Theo báo cáo, ngày 10/2/2017, gia đình ông Phu Vần Lèng (SN 1957, dân tộc Hà Nhì, bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải) tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong vào lúc 22h ngày 10/2.
Sau khi ông Lèng tử vong, gia đình có tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong 3 ngày (11, 12, 13/2) theo phong tục. Đến ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử.
Ngoài 6 người tử vong, còn có 15 người bị ảnh hưởng phải nhập viện. Trong đó, 11 người được chuyển cấp cứu tại phòng khám đa khoa khu vực Dào San, huyện Phong Thổ và tuyến trên, 4 người đã được cấp cứu và cho về nhà.
Theo lời nhân chứng, các nạn nhân có uống rượu mua tại xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất tại đám ma. Tất cả đều có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, một số người bị giãn đồng tử và tử vong.
Lực lượng y tế đã thu giữ các mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền nhân dân trên địa bàn không sử dụng thực phẩm nghi vấn, ổn định tình hình nhân dân, tránh dư luận xuyên tạc, dư luận xấu.
Từ 24h ngày 13/2, lực lượng chức năng đã bắt đầu tiến hành khám nghiệm tử thi. Theo nhận định ban đầu của lực lượng pháp y công an, có khả năng nạn nhân tử vong do ngộ độc thực phẩm, chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Bệnh nhân đang được điều trị lọc máu tại tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu
Hiện nay, đoàn công tác của UBND tỉnh, sở Y tế, công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự Bộ đội biên phòng tỉnh cùng đại diện lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện Phong Thổ đã có mặt tại xã Ma Ly Chải để nắm bắt tình hình, chỉ đạo cấp cứu và giải quyết hậu quả”, ông Nguyễn Sỹ Cảnh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho hay.
Hơn 11h ngày 14/2, trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Xuân Linh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho hay, 7 bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt và hiện tại tất cả đều đã tạm ổn, trung tâm giữ lại để điều trị dứt điểm.
Nói về 6 người đã tử vong, ông Linh cho hay: “Ngay khi nhận được thông tin ở bản Tả Chải có sự việc, chúng tôi đã trực tiếp xuống thì có 3 người đã chết, 2 người có biểu hiện co cứng chân tay, mắt mờ, vã mồ hôi. Chúng tôi vận động đưa ngay đến y tế xã nhưng quá nặng. Gia đình họ theo phong tục nếu chết ở ngoài không được đưa về nhà, thậm chí không được đưa về bản nên họ chấp nhận. Vì vậy một người chết ngay sau đó 1 tiếng và một tiếng sau đó nữa lại một người tử vong. Còn một trường hợp nữa tử vong trên đường đi bệnh viện tỉnh cấp cứu”.
Ông Linh cũng cho hay, hiện tại các lãnh đạo của huyện Phong Thổ đang có mặt tại các gia đình và trung tâm y tế để động viên, hỗ trợ và chia sẻ với nỗi đau thương của các gia đình.