Lại chuyện giá và lương

19-07-2015 07:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Mặc dù cuối tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới họp bàn phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2016.

Mặc dù cuối tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới họp bàn phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, đề xuất mức tăng lương đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Mới đây, đại diện cho giới sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị mức tăng hơn 10%, trong khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở mức 15%, bằng mức tăng năm 2015. Vậy mức đề xuất nào là phù hợp, vừa nâng cao đời sống của người lao động cũng như đảm bảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp?

Theo cơ quan chức năng, mức tăng lương tối thiểu này sẽ đáp ứng được yêu cầu là bù một phần trượt giá, nâng cao hơn mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu vì hiện nay tiền lương mới chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, mỗi lần tăng lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong đó có lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản lại đối mặt với rất nhiều lo lắng. Chỉ cần mức tăng bình quân 300.000 đồng/người, với khoảng 1.000 lao động, mỗi tháng, doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 300 triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí khác. Khi tăng mức lương tối thiểu hàng năm thì không riêng gì các doanh nghiệp dệt may mà tất cả các doanh nghiệp khác đều bị đẩy các chi phí lên. Vì tính theo giá trị hiện nay, tiền bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế... chỉ cần nhích lên một con số trên mỗi người lao động sẽ là số tiền lớn với doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay.

Tiền lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu Nhà nước quy định để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động phổ thông, thậm chí còn lấy đó làm mốc để thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Thực tế, các phương án tăng lương giữa đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động luôn khác nhau. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ không chịu được gánh nặng chi phí tiền lương tăng thêm quá cao. Đặc biệt trong năm 2016, hàng loạt chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, chính sách về lao động nữ sẽ có hiệu lực.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần tính toán làm sao để đảm bảo hai yêu cầu là để nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động được đảm bảo nhưng cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta áp quá nhiều tiền lương vào giá thành sản phẩm thì sản phẩm không bán được thì nguy cơ mất việc làm và thất nghiệp của người lao động tăng lên. Cho nên hai vấn đề này phải được cân đối, hài hòa giữa lợi ích của người lao động nhưng cũng phải gắn với lợi ích của người sử dụng lao động và phải gắn với lợi ích của Nhà nước.

Để chính sách tiền lương thực sự phát huy tác dụng, điều quan trọng cần thực hiện tốt công tác quản lý giá, điều tiết thị trường, tránh tình trạng “lương chưa tăng nhưng giá đã tăng”. Chỉ khi đó thì việc tăng lương của người lao động mới thực sự có ý nghĩa.

Mạnh Hà

 

 

 


Ý kiến của bạn