Theo dự báo, thời tiết năm nay có khả năng diễn biến phức tạp, mưa bão bất thường và mùa mưa có khả năng đến sớm hơn so với các năm trước. Lượng mưa trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng từ 5 - 10% so với cùng kỳ hằng năm. Nếu xuất hiện mưa từ 50 - 150mm/s kéo dài trong vòng 2 giờ, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội sẽ xuất hiện 33 điểm úng ngập.
Đã sẵn sàng phương án đối phó
Đó là ý kiến phát biểu với báo chí về phương án chống úng ngập của Hà Nội trong mùa mưa năm nay của ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng chống úng ngập khi mưa lớn nhằm giảm thiểu tối đa tình hình úng ngập trên địa bàn. Cũng theo ông Hùng, Hà Nội chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng úng ngập ở các khu vực chưa có hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa hoàn chỉnh, vẫn xảy ra úng ngập cục bộ. Hơn nữa, khu vực nội thành được mở rộng, thành lập mới quận Bắc và Nam Từ Liêm đòi hỏi công tác duy tu đảm bảo thoát nước ngày càng cao. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ. Nếu xuất hiện mưa từ 50 - 150mm/s kéo dài trong vòng 2 giờ, trên địa bàn 12 quận nội thành của Hà Nội sẽ xuất hiện 33 điểm úng ngập.
Úng ngập là nỗi lo của người Hà Nội khi mùa mưa đến. Ảnh: TM
Để chủ động phòng chống úng ngập, ngay từ trước mùa mưa, công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp như duy trì, nạo vét hệ thống cống, mương, sông, hồ điều hòa, ga thu và vận hành cụm công trình đầu mối Yên Sở cùng các trạm bơm cục bộ khác... Đặc biệt, công ty đã triển khai các công trình cải tạo, sửa chữa khắc phục hư hỏng trên hệ thống thoát nước, lắp đặt hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt bằng rãnh thu hỗn hợp theo từng tuyến phố, giải quyết dứt điểm tình trạng nước chảy tràn trên mặt đường. Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống úng ngập khi xảy ra mưa lớn trên địa bàn, công ty chuẩn bị sẵn các trang thiết bị như xe hút, téc, bơm để kịp thời đưa vào sử dụng giải quyết tại các điểm ngập khi mưa lớn.
Liên quan đến vấn đề thoát nước chống úng ngập cho Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết: Dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn 2) là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết úng ngập cho Hà Nội hiện đang được thực hiện ráo riết, theo đó đã hoàn thành được 4 gói thầu lớn, các gói còn lại cũng đã cơ bản hoàn thành từ 50 - 99%. Cùng với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) sẽ hoàn thành 10 dự án, công trình cải tạo úng ngập trong số 33 điểm úng ngập trên địa bàn đã rà soát trước đó nhằm phát huy hiệu quả kịp thời phục vụ thoát nước mùa mưa.
Theo Sở Xây dựng, đến cuối tháng 6, việc nạo vét các tuyến sông đảm bảo khả năng đưa nước nhanh nhất về trạm bơm Yên Sở như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu,... 100% các trụ mương chính giải quyết thoát nước cho từng tiểu lưu vực được nạo vét đồng bộ... Công tác duy tu, duy trì thường xuyên hệ thống thoát nước đô thị được triển khai khá ráo riết.
Chủ động phối hợp liên ngành khi xảy ra úng ngập
Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng quản lý hạ tầng thoát nước (Sở Xây dựng): năm 2014, trên địa bàn 5 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai) có 12 điểm ngập, giảm 8 điểm so với năm trước. Theo chỉ đạo của thành phố, năm nay, nếu mưa với cường độ dưới 50mm kéo dài 2 giờ, về cơ bản trên địa bàn thành phố sẽ không xảy ra úng ngập. Nhưng, nếu cường độ mưa lớn hơn, từ 50mm đến 100mm, dự kiến có 23 điểm ngập, trong đó quận Hoàng Mai úng ngập nặng nhất với 7 điểm ngập sâu tại trước Bến xe phía Nam (đường Giải Phóng), phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), phố Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Mai Động, Định Công. Nếu lượng mưa lớn trên 150mm, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập...
Để làm tốt công tác chống úng ngập cho Hà Nội, vấn đề này luôn được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm. Bên cạnh việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, công tác ứng trực giải quyết thoát nước khi mưa lớn. Công tác phối hợp liên ngành luôn được duy trì thường xuyên, bố trí việc tổ chức ứng trực 24/24 giờ nắm bắt thông tin diễn biến và tình hình úng ngập trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải tỏa lấn chiếm hồ, mương, sông, không để xảy ra tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm phát sinh; yêu cầu dỡ bỏ, ngừng thi công các công trình xây dựng ảnh hưởng đến thoát nước... Bảo đảm tiêu thoát nước nhanh nhất, tổ chức phân làn, phân luồng phương tiện giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong công tác chống úng ngập trong nội thành mùa mưa bão năm nay. Đó là nhiều công trình, dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công, việc này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan nhất là chính quyền địa phương cụ thể là UBND các quận và phường có dự án đi qua. Hơn nữa, sự hỗ trợ, hợp tác của người dân có vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo tiến độ dự án và công tác thoát nước, chống úng ngập. Có như vậy tình trạng úng ngập khi mùa mưa bão đến sẽ cơ bản được giải quyết.
Trần Lâm