Chưa bao giờ vấn đề an ninh bệnh viện lại trở nên nhức nhối như thời điểm hiện tại. Liên tiếp các vụ hành hung nhân viên viên y tế xảy ra.
Còn nhớ trước đó, ngày 27/7/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bác sĩ P.H.T. bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.
Ngày 30/7/2022, tại khoa ngoại chấn thương - BVĐK tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.
Ngày 6/8/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), có thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.
Cũng tại thời gian đó, tại BV Bạch Mai xảy ra sự vụ một toán côn đồ vào tận phòng cấp cứu để truy sát đối tượng, đe dọa đến an nguy của bệnh nhân và các nhân viên y tế… Bệnh viện phải kích hoạt hệ thống an ninh toàn viện, đồng thời phải nhờ sự can thiệp của lực lượng công an mới giải tán được nhóm đối tượng này.
Gần đây nhất, ngày 7/12/2022, tại Trạm Y tế xã Tân Kiều thuộc TTYT huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), 2 nữ nhân viên y tế bị 2 thanh niên có biểu hiện say xỉn liên tiếp đấm nhiều lần vào mặt, túm tóc đập đầu vào bàn... Sự việc này lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bị bạo hành của các nhân viên y tế.
Chưa bao giờ vấn đề an ninh bệnh viện lại trở nên nhức nhối như thời điểm hiện tại. Điều này gây tâm lý bất an cho bác sĩ, cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, tạo tâm lý hoang mang, dao động, sợ hãi của người bệnh….đến thăm khám.
Mặc dù các cơ sở y tế đã tăng cường nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh bệnh viện, tuy nhiên các vụ hành hung nhân viên y tế vẫn liên tiếp xảy ra. Vậy nguyên nhân do đâu? Cần làm gì để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm này?
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS. TS Nguyễn Văn Chi – Nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) - Người đã có hơn 40 năm công tác, trong đó nhiều năm giữ cương vị người đứng đầu của Trung tâm Cấp cứu nơi đầu sóng ngọn gió của bệnh viện chia sẻ, các hành vi tấn công, de dọa tấn công là vấn đề mang tính xã hội, nó không chỉ xảy ra ở bệnh viện, mà có thể xảy ra bất cứ nơi công cộng nào như nhà hàng, trường học, công viên…
Câu chuyện xung đột, hành hung, tấn công nhân viên y tế gần như là câu chuyện thường trực của Trung tâm Cấp cứu. Tuy nhiên, ở các bệnh viện lớn vấn đề này ít xảy ra hơn so với y tế tuyến địa phương.
Một phần do y tế tuyến cơ sở, thường không có đội ngũ an ninh bảo vệ. Và thực tế khi thăm khám tại tuyến Trung ương, người bệnh và người nhà thường có thái độ tôn trọng hơn với y bác sĩ, còn tại tuyến cơ sở nhân viên y tế ít được tôn trọng.
Ngoài ra tại các cơ sở y tế luôn có những nhóm bệnh nhân, người nhà nguy cơ sẵn như người say, nghiện hút, hoặc có khi đánh nhau bên ngoài chưa hết đã kéo cả đoàn vào truy sát tiếp gây nên những bất ổn.
Bên cạnh đó sự xung đột cũng dễ xảy ra khi việc chờ đợi quá lâu khiến bệnh nhân và người nhà có những bức xúc căng thẳng.
Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đông, thủ tục nhiều, tất cả các khâu từ nộp lệ phí đến việc thăm khám, chiếu chụp, xét nghiệm, siêu âm đều phải chờ đợi, người khám trước, khám sau, chen ngang (ở BV việc khám chen ngang là bình thường vì có những bệnh nhân đến sau nhưng tình trạng sức khỏe nặng hơn có thể được ưu tiên khám trước)…. Khi đó nhân viên y tế nếu chẳng may có nặng lời, hay giải thích các chế độ về BHYT, chính sách chưa rõ ràng, rành mạch dễ dẫn đến những xung đột, va chạm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất ổn an ninh trong bệnh viện. Để giải quyết triệt để được vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp của rất nhiều cấp ngành, đối tượng, nhưng trước hết vẫn là nâng cao văn hóa ứng xử giữa mỗi người.
Đảm bảo an ninh trong các cơ sở y tế là rất cần thiết, đây không phải là vấn đề quá phổ biến nhưng khi xảy ra thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở y tế, đến việc cứu chữa người bệnh tại thời điểm gây rối đó, gây ra hình ảnh không đẹp trong mắt người dân đối với cơ sở y tế.
PGS. TS Nguyễn Văn Chi cũng cho rằng, cần phân biệt giữa 2 loại gây rối, những trường hợp bức xúc liên quan đến chế độ chính sách, thủ tục hành chính, chờ đợi khám chữa bệnh lâu…. những trường hợp này dễ giải quyết. Còn những đối tượng ngay từ khi vào viện đã có thái độ hung hăng, gây sự, chen lấn…. gây mất an ninh trật tự (như trường hợp tại TYT xã Tân Kiều, hành vi rất dã man) cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc.
Bộ Công an và Bộ Y tế cần phải có những quy định chung, văn bản, nghị định về vấn đề đảm bảo an ninh bệnh viện (như ở Mỹ, các Trung tâm y tế lớn có nhân viên an ninh bồng súng đi lại liên tục, mỗi người vào bệnh viện đều bị kiểm tra rất gắt gao).
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần cải thiện quy trình, thủ tục thăm khám tinh gọn hơn, cải thiện cung cách, thái độ phục vụ. Nhân viên y tế khi giao tiếp với người nhà cần mềm dẻo, linh hoạt… trong các tình huống.
Bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với các y bác sĩ không nên quá nôn nóng mà có những lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực, bởi hơn ai hết họ biết rõ tình trạng bệnh nhân và sẽ có những chỉ định phù hợp.
Nếu cả bệnh viện và người thăm khám đều thực hiện tốt vai trò của mình sẽ giảm được các nỗi bức xúc, các sự vụ không hay xảy ra. Bệnh viện sẽ thực sự là nơi an toàn cho nhân viên y tế hành nghề cũng như bệnh nhân được yên tâm khám chữa bệnh.