Hà Nội

Lai Châu: Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu

30-09-2023 14:58 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Là tỉnh miền núi biên giới với trên 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về "phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới", tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, tỉnh Lai Châu đã hình thành các vùng dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao, một số dược liệu quý, hiếm được bảo tồn, phát triển; hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y được tăng cường, Hội Đông y các cấp được kiện toàn, hoạt động hiệu quả… Qua đó, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế địa phương.

Là tỉnh miền núi biên giới với trên 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng rất lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm.

Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khỏe rất lớn; việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi.

Tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 24-CT/TW, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lai Châu: Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và người dân địa phương liên kết để phát triển cây Sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nền Đông y gắn với chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ban hành kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư khóa XI về 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW; cụ thể hóa nội dung Chỉ thị, Thông báo kết luận vào các chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả đến 100% chi bộ, tỷ lệ cán bộ, đảng viên được học tập, quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW đạt 98%.

Đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 24-CT/TW lồng ghép với phổ biến, triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản của Bộ Y tế liên quan đến hành nghề Đông y, Đông dược, các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân, chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; nâng cao nhận thức cho Nhân dân về giữ gìn, rèn luyện và bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng; vận động, tuyên truyền cho Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực luyện tập thể dục, thể thao, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe; hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nền Đông y tại địa phương là một trong những phương pháp bảo vệ sức khỏe, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng Đông y của tỉnh được củng cố, kiện toàn. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng III, với quy mô 110 giường bệnh nội trú; Bệnh viện đa khoa tỉnh có Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Các Trung tâm y tế tuyến huyện đều có Khoa Y học cổ truyền hoặc Khoa Y học cổ truyền hoạt động lồng ghép trong Khoa nội hoặc khối Nội - Nhi - Lây.

Trạm y tế 106 xã, phường, thị trấn có vườn cây thuốc Nam mẫu và thực hiện khám bệnh chữa bệnh bằng Y học cổ truyền; tỷ lệ trạm y tế có khám chữa bệnh y học cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế đạt 100%.

Toàn tỉnh có 24 bác sỹ chuyên khoa Đông y tuyến tỉnh và 11 bác sỹ chuyên khoa Đông y tuyến huyện và trên 100 y sỹ Đông y, y sỹ định hướng Đông y. Hằng năm, ngành Y tế cử cán bộ có đủ điều kiện tham gia thi tuyển đào tạo, nâng cao chuyên môn về y học cổ truyền. Từ năm 2010 đến nay, đã cử đi đào tạo 21 bác sỹ y học cổ truyền; 8 bác sỹ chuyên khoa I y học cổ truyền.

Trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa y dược học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tăng cường sử dụng thuốc y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh. Các kỹ thuật khám chữa bệnh Đông y: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, xông hơi, thủy trị liệu, Laser nội mạch, tiêm nội khớp, điện từ trường cao áp, sóng ngắn, siêu âm điều trị, kéo giãn cột sống… được phát triển mở rộng. Hội Đông y các cấp được củng cố với Hội Đông y tỉnh và 5/8 Hội Đông y cấp huyện; toàn tỉnh có 7 phòng chẩn trị y học cổ truyền, bài thuốc gia truyền được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đi vào hoạt động mang lại hiệu quả tích cực.

Nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có trên 23.000 ha cây dược liệu các loại Giai đoạn 2011 - 2022, triển khai 13 nhiệm vụ khoa học - công nghệ (11 nhiệm vụ cấp tỉnh và 2 nhiệm cấp quốc gia) nghiên cứu bảo tồn, nhân giống và trồng một số cây dược liệu quý; coi trọng tổ chức nghiên cứu, thẩm định hàm lượng và giá trị các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh truyền thống các dân tộc để ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển nền Đông y và Hội Đông y các cấp trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 24-CT/TW về Đông y gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí của việc phát triển nền Đông y và Hội Đông y trong việc phát huy giá trị tinh hoa của y dược cổ truyền để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, quản lý nghiêm nguồn dược liệu tự nhiên, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt quỹ gen và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Quy hoạch vùng dược liệu cần thiết, xây dựng vườn thuốc Nam; hoàn thiện mạng lưới Đông y cơ sở, xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.



PV
Ý kiến của bạn