Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Trong 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người chết kể trên là do ngộ độc rượu.
Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm là lượng rượu, bia tiêu thụ vào dịp này sẽ gia tăng, cùng đó nguy cơ ngộ độc rượu bia cũng được cảnh báo. Ngộ độc rượu không mới, dù đã được cảnh báo nhiều song điều lo ngại nhất là tình trạng sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, dẫn đến ngộ độc methanol.Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu, không sử dụng rượu rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu ngâm các loại rễ cây...
Một ca ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.
Muôn nẻo ngộ độc rượu...
Năm 2017 cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc rượu với 115 người phải nhập viện, trong đó 11 người tử vong. Dù ngành y tế đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm do ngộ độc rượu nhưng sang năm 2018 nhiều vụ ngộ độc rượu tiếp tục xảy ra dẫn đến những cái chết thương tâm.
Thống kê sơ bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2018 cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người chết kể trên là do ngộ độc rượu. Một số vụ nghiêm trọng đã xảy ra như: vụ 3 người chết tại Nghệ An do uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại (tháng 3/2018); vụ 4 người chết tại Quảng Nam sau khi uống rượu từ lò tự nấu (tháng 3/2018); tháng 9/2018 tại Nghệ An tiếp tục có 1 ca tử vong vì uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại... rất nhiều nạn nhân khác đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng do rượu gây ra.
Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ hội mừng xuân. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methenol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên đang gây ra nguy hiểm khôn lường cho người dùng.
Nói không với rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm rễ, lá cây rừng “mù mờ”
BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm khuẩn nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh. Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng.
“Lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan”- BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia thường tăng cao, trong số đó, chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy...
“Nguy cơ ngộ độc rượu càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol (hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05% do có thể mù mắt và tử vong cao). Đã có những trường hợp tử vong khi sử dụng rượu chứa methanol, rượu ngâm thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) chứa độc tố tự nhiên. Methanol xuất hiện với nồng độ cao trong máu do người bệnh uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc pha riêng cồn công nghiệp với nước. Rượu tự nấu có ít methanol và không thể gây ngộ độc. Khi methanol trong máu lên đến 20mg/dl, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương thần kinh”, ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên phân tích.
Ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, uống rượu bia quá chén dẫn tới say xỉn còn là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần... ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống rượu và sự phát triển kinh tế, xã hội.
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc rượu vào dịp lễ tết, Cục An toàn thực phẩm đang đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra xử lý các loại rượu không nhãn mác, gian lận thương mại.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không uống cồn công nghiệp; không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt, đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.