Hà Nội

Lại một ca trẻ hóc hạt nhãn do người lớn bất cẩn

01-08-2018 19:51 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Hơn một ngày sau khi con trai nhập viện cấp cứu vì hóc hạn nhãn, chị Đoàn Thị Thu Thanh ở phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên vẫn chưa hết bang hoàng bởi chỉ chậm một chút là cậu con trai 28 tháng tuổi của chị đã bị cướp đi mạng sống.

Chị Thanh cho biết, con đòi ăn nhãn, sau khi đưa nhãn cho con, chị quay ra nấu ăn,  đến khi  quay ra  thấy con nôn ọe. Lúc đó cuống cuồng chị đã bảo bà cho tay vào mồm cháu để móc hạn nhãn ra nhưng càng móc hạt nhãn lại chui sâu vào trong. Ngay lúc đó mặt cháu tím tái. Gia đình sợ quá ôm con chạy thẳng vào BV Gang Thép Thái Nguyên.

BS. Cao Văn Minh, Khoa Cấp cứu BV Gang Thép Thái NGuyên cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng tím đen, thở rên tình trạng hô hấp kém, xác định đây là  tình trạng nguy kịch do hóc dị vật đường thở, các bác sĩ khoa Cấp cứu ngay lập tức kết nối các khoa tai mũi họng, nhi và chẩn đoán hình ảnh. Cháu bé đã được xử trí kịp thời và tình trạng sức khỏe đã ổn định.

Hiện tại sức khỏe của cháu bé đã ổn định  (ảnh cắt từ Clip)

Theo BS. Ngô Trung Thắng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Gang Thép Thái Nguyên, tại khoa Tai Mũi Họng các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp các cháu bé nuốt phải dị vật. Đây là những dị vật rất thông dụng tưởng như vô hại nhưng lại có thể thấy bất chỗ nào như cúc áo, viên phấn, hạt nhãn thậm chí cả cục pin.

BS, Thắng cũng khuyến cáo Hóc dị vật đường thở không phải là hiếm gặp nhưng lại thường hay gặp ở các cháu bé lứa tuổi từ 2- 4, do đó để an toàn cho trẻ, gia đình tránh cho các cháu ăn các loại quả, hạt mà có kích thước nhỏ  nếu cho ăn phải có người  giám sát chặt chẽ. Trong trường hợp bệnh nhân bị dị vật mà vẫn có thể ho được thì cố gắng tác động và ép ho thật mạnh, để dị vật bắn ra ngoài. Còn  trường hợp dị vật mắc lại không ho được  mọi người có thể sử  dụng biện pháp vỗ ngực, ấn lưng và khẩn trương đưa bệnh nhân đến BV để được chăm sóc y tế  một cách tốt nhất.

 

Sơ cứu dị vật đường thở dùng Biện pháp vỗ lưng và ép bụng: Áp dụng đối với trẻ từ 1 đến 8 tuổi.
Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.
Biện pháp ép bụng: Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.
Biện pháp vỗ lưng và ép bụng: Áp dụng đối với trẻ trên 8 tuổi và người lớn.
Biện pháp vỗ lưng: Cho nạn nhân đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, 1 tay đỡ ngực nạn nhân, 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Nếu dị vật chưa được tống ra ngoài thì dùng biện pháp ép bụng.
Biện pháp ép bụng như trên.
Nếu chính bạn bị hóc: Đặt một nắm tay lên trên rốn. Xòe tay kia nắm lấy nắm đấm của tay bên này và cúi người qua một bề mặt cứng - như mặt quầy hàng hoặc ghế. Thúc nắm đấm theo hướng vào trong và lên trên.
Nếu người bị hóc dị vật đã bất tỉnh, hãy đặt người bệnh nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi người bị nạn. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất rồi ấn mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Chú ý: Khi bị dị vật chui vào đường thở không nên cố gắng dùng mẹo, dùng tay để móc ra hoặc vuốt xuôi khi trẻ hóc vì có thể làm dị vật chui sâu vào đường thở khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm. BS. Trần Mạnh Toàn

H.Nguyên
Ý kiến của bạn