đều được vì giáo dục là loại hình kinh doanh chất lượng trí tuệ. Sản phẩm giáo dục khó nhìn thấy bằng mắt và rất khó đong đếm, đặc biệt với người bỏ tiền ra mua. Trong trường hợp này, vì mỹ từ “quốc tế”, nó khiến nhiều người dân vì thiếu thông tin cộng với sự không rõ ràng trong quảng cáo của nhiều trường đã ngầm định học trường quốc tế là “chất lượng quốc tế”, tức là tốt hơn mặt bằng chung của số đông trường Việt Nam. Và tiền học phí cũng theo đó mà quốc tế hóa. Cũng vì vậy, lâu nay, không ít phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản, đi kèm với một trường có tên “quốc tế” là chương trình học có yếu tố nước ngoài, có giáo viên người nước ngoài hoặc cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng cao hơn các trường công lập, dân lập, tư thục và sẵn sàng trả học phí cao cho con em theo học. Sự hiểu biết chưa thấu đáo này ảnh hưởng đến môi trường phát triển giáo dục, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường.

Trước thềm năm học 2019-2020, để hạn chế hiện tượng các trường tự gắn mác, trưng biển sai so với quyết định thành lập hoặc chất lượng giảng dạy không đúng cam kết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tăng cường rà soát, kiểm tra toàn bộ các trường có yếu tố nước ngoài như: Trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, trường dạy một phần chương trình nước ngoài, trường gắn tên “quốc tế”... trên địa bàn thành phố. Với quan điểm dù mang danh là trường gì thì yêu cầu bắt buộc vẫn phải là bảo đảm chất lượng giáo dục và tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn tình trạng lập lờ, lẫn lộn ảnh hưởng tới người học.Tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn Hà Nội có 11 trường có tên kèm hai chữ “quốc tế” trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động. Đây là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã đăng ký hoạt động với Sở Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh). Ngoài ra, còn có 25 trường dạy một phần chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp.

Ngày 20/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng công bố danh sách các trường có yếu tố nước ngoài. Theo đó, toàn thành phố có 22 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS-THPT) có yếu tố nước ngoài gồm 13 trường quốc tế, 8 trường tư thục và 1 trường công lập được dạy thí điểm chương trình nước ngoài. Việc làm này sẽ tăng tính minh bạch, tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các trường, đồng thời huy động được sự chung tay giám sát của người dân.

Từ những vấn đề trên đã đặt ra yêu cầu cần có ngay một quy chuẩn kiểm tra chất lượng trường học bằng danh sách các tiêu chí, số liệu thống kê công khai minh bạch về cơ sở vật chất, số học sinh, điểm đầu vào, đầu ra, kết quả học tập, độ đa dạng của học sinh, tỷ lệ giáo viên trên số học sinh và các số liệu thiết yếu khác để xác định năng lực một ngôi trường, mà hơn hết là bảo đảm các trường hoạt động đúng cam kết khi đăng ký thành lập; bảo đảm chất lượng dạy và học, đồng thời tuân thủ quy định hiện hành.


Trường Xuân
Ý kiến của bạn