Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế

28-08-2023 16:18 | Xã hội

Cây chè đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hiện nay, Lai Châu đang có khoảng gần 9.000 ha chè. Diện tích chè kinh doanh đạt gần 7.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.

Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Lai Châu thu hái chè.

Cây chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu tập trung xây dựng thương hiệu chè Lai Châu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè. Đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể. Phát triển mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu đối những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương.

Hiện tại, tỉnh có 28 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, sản lượng chè khô chế biến 9 tháng của năm 2023, đạt 10.040 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng chè xuất khẩu đạt 2.053 tấn, giá trị đạt 4,23 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chè thô chủ yếu là: Xanh sao lăn, xanh duỗi, olong. Các sản phẩm chế biến sâu như: Mattcha, kim tuyến, sencha, olong xanh, olong hồng trà, đông phương mỹ nhân. Đến nay đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, cấp quốc gia. Năm 2021, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển chè cổ thụ, nhà nước hỗ trợ 100% về giống, phân bón, vận chuyển với 8 triệu đồng/ha.

Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp chè tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè VietGAP, hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.


PV
Ý kiến của bạn