Bà Peggie Preston. |
Dưới bom đạn Mỹ và nhiều năm sau đó, một số nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Pháp, Mỹ, Anh, Úc... thuộc thế hệ ấy xung phong sang làm việc không thù lao cho NXB Ngoại văn Hà Nội, trong số đó có bà Peggie Preston (đầu những năm 80). Trong trí nhớ của tôi, bà là một phụ nữ lặng lẽ, ít nói như nhiều người Anh, làm việc nghiêm túc và luôn nghĩ đến những người khác như những người theo giáo phái Quaker, có lối sống giản dị, đạo đức và cực lực lên án chiến tranh. Bà đã cùng hai anh Đặng Thế Bính và Hoàng Túy thực hiện bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của cuốn Tuyển tập văn hóa dân gian Việt Nam của Hữu Ngọc và Francoise Corrèze xuất bản tại Paris năm 1982.
Bà Preston mất năm 2007 ở tuổi 84. Ngày 8/11/2008, ở Luân Đôn có tổ chức lễ chiêu hồn bà. Sau đây xin trích bản dịch bài điếu văn đề cao đức độ một chiến sĩ hòa bình, đã từng rời miền Nam về miền Bắc Việt Nam vì chính nghĩa: "Trong suốt cuộc đời, Peggie Preston đấu tranh cho những vấn đề gay go nhất của thời hậu chiến, vậy mà vẫn khiến cho đối phương kính nể. Có lần, chị đi qua Molesworth của RAF ở Cambridge, nơi chị ở 18 tháng trong một chiếc xe kéo để tố cáo sự có mặt của tên lửa Mỹ tại căn cứ không quân này. Một phi công Mỹ đón chào chị nồng nhiệt, nói với chị: "Peggie không phải là người chống đối vì hòa bình, chị là một người tạo ra hòa bình".
Biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: BBC |
Cung cách của chị có tính xây dựng, lập luận thông minh với đối phương, nhưng bao giờ cũng thẳng thắn. Những việc nghĩa chị làm đưa chị đến Việt Nam, Nam Phi, Arập, làm thành viên một nhóm chiến sĩ hòa bình vòng quanh thế giới cố gắng chấm dứt chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Như những người cùng thế hệ, cuộc đời của chị hình thành trong chiến tranh. Chị sinh ở Anam (Ấn Độ), là con một điền chủ trồng trà nhưng từ năm bốn tuổi đã sống với một bà cô ở Anh. Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, chị xung phong tham chiến, làm nhân viên kỹ thuật không quân. Chị tự coi mình là một người yêu nước chân chính "tham gia một cuộc chiến để dập tắt tất cả các cuộc chiến tranh".
Nhưng rồi dần dần, chị nhận thức được sự dã man khủng khiếp của chiến tranh. Giác ngộ về sự hão huyền của chiến tranh, chị theo giáo phái Quaker là phái Kitô giáo chống mọi cuộc chiến tranh... Chị toàn tâm toàn ý đấu tranh cho các dân tộc và các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột, khinh miệt. Chị đi học nghề trị liệu, chăm sóc cho những bệnh nhân vừa khỏi bệnh nặng để họ trở lại cuộc sống bình thường. Chị đi Nam Phi tham gia phong trào chống phân biệt chủng tộc...
Năm 1991, chị cùng những chiến sĩ hòa bình thuộc 15 nước cắm lều ở Irak cố ngăn chặn chiến tranh. Chị hoạt động ở các vùng khói lửa Ban-căng, Palestin... Năm 83 tuổi, bị thấp khớp, chị vẫn lê chân đi cùng các bà mẹ có con chết trận ở Irak để đưa kiến nghị cho Thủ tướng Anh đòi rút quân Anh khỏi cuộc chiến. Trong 5 năm ở Việt Nam, vào thời điểm chiến tranh dữ dội nhất, chị hoạt động trong một đội y tế Anh làm việc trong bệnh viện trẻ em ở Sài Gòn. Chị sống với một gia đình người Việt và nhận lương theo người Việt. Peggie kể về thời gian đó: "Tôi cố gắng giúp vào việc hòa giải dân tộc bằng cách làm gương". Chị bao giờ cũng muốn kết hợp sự giúp đỡ cá nhân với việc gây ý thức giác ngộ. Chị giúp đỡ các em trên đường phố, các tù nhân chính trị và gia đình họ. Chính quyền Sài Gòn trục xuất chị. Mãi sau, chị mới tìm dịp đến được Hà Nội, làm việc ở NXB Ngoại văn.
Peggie Preston thật xứng đáng là một chiến sĩ hòa bình quốc tế, xứng đáng với danh hiệu "Bà mẹ của niềm hy vọng" do dân da màu ở Nam Phi đặt cho bà.