- Thực tình mà nói, câu chuyện chúng ta bàn hôm nay cũng đã cũ rồi. Nó cũ đến mức ta không còn muốn nhắc đến nữa. Bản thân tôi cũng đã nói bao nhiêu lần rồi. Vậy mà vẫn phải nói thêm. Bởi nó vẫn hoành hành, vẫn là nỗi ám ảnh đối với học sinh và cả các bậc cha mẹ. Đó là nạn bạo hành trẻ em. Bạo hành từ tuổi mẫu giáo cho đến hầu khắp các cấp học.
- Chẳng có nơi nào như ở nước ta. Thật kinh hoàng...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Đúng vậy. Tệ nạn này diễn ra ở khắp nơi. Hai cô giáo dùng dép tát rồi thúc đầu gối vào bụng học sinh mầm non ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một cô giáo ở An Dương, Hải Phòng phạt học sinh bằng cách bắt cháu phải uống nước giặt giẻ lau bảng. Nghe mà rùng mình. Và rồi còn kinh khiếp hơn, có cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Tĩnh vào lớp thấy ghế của mình đã bị trò vẽ đầy phấn, cô nổi điên, không chịu để lớp thay ghế mới, không chịu để lớp lau ghế cũ mà bắt thủ phạm phải tự ra khai báo và lau. Thủ phạm không đầu thú. Hình phạt của cô dành cho cả tập thể dung dưỡng tội phạm là: Cả lớp lên liếm cho sạch ghế của cô. 47 học sinh lớp 7 ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã lên liếm sạch ghế. Nhưng cô chưa hả giận. Cô bắt bỏ phiếu kín khai báo thủ phạm. 47 cái phiếu thu về toàn phiếu trắng. Cô tức giận ra lệnh: Lên liếm ghế đợt hai, không được liếm dối. 47 học trò lớp 7 lại lên liếm lần nữa. Thật kỳ dị và không thể hiểu nổi. Gần đây nhất là ở Quảng Bình. Một cô giáo ở Trường Trung học cơ sở bắt học sinh tát bạn 231 cái khiến học trò phải nhập viện. Nguyên nhân chỉ vì trò nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô chủ nhiệm bắt cả lớp tát học trò bị cờ đỏ ghi sổ. Tổng số học sinh là 27, có 3 cháu quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia tát bạn. Còn lại mỗi cháu phải tát bạn đủ 10 cái. Nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái. Khi bị tát cái cuối cùng, học trò phải khóc vì không thể chịu nổi. Và rồi bực quá, cháu lại buột miệng văng tục. Cô giáo đứng cạnh lại tát thêm cái nữa. Cháu bé phải nhập viện trong tình trạng hai má thâm đen, sưng tấy. Cháu đau đến mức không còn nhai nuốt được.
Làm nhục học trò là việc làm phi giáo dục và phi nhân tính, dù nhìn ở bất cứ góc độ nào cũng không thể chấp nhận được ( Ảnh minh họa).
- Việc cô giáo cho cả lớp hành hung bạn vì nói tục thì không phải chỉ xảy ra ở Quảng Bình mà còn nhiều địa phương khác nữa. Theo ông thì vì sao lại có hiện trạng rất phi giáo dục ở những người làm công tác giáo dục như vậy?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Đó là tệ nạn mà ông Nguyễn Thiện Nhân gọi là “bệnh thành tích”. Thành tích không có lỗi. Trong việc Học và Dạy cần phải có thành tích chứ. Nhưng thành tích đã trở thành một căn bệnh thì không còn là thành tích nữa rồi. Ông Nguyễn Thiện Nhân đã nhận ra hiện trạng này rất sớm. Và ông cũng đã có chủ trương chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục là rất đúng. Chỉ tiếc Bộ vẫn chưa đưa ra được những giải pháp căn cơ cùng với những chế tài cụ thể để thực hiện và việc thực hiện lại quấy quá, không đến đầu đến đũa, nên bệnh thành tích không hề thuyên giảm mà lại có nguy cơ ngày càng bùng phát khủng khiếp hơn.
- Ở các nước có hiện tượng man rợ như thế này không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Không. Vì họ không có chuyện “lập thành tích”, rồi chuyện “bình bầu thi đua”. Họ cũng không thành lập những đội “Cờ đỏ” bắt các em làm “mật thám” hay làm kẻ “bới lông tìm vết” đối với bạn bè thân thiết của mình. Các em đến trường là để học và chỉ có học. Ngoài học, không làm những công việc khác. Ở các nước khác không có thi đua, khen thưởng thành tích. Ở tiểu học không thi thố gì, học sinh có năng khiếu thể thao âm nhạc thì tham gia thi đấu cho các câu lạc bộ chứ không phải cho trường, không trường nào được tính thành tích về chuyện đó cả. Ở các nước, họ cũng không thành lập những đội “Cờ đỏ”, không có “Lớp trưởng”, “Lớp phó”, nghĩa là không để các em có cớ lên mặt “Thủ trưởng”, là cấp trên với các bạn mình. Không nên tạo cho trẻ con niềm đam mê quyền lực khi mới có tí tuổi. Cùng lắm lớp chỉ có người trực nhật. Người trực nhật là người phục vụ. Cũng chỉ có 3 việc rất đơn giản: Giặt giẻ lau bảng; Đánh dấu sĩ số lớp; Rồi “bàn giao” cho người tiếp theo bằng cách nhích mũi tên đến người kế tiếp. Chỉ đơn giản thế thôi. Vậy tại sao giáo viên lại hết lòng vì học sinh? Có thể có nhiều lý do, như ngay từ nhỏ trẻ em được dạy dỗ hướng dẫn để làm những việc mình say mê, mình yêu thích thật sự. Thêm nữa, hệ thống đào tạo sư phạm của họ rất tốt. Việc lựa chọn đầu vào của các trường cũng rất nghiêm ngặt. Và thêm nữa, họ có cơ chế làm việc rất cụ thể và rất chuẩn mực. Ở đấy, anh được trả lương rất tốt để làm việc, nếu không làm tốt sẽ bị sa thải ngay. Cũng xin nói thêm là mức lương cũng không cao lắm đâu, nếu trừ hết các khoản thuế. Nhưng cuộc sống vẫn ổn định. Mà cuộc sống ổn định thì đâu phải chỉ có phụ thuộc vào mức lương cao. Điều quan trọng là ở các nước, hầu như cả xã hội đều tập trung làm cho trẻ hạnh phúc khi được đến trường. Các em đi học như đi chơi, không bao giờ có bài tập về nhà trừ duy nhất những lần làm thuyết trình tự chọn về một vấn đề gì đó. Đó cũng là cách luyện để trẻ em chủ động làm chủ tình huống trước đám đông. Chuyện này ở ta rất kém nên học sinh thường rất ú ớ. Khi trưởng thành làm cán bộ rồi, tiếp xúc với mọi người, chẳng biết nói thế nào cho mạch lạc dù điều trình bày rất đơn giản. Có người làm đến ông lớn rồi mà khi có việc gặp gỡ ngay cả với trẻ con cũng phải đọc “bài nói chuyện” mà thực chất chỉ là mấy lời thăm hỏi chung chung do thư ký hay trợ lý viết sẵn. Buông tờ giấy ra là chẳng biết nói cái gì. Ở các nước, họ cũng chẳng bao giờ thay đổi sách giáo khoa. Hồi tôi học ở Nga, sách giáo khoa là những kiến thức cơ bản in từ năm 1952. Nhưng họ vẫn không lạc hậu, vì luôn cập nhật những thông tin mới nhất ở chương trình mềm. Sách giáo khoa không phải mua. Học sinh vào năm học mới thì xuống thư viện mượn sách. Thi xong lại mang trả rồi mượn tiếp những chương trình tiếp theo. Nếu đánh mất sách thì phải đền gấp mấy lần so với giá bìa sách. Ở nước mình, người ta đã biến việc đi học thành kinh doanh. Sách giáo khoa của anh, em không dùng được. Sách năm trước, năm sau cũng không dùng được. Chả có ở đâu như thế. Năm nào cũng thay đổi. Càng đổi càng nát.
- Ngày xưa ông đi học có những tệ nạn như thế không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Không. Thời tôi đi học đẹp lắm. Thầy ra thầy. Trò ra trò. Hồi đó có học sinh hư không? Có. Thời nào chả có những đứa trẻ bất trị. Nhưng các thầy xử lý đẹp lắm. Thảng hoặc cũng có thầy dùng thước kẻ vụt vào tay học trò khi học trò vẽ bậy hoặc làm những điều thất đức. Nhưng trẻ không phản ứng. Phụ huynh cũng không có ai phản đối, vì thấy thầy phạt đúng. Thầy phạt nhưng thầy rất thương học trò. Thương như thương con mình vậy. Thì vẫn có các bậc cha mẹ đánh con đó thôi. Nhưng không có ai làm nhục học trò bằng cách cho cả lớp tra tấn, hay giết học trò bằng việc bắt các em phải uống nước bẩn. Việc làm phi giáo dục và phi nhân tính ấy dù nhìn ở bất cứ góc độ nào cũng không thể chấp nhận được. Những giáo viên như thế cần đuổi khỏi ngành vì họ hoàn toàn không có đủ tư chất để làm một người thầy tối thiểu.
- Viết và bàn khá nhiều về ngành giáo dục, thực sự ông có thấy buồn không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Buồn thì có buồn. Nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào ngành giáo dục. Vì chúng ta cũng đã từng có một thời rất đẹp. Bây giờ cũng không phải xấu đâu, dù ngành giáo dục có nhiều điều bất cập. Tôi thường xuyên đến với các trường phổ thông. Tôi thấy nhiều trường rất tốt. Thầy ra thầy. Trò ra trò. Nhiều tấm gương rất đẹp ở cả thầy và trò. Ngay ở trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, Ecopark mà hai con gái tôi theo học, tôi thấy rất tuyệt vời. Như các trường quốc tế vậy. Nhà trường với phụ huynh có liên hệ rất chặt chẽ. Cuối năm có buổi gặp gỡ phụ huynh. Cô giáo gặp từng phụ huynh một theo giờ hẹn chứ không họp chung. Làm vậy để nếu có cháu có khiếm khuyết cần lưu ý thì chỉ gia đình biết với giáo viên chủ nhiệm để không ảnh hưởng đến cháu. Bố mẹ nhận được thư hẹn, đến phòng họp sẽ thấy học bạ của con mình trên bàn. Trước khi gặp trao đổi với giáo viên, bố mẹ có thời gian đọc học bạ để có thể thảo luận với giáo viên. Các em thật sự được tôn trọng.
- Xin cảm ơn ông!