Lai Châu trước nguy cơ bùng phát bệnh dại

12-08-2010 2:15 PM | Tin nóng y tế

Sau một thời gian tạm lắng, bệnh dại trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu lại có nguy cơ bùng phát trở lại, chỉ tính riêng trong tháng 7/2010 đã có 167 người nghi bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng.

 BS. Nguyễn Công Huấn.
Sau một thời gian tạm lắng, bệnh dại trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu lại có nguy cơ bùng phát trở lại, chỉ tính riêng trong tháng 7/2010 đã có 167 người nghi bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng. Trước tình hình đó, ngành y tế Lai Châu đang khẩn trương cùng với các ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn ngừa. BS. Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu đã trả lời phỏng vấn báo SK&ĐS.

PV: Năm 2009, bệnh dại trên người cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tỉnh, năm nay theo thống kê ban đầu, từ đầu năm đến nay tại Lai Châu số người bị chó dại cắn và buộc phải tiêm phòng vẫn cao, vì sao vậy thưa ông?

BS. Nguyễn Công Huấn: Thống kê của Trung tâm YTDP Lai Châu cho thấy, từ đầu năm đến nay số người bị chó cắn đến Trung tâm YTDP tỉnh và các điểm tiêm của Trung tâm y tế các huyện, thị tiêm phòng vaccin dại với số lượng tăng lên. Số lượng người đến tiêm vaccin dại đông nhất ở huyện Sìn Hồ và huyện Phong Thổ. Phòng chống bệnh dại trên người được ngành y tế Lai Châu đặt trọng tâm giải quyết ngang hàng với các bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định trong phòng chống bệnh dại ở tỉnh như đồng bào dân tộc ở đây hủ tục và còn rất lạc hậu, khi bị chó cắn, họ không đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, nguồn gốc của các loại chó được nuôi, thả trong tỉnh khó được kiểm soát. Ý thức đem chó đi tiêm phòng dại của người dân không tốt... những lý do trên là nguyên nhân năm 2009 và năm nay, tình hình bệnh dại trên người vẫn phức tạp. Con số mới nhất được cập nhật là đến nay số người tiêm phòng dại toàn tỉnh Lai Châu là 659 người, trong đó có 3 người đã tử vong.

PV: Trước thực trạng trên, giải pháp căn bản của y tế Lai Châu như thế nào để phòng chống bệnh dại trên người?

BS. Nguyễn Công Huấn: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có các bước chuẩn bị như dự trữ vaccin, tham mưu cho UBND các cấp phối hợp thực hiện, tổ chức in 4.000 tờ tranh, 7.000 tờ rơi phát đến tận tay người dân về các biện pháp phòng chống bệnh dại. Khi xuất hiện các trường hợp bị súc vật cắn, cán bộ của Trung tâm YTDP tỉnh đã đến ngay các địa bàn xác minh các trường hợp không may bị chó cắn tử vong và nắm bắt tình hình số người trên địa bàn. Tại các huyện, thị trong tỉnh đều có điểm tiêm phòng dại để phục vụ công tác tiêm phòng, đảm bảo đủ số lượng vaccin tiêm phòng cho các đối tượng đến tiêm và tiêm phòng miễn phí cho các đối tượng nghèo. Chúng tôi đã tích cực làm việc với Chi cục Thú y phối hợp với cơ quan thú y trên địa bàn tổ chức điều tra các yếu tố dịch tễ liên quan.

PV: Năm 2009, Lai Châu đã công bố dịch chó dại trên địa bàn và số ca tử vong do bệnh dại là 4 người, nhưng năm nay, mới đến tháng 8 đã có 3 người tử vong. Để công tác phòng chống bệnh dại trên người thực sự có hiệu quả, theo ông cần có biện pháp gì?

BS. Nguyễn Công Huấn: Lai Châu đã thành lập đoàn công tác liên ngành xác minh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn các huyện có người tử vong vì chó dại cắn để có thêm giải pháp thích hợp ngăn chặn dịch bệnh này. Mặc dù tỉnh Lai Châu đã có nhiều biện pháp mạnh phòng chống dịch bệnh dại như thành lập các tổ, đội tại cơ sở đi đập, tiêu huỷ chó, mèo thả rông, tiêm phòng bệnh dại miễn phí cho người nghèo, tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo toàn tỉnh, vận động nhân dân nhốt, xích chó... Song hiệu quả vẫn chưa cao. Hiện tượng chó, mèo thả rông vẫn phổ biến khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Không ít người dân có đi tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn nhưng không tuân thủ tiêm đầy đủ các mũi và còn có hiện tượng người dân bị chó nghi dại cắn đã tìm thầy lang để chữa trị. Biện pháp tốt nhất để đẩy lùi bệnh dại là đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân, khi người dân đến các điểm tiêm phòng phải quản lý chặt và nhắc nhở họ tiêm đầy đủ các mũi. Chúng tôi cũng đã từng phải áp dụng các chế tài đi kèm đối với những người không thực hiện tiêm phòng vaccin sau khi bị chó cắn... phải làm quyết liệt và đồng tâm, đồng lòng cả hệ thống chính trị trong tỉnh mới ngăn ngừa bệnh dại bùng phát.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Thy (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH