Lai Châu: Hỗ trợ vị thành niên, thanh niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

19-11-2021 06:00 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên được ban ngành chức năng tỉnh Lai Châu tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất là phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tư vấn, khám sức khoẻ trước hôn nhân.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Lai Châu, từ năm 2016 đến nay, mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân được triển tại 16 xã thuộc 8 huyện và 10 trường THPT. Tổ chức 1.400 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại cộng đồng, 499 buổi truyền thông cho vị thành niên, thanh niên trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THCS, THPT, DTNT; tư vấn 75.563 lượt học sinh; 845 lượt tuyên truyền trên Đài PT-TH và phát thanh tại các xã, thị trấn.

Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ cho vị thành niên, thanh niên cũng được triển khai thực hiện tại 4 huyện, thành phố (TP Lai Châu, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên). Tổ chức cung cấp thông tin và kiến thức, dịch vụ DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, tư vấn thân thiện về sức khỏe tiền hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tật bẩm sinh của trẻ cho vị thành niên, thanh niên trước khi kết hôn.

Lai Châu: Hỗ trợ vị thành niên, thanh niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh 1.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở Lai Châu được lồng ghép qua các buổi ngoại khóa và truyền thông khám sức khoẻ tiền hôn nhân tại cơ sở.

Theo ghi nhận tại buổi ngoại khóa tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên diễn ra ở trường THPT Than Uyên, các em được nói chuyện, cung cấp thông tin khoa học, những tài liệu về giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc về những vấn đề cho học sinh như: Những dấu hiệu về tuổi dậy thì, kiến thức về sức khoẻ sinh sản cho thanh thiếu niên, đồng thời cảnh báo những hậu quả về việc thiếu hiểu biết về giới tính lứa tuổi, hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn...

Mặc dù thời gian tuyên truyền chỉ trong hai giờ đồng hồ nhưng đã cung cấp được cho các em học sinh những kiến thức bổ ích về sức khỏe giới tính, về những thay đổi của cơ thể ở tuổi dậy thì. Quan trọng nhất là tại đây các em được chia sẻ tâm sự, trao đổi những điều vốn được coi là thầm kín, khó nói như giáo dục chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay sự khác nhau giữa tình bạn và tình bạn khác giới; mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn tuổi vị thành niên; thực trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân...

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, ở tuổi vị thành niên các em sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những yếu tố tác động của xã hội bên ngoài nếu như không có định hướng, dạy dỗ của gia đình và nhà trường. Những kiến thức về giáo dục giới tính giúp vị thành niên, thanh niên có quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời cung cấp các thông tin và kĩ năng để các em có được thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình cũng như có kiến thức để xây dựng một cuộc sống lành mạnh.

Lai Châu: Hỗ trợ vị thành niên, thanh niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh 2.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên chính là tạo môi trường toàn diện cho sự phát triển cả về mặt thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ.

Còn tại huyện Phong Thổ, sau một thập niên kiên trì triển khai mô hình can thiệp, giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã mang lại những kết quả đáng kể.

Tảo hôn (hay kết hôn sớm) khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện có thể ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của trẻ nhỏ, thậm chí người mẹ có thể đẻ non, nguy cơ tử vong sơ sinh cao. Đối với kết hôn cận huyết thống có thể sinh con dị dạng hoặc mắc bệnh di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, tan máu bẩm sinh… Những bệnh này mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời, để lại hậu quả rất nặng nề. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, huyện quyết định chọn 2 xã: Bản Lang, Dào San triển khai Mô hình. Từ năm 2011 đến nay, huyện tiếp tục triển khai mô hình ở 3 xã: Lản Nhì Thàng, Hoang Thèn và Nậm Xe, nâng tổng số lên 5 xã.

Các xã tham gia mô hình được triển khai hoạt động truyền thông bằng hình thức nói chuyện trực tiếp, phát tờ rơi, sử dụng pa nô, áp phích, băng đĩa hình… Qua đó, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Đối tượng tập trung tuyên truyền là trẻ vị thành niên, thanh niên và những đối tượng đã hoặc có nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Lai Châu: Hỗ trợ vị thành niên, thanh niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh 3.

Tuyên truyền về những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và Gia đình; những tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến vị thành niên, thanh niên.

Đặc biệt, tại các xã tham gia Mô hình còn có tổ nhân viên thường trực (gồm cán bộ chuyên trách dân số xã, y tế phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư pháp xã). Tổ có trách nhiệm quản lý đối tượng vị thành niên, thu thập thông tin, dự báo các trường hợp sắp kết hôn, các cặp có khả năng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống để có biện pháp tư vấn, can thiệp kịp thời. Đội ngũ cộng tác viên tình nguyện là nhân viên y tế, dân số thôn, bản thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, hướng dẫn thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ…

Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo; 95% vị thành niên, thanh niên được cung cấp, cập nhật kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình như các biện pháp tránh thai, tác hại của phá thai, mang thai ngoài ý muốn.

Ngoài ra, trên 95% cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, hệ lụy của phá thai nhất là vị thành niên, thanh niên vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030 và giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp kết hôn cận huyết thống.

Giúp phụ nữ nông thôn Việt Nam tiếp cận các dịch vụ chăm  sóc sức khoẻ sinh sảnGiúp phụ nữ nông thôn Việt Nam tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản

SKĐS - Sau 1 năm thí điểm về nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình cho phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Đắk Lắk, đã góp phần giúp hàng chục nghìn phụ nữ phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn