Là tỉnh top 10 về lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện chích ma túy
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Lai Châu là một trong 10 tỉnh, thành phố có tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện chích ma tuý phức tạp.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn so với nhiều địa phương trên toàn quốc. Tỉnh có 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế khó khăn đã có tác động ảnh hưởng đến gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện ma tuý đối với nhiều địa bàn, nhiều quần thể dân cư, nhất là nhóm các đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh: SiLa, La Hủ, Mảng…
Kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh được phát hiện vào năm 2001, tính đến hết năm 2020 số lũy tích nhiễm HIV là 3.532 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống 1.816 người.
Hiện về cơ bản Lai Châu đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức 0,39% hiện nay, đạt mục tiêu chương trình Nghị quyết của tỉnh đề ra đối với một tỉnh trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS (mục tiêu của tỉnh năm 2020 là 0,40%).
Nhiều người bệnh ở xa cơ sở điều trị
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện mở rộng mạng lưới cấp phát thuốc methadone tại tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh. Hiện nay chương trình tiếp cận điều trị duy trì trung bình hàng tháng từ 2.250 đến 2.300 người bệnh, tại 08 cơ sở điều trị tuyến huyện và 30 cơ sở cấp phát tuyến xã, đạt độ bao phủ là 76% so với số người nghiện có hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Thế Phong phát biểu cam kết thực hiện tốt đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày.
Tuy nhiên, trong số hơn 2.200 người bệnh đang tham gia điều trị methadone, có tới gần 60% số người bệnh cần di chuyển từ 5-7 km đến cơ sở uống thuốc hàng ngày và gần 10% số người bệnh di chuyển từ 10-15 km. Đây là trở ngại cho việc duy trì tính bền vững của chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone. Đường xa, đi lại khó khăn làm ảnh hưởng đến sự tuân thủ của người bệnh, tốn kém về chi phí đi lại, mất an toàn giao thông, làm gián đoạn thời gian lao động cho người bệnh có việc làm ổn định tại địa phương…
Cam kết sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra toàn quốc
Về thực hiện đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, ông Nguyễn Thế Phong cho biết, tỉnh sẽ cam kết thực hiện tốt vì đây sẽ là tiền đề cho việc duy trì tính bền vững của Chương trình điều trị thuốc thay thế và giải quyết được giảm chi phí không cần thiết của người bệnh.
Đề án thí điểm trong giai đoạn 2021-2022 thực hiện tại 3 địa điểm là: Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (TP Lai Châu). Hiện có 250/723 bệnh nhân đang điều trị tại 3 cơ sở này, đủ điều kiện cấp thuốc mang về.
Mục tiêu cam kết thực hiện theo Kế hoạch đề án thí điểm là: Năm 2021 cấp thuốc cho 266 bệnh nhân, hết năm 2022 cấp thuốc mang về cho tối thiểu 400 bệnh nhân, tối đa 700 bệnh nhân.
Sở Y tế cam kết tạo mọi điều kiện, phương tiện, nhân lực, cơ sở hạ tầng ổn định cho các đơn vị triển khai thực hiện; tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các Phòng chức năng Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối thường trực của ngành Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Y tế Than Uyên, Tân Uyên thực hiện triển khai đề án đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Anh Trần Trường Giang, một trong những bệnh nhân đang điều trị tại Cơ sở điều trị methadone – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, đủ điều kiện được mang thuốc methadone về nhà chia sẻ: Điều trị methadone đã giúp tôi làm lại cuộc đời. Sau khi được vào điều trị, tôi đã cố gắng tuân thủ điều trị tốt, không bỏ lỡ lịch khám, tư vấn, bỏ liều; tuân thủ tốt các nội quy, quy định của Trung tâm cũng như cơ sở điều trị đặt ra. Hiện tôi đã có việc làm tại xưởng cơ khí, hàng tháng có thu nhập ổn định, cùng vợ xây dựng kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái. Từ đó kinh tế gia đình đã ổn định hơn, gia đình hòa thuận, sức khỏe của bản thân tôi đã được cải thiện đáng kể.
Cán bộ y tế hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc.
Được mang thuốc methadone về nhà, Giang vui lắm và hứa tuân thủ tốt các quy định hiện hành về quản lý thuốc methadone và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, các quy định của chương trình… và tuyên truyền cho những bệnh nhân khác tích cực tham gia điều trị và tuân thủ điều trị để được tham gia xét duyệt là người đủ tiêu chuẩn quy định được mang thuốc về nhà sử dụng.
Người bệnh đạt tất cả các tiêu chí dưới đây sẽ được cân nhắc cấp thuốc Methadone nhiều ngày:
- Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên.
- Không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác bằng xét nghiệm nước tiểu trong 2 tháng gần đây.
- Không bỏ liều điều trị Methadone trong 2 tháng gần đây mà không xin phép hoặc không báo cáo với cơ sở điều trị.
- Trong năm qua không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone.
Tiêu chí loại trừ
Người bệnh có 1 trong các tiêu chí sau sẽ không được cấp phát thuốc nhiều ngày:
- Đã từng bị ngộ độc do sử dụng ma túy quá liều trong thời gian đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
- Đang có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định.
- Không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…)