Các hộ gia đình ký cam kết
Trong 3 năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Qua đó mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
Với Tiểu dự án 2, Dự án 9, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các cấp chính quyền trong tỉnh nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm, hành vi của cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Tại huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), tình trạng tảo hôn đã giảm hơn trước nhưng tỷ lệ còn cao. Ngay từ khi thực hiện dự án 9, thực hiện các chỉ thị, kế hoạch liên quan của tỉnh, huyện đã lên kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động, như tổ chức các buổi tuyên truyền tại cộng đồng về hậu quả tảo hôn, kết hôn cận huyết ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ, gây khó khăn trong cấp giấy khai sinh, BHYT, nhập học cho trẻ dưới 6 tuổi.
Đồng thời vận động các gia đình ký cam kết, đến nay 100% các hộ ký cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết. Thống kê cho thấy trong năm 2023, huyện có 47 cặp tảo hôn chủ yếu ở các bản DTTS.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch xã Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu), tình trạng kết hôn cận huyết chủ yếu xảy ra ở trẻ đang đi học. Trong thời gian nghỉ hè, trẻ yêu nhau rồi nghỉ học để kết hôn. Xã phối hợp trung tâm y tế huyện tổ chức hội nghị giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn cho các đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng bản, các ban ngành đoàn thể, người có uy tín trên địa bàn xã, phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho học sinh.
Các trường lồng ghép vào môn sinh học, ngoại khóa, các buổi sinh hoạt đầu giờ. Qua đó, nhà trường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo dục các em về sức khỏe giới tính, tảo hôn, kết hôn cận huyết. Học sinh cũng trở thành cánh tay nối dài trong cộng đồng tuyên truyền cho bạn bè, gia đình về kết hôn cận huyết.
Theo Phòng Dân tộc huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) trong 8 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện có 24 cặp tảo hôn (giảm 16 cặp so với cùng kỳ năm 2023) chủ yếu ở các xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều nhất là Khun Há 11 trường hợp; Tả Lèng 07 trường hợp...
Địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; gặp gỡ trực tiếp các đối tượng có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để can thiệp, ngăn chặn.
UBND huyện đã thành lập và duy trì các mô hình "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống" và Tổ tư vấn, Đội tình nguyện viên tại 5 xã: Tả Lèng, Giang Ma, Nà Tăm, Nùng Nàng, Khun Há. Đồng thời, các cấp, ngành cùng phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề tại các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện.
Tính đến hết năm 2023, huyện tuyên truyền tại 20 bản, 13 xã, thị trấn, 15 trường THCS, THPT với 48 hội nghị, hơn 10.000 lượt người tham gia; biên soạn phát hành 45.000 tờ gấp tuyên truyền…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, năm 2023, toàn tỉnh còn 500 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, tuyên vận, hòa giải, hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật.
Hội phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn
Do trình độ của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn còn diễn ra. Trước thực trạng đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan đơn vị trong đó có Hội Phụ nữ phối hợp với các địa phương triển khai đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho bà con, từ đó từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.
Em Giàng Thị Kia, bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, mặc dù mới bước vào tuổi trăng tròn, độ tuổi đẹp nhất của thiếu nữ song đã có đến 2 mặt con, đứa lớn 2 tuổi, đứa bé 6 tháng tuổi. Do phong tục nên Kia đã kết hôn từ năm 13 tuổi. Lấy chồng sớm, nên em đã phải gác lại con đường đèn sách và cuộc sống hiện tại với hai mặt con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.
Giàng Thị Kia tâm sự, em đang học cấp hai thì bỏ dở để lấy chồng. Bấy giờ cũng chỉ biết phong tục ở bản trước vẫn thế nên mình cũng thế. Lấy chồng rồi sinh con việc gì cũng chưa biết, con nhỏ, không công việc, nên cuộc sống rất vất vả. Giờ nhiều khi nhìn các bạn cùng lứa còn đi học, có thời gian đi đây đó nhiều khi cũng thấy tủi thân.
Mặc dù công tác tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền sâu rộng. Những do những hủ tục vẫn tồn tại, thêm vào đó giao thông đi lại khó, điều kiện kinh tế của các hộ dân còn hạn chế, bà con thường sống tách biệt ở các bản làng vùng cao, vùng sâu, hệ lụy của tảo hôn bởi phong tục đâu đó vẫn còn đeo bám.
Chị Sùng Thị Nu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, cho biết, chi hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua các cuộc họp bản và sinh hoạt chi hội lồng ghép để tuyên truyền.
Lúc đầu tuyên truyền, mình quyết liệt nhưng bà con quen phong tục nên hiệu quả cũng không cao; sau cùng với việc tuyên truyền vận động nhiều chúng tôi đưa vào nội dung quy ước, yêu cầu gia đình các hội viên cho ký cam kết nên bà con cũng nghe ra. Nhờ đó, nạn tảo hôn ở bản đã giảm đáng kể, cụ thể năm 2020 cả bản có 4 cặp đôi tảo hôn, đến năm 2023 chỉ còn 2 cặp tảo hôn, riêng năm 2024 này đến thời điểm hiện tại bản chưa có cặp đôi nào tảo hôn.
Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Trước thực tế đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, trong đó phát huy vai trò của các cấp hội nhất là Hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chị Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tam Đường nêu giải pháp, chúng tôi chỉ đạo phụ nữ các xã học tập giúp nhau thực hiện các mô hình phòng chống tảo hôn. Thí dụ như phụ nữ xã Khun Há thành lập được hai mô hình phòng chống tảo hôn và hiện tại phụ nữ huyện cũng làm hai mô hình. Từ đó chúng tôi chỉ đạo các xã, mỗi xã phải thành lập ít nhất một mô hình và tiến tới là nhân rộng mô hình ra các bản để chấm dứt tình trạng tảo hôn.
Song song với đó chúng tôi giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo. Rồi cho luân phiên chị em ở các bản có tảo hôn đi tham quan, giao lưu ở những bản, xã thuận lợi có điều kiện kinh tế khá để trao đổi và thay đổi nhận thức của chị em.
Từ đó chị em về tuyên truyền lại với gia đình, chị em khác trong bản. Làm liên tục và luân phiên như vậy nạn tảo hôn cũng giảm dần và tiến tới làm mạnh để chấm dứt tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện.
Tính riêng 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Lai Châu vẫn có gần 200 cặp tảo hôn diễn ra chủ yếu ở các xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mặc dù con số này đã giảm mạnh so với trước đây, song để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, thì cũng cần phát kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hóa giải được "lời ru buồn trên non cao" diễn ra từ bao đời nay.
PV