Lại có thêm hai trường hợp bị cò mổ vào mắt, nguy cơ mù vĩnh viễn

10-09-2018 15:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bác sĩ Lê Công Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thông tin, trong thời gian 1 tuần (từ ngày 4 đến 8/9/2018), Bệnh viện Mắt tỉnh cấp cứu cho 2 bệnh nhân bị cò mổ vào mắt.

Theo đó, ngày 8/9/2018, bệnh nhân Nguyễn Minh C., 26 tuổi, xã  Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh nhập Bệnh viện Mắt trong tình trạng mắt trái giác mạc bị thương, móng mắt rách, vỡ thể thủy tinh, phòi kẹp dịch kính ở vết thương giác mạc, do bị cò mổ. Bệnh nhân C. cho biết: “Ngày nghỉ thấy trời mưa, mát nên em đến chỗ người dân đơm cò, cói để mua về làm thịt ăn, nhưng khi vừa chạm vào con cò thì bị nó mổ trúng mắt trái. Lúc đó mắt nhức, đau, nhìn không thấy gì, người nhà đã đưa em đến Bệnh viện Mắt để chữa trị. Đến đây được bác sỹ xử lý khâu vết thương, cho thuốc uống thuốc, nhỏ mắt để tránh nhiễm trùng. Nhưng do mắt bị tổn thương nặng nên bệnh viện cho chuyển đi Hà Nội điều trị. Em hy vọng giữ lại được mắt là tốt rồi, còn phục hồi thị lực được bao nhiêu thì tốt. Trước đây, tại xóm em cũng có một người bị cò mổ gây giảm thị lực còn 40%”.

Bệnh nhân đang được bác sĩ tư vấn dùng thuốc

Trước đó, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn N., 58 tuổi, xã Thạch Hương, Thạch Hà vào viện trong tình trạng mắt phải đau, nhức, kết mạc cương tụ, giác mạc rách, phù, thủy tinh thể bị vỡ do cò mổ; thị lực giảm còn bóng bàn tay. Bác sỹ đã kịp thời khâu vết thương, cho thuốc uống thuốc, nhỏ mắt để tránh nhiễm trùng; sau 4 ngày phẫu thuật lần 2 thay thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, do vết thương sâu, nặng nên giữ được mắt, còn thị lực chỉ phục hồi được 20%.

Bác sĩ Lê Công Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết thêm: Cò, cói rất hay mổ mắt vì sự chuyển động của mắt làm chúng nghĩ đó là thức ăn. Nếu bị cò, cói mổ vào mắt sẽ bị tổn thương, dù được khâu lại thì vẫn để lại sẹo và giảm thị lực. Trường hợp nặng có thể gây vỡ nhãn cầu; vỡ, đục thủy tinh thể; tổn thương mạch máu thần kinh mắt… dẫn đến mù mắt. Nếu nhập viện muộn, mắt nhiễm trùng mủ lan rộng trong nội nhãn, gây đau nhức buộc phải khoét bỏ mắt. Mỗi năm có hàng chục ca nhập viện điều trị vì bị tổn thương mắt do cò, cói mổ, trong đó nhiều nhất là vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, đây là thời điểm vào mùa cò, cói.

Để tránh tai nạn cò, cói mổ vào mắt, người dân tốt nhất là không tiếp xúc với chim trời, những người đi săn bắt cò, cói cần đeo kính bảo hộ; không để trẻ em chơi gần cò, cói. Nếu bị cò, cói mổ, cần nhanh chóng nhập viện để bác sĩ khâu vết thủng và làm xét nghiệm xác định vi khuẩn bị nhiễm. Điều trị kịp thời kháng sinh để cứu vãn thị lực.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn