Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên, phong phú, quý hiếm như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô... Đây chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Lai Châu phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.
Xác định cây sâm Lai Châu là loại cây đặc hữu
Riêng đối với cây sâm Lai Châu được tỉnh xác định là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch phát triển sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000ha và đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000ha đưa tổng diện tích Sâm Lai Châu của tỉnh lên 10.000ha.
Đồng thời, phát triển kinh tế dưới tán rừng người dân trên địa bàn tỉnh còn tập trung phát triển nuôi ong dưới tán rừng, toàn tỉnh hiện có 1.670 cơ sở nuôi ong (6 hợp tác xã và 1.664 hộ gia đình) với 19.546 đàn ong; trồng địa lan với khoảng 63.000 chậu.
Tỉnh tích cực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tận dụng tiềm năng, lợi thế tham gia phát triển dược liệu dưới tán rừng; đến nay đã phát triển các vùng trồng tập trung trên 10ha bảy lá một hoa và một số loài dược liệu khác có giá trị kinh tế cao; duy trì canh tác ổn định đối với 6.460ha thảo quả và 2.240ha sa nhân tím, nâng tổng diện tích các loại lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 11.000 ha. Nhờ vậy, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 51,87%. Bà con có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Cùng với đó, để phát triển kinh tế dưới tán rừng đạt hiệu quả cao, tỉnh rà soát, xác định, quy hoạch vùng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, nguồn vốn để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng, diện tích rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, huyện Mường Tè là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu. Để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân huyện tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và hỗ trợ để xây dựng các mô hình kinh tế xanh bằng cách đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.
Cần triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Cùng với đó, triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với mục đích bảo vệ rừng và đem lại thu nhập cho người dân giúp giảm nghèo bền vững. Hiện nay, huyện đang tập trung vào việc phát triển sâm Lai Châu và một số cây dược liệu quý dưới tán rừng.
Phát triển kinh tế dưới tán rừng được xem là hướng đi phù hợp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu.
Đến nay, đã trồng được 10,1 ha Sâm Lai Châu và 5 ha cây thất diệp nhất chi hoa. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có 50 ha cây Sâm Lai Châu và 200 ha cây dược liệu quý khác. Ngoài ra, còn thực hiện trồng một số loài cây dược liệu có giá trị khác như cỏ thơm 200 ha, quả đỏ 50 ha, thảo quả 2.100 ha, sa nhân tím 1.517 ha đã và đang cho thu hoạch với giá bán từ 55.000-60.000 đ/kg tươi mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân....
Có thể thấy, phát triển kinh tế dưới tán rừng được xem là hướng đi phù hợp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu lâm sản gắn với khai thác rừng trồng sản xuất theo chu kỳ khai thác dẫn đến sản phẩm đầu ra chưa nhiều, sức cạnh tranh chưa cao nên chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thông tin, tài liệu về đầu tư, quy hoạch, đất đai, các lợi thế của tỉnh một cách nhanh nhất. Tập trung rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo ảnh hưởng đến mục tiêu và tiến độ thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng về giao thông.
Với những giải pháp trên sẽ thu hút các nhà đầu tư vào phát triển lâm nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân từ rừng.
Bên cạnh đó, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, tạo ra các điểm du lịch có tiềm năng phát triển rất lớn gắn với hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng, có thể kể đến như: Khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn gắn với khu vực động Tiên Sơn và thác Tác Tình (huyện Tam Đường); điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ gắn với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (huyện Phong Thổ) và huyện Bát xát (Lào Cai); khu vực cao nguyên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ). Ngoài ra, hiện nay loại hình du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao đang rất được ưa chuộng, có thể kể đến: dù lượn đường trường Putaleng, khám phá và chinh phục đỉnh Pusilung (cao 3.083m), Putaleng (cao 3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), Tả Liên Sơn (cao 2.993m).
Với lợi thế diện tích rừng lớn, trên 70% dân số trên địa bàn tỉnh có cuộc sống liên quan đến rừng, hiện nay Lai Châu đang thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó tập trung trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái. Từ đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
PV