Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế

08-08-2024 09:10 | Thời sự
google news

Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp với diện tích rừng lớn, tính đa dạng sinh học cao phù hợp cho phát triển nhiều loài cây, đem lại giá trị kinh tế.

Sau nhiều năm bén rễ trên mảnh đất Lai Châu, cây chè đã từng bước khẳng định vị thế và trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Năm 2024, tại tỉnh Lai Châu, diện tích cây chè hơn 10.500ha, trong đó diện tích chè kinh doanh gần 8.400ha; tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 60 nghìn tấn.

Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Tân Uyên là một vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế với khí hậu trong lành, mát mẻ phù hợp với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Với diện tích gần 3.400ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt gần 3.100ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt hơn 8,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 30 nghìn tấn/năm, tương ứng 5.800 tấn chè búp khô các loại; mang về nguồn thu hơn 200 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho khoảng 7.000 lao động địa phương.

Cây chè trở thành cây mũi nhọn không chỉ giúp người nông dân Tân Uyên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn đóng góp rất lớn để huyện Tân Uyên vươn lên thành huyện nông thôn mới của Lai Châu.

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho hay, xác định chè là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập ổn định cho người dân, những năm qua, huyện đẩy mạnh chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng chè nhằm tạo vùng chè tập trung. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.600 ha chè với các giống chủ yếu Kim Tuyên, Shan Tuyết và được mệnh danh là thủ phủ cây chè của tỉnh Lai Châu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên khẳng định: So với trồng ngô, lúa, trồng chè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn. Trồng 1ha chè, người dân có thể thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nếu chăm sóc tốt, thu nhập của người dân còn cao hơn.

Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và TP.Lai Châu với các giống: chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè "sạch" chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.

Hiện Lai Châu có trên 90 cơ sở chế biến chè. Các sản phẩm chè Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ việc trồng chè, thu nhập của người dân được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 60-120 triệu đồng/năm.

Để phát triển bền vững, Lai Châu có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng chè, cơ sở chế biến nhằm tạo động lực cho bà con gắn bó với cây chè. Tỉnh cũng quan tâm chuẩn hóa quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200ha chè được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như: VietGAP, hữu cơ, RA (Rainforest Alliance), nông nghiệp bền vững.

Hiện 100% cơ sở chế biến chè xanh của Lai Châu đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè. Các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ đó, Lai Châu có 10 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên và huyện Tam Đường.

Theo ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay, cây chè đã khẳng định được vị thế và trở thành sản phẩm có giá trị, tiềm năng của tỉnh; góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Với mục tiêu phát triển bền vững cây chè theo hướng nông nghiệp sạch, tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030 giữ ổn định và đầu tư thâm canh diện tích chè khoảng 10.000 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn/năm; toàn tỉnh có 2.500 ha chè sản xuất an toàn Vietgap, hữu cơ, RA…; 100% diện tích chè sản xuất tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn. Tỉnh cũng quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư đầu vào trong vùng nguyên liệu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm mang lại giá trị cao nhất, đưa thương hiệu chè Lai Châu ngày càng vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

PV


Ý kiến của bạn