Quảng bá cho một sản phẩm dù bằng hình thức nào đi chăng nữa thì ngoài mục đích là đạt được hiệu quả kinh doanh như mong muốn thì quảng cáo còn mang yếu tố văn hóa và nghệ thuật, vì thế, sự tương tác đối với công chúng vô cùng quan trọng. Chiến dịch quảng cáo càng lớn thì doanh nghiệp càng phải chú ý đến ảnh hưởng của nó. Tiếc rằng, với cách làm việc “ăn xổi” như hiện nay, không ít doanh nghiệp đã tạo ra những chiến dịch quảng cáo không chỉ phản cảm mà còn để lại nhiều hiệu ứng “xấu”.
Dù là quảng cáo nhưng nếu ý tưởng, ngôn ngữ và hình ảnh hấp dẫn, ấn tượng và mang tính nghệ thuật thì khán giả vẫn vui vẻ xem mà không chuyển kênh, thậm chí họ có thể xem nhiều lần không thấy chán. Nhưng có vẻ như các doanh nghiệp bây giờ lại chuộng phong cách “thô” và vô duyên, đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ rất thô vụng.
Đứng mũi chịu sào chính là những người mẫu được mời đóng quảng cáo. Hoa hậu Mai Phương Thúy từng là “nạn nhân” của một sản phẩm dầu gội đầu. Khi clip quảng cáo này lên sóng, dường như ngay lập tức Mai Phương Thúy bị mang tiếng “vô lễ”. Hoa hậu Việt Nam cũng lên tiếng thanh minh là mình phải làm theo đúng kịch bản quảng cáo, nhưng thiện cảm mà khán giả dành cho cô cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tương tự, trường hợp của cựu người mẫu Thúy Hằng cũng trớ trêu không kém khi chị trở thành hình ảnh đại diện cho một sản phẩm sữa.
Đa số mọi người đều chỉ trích gay gắt lời thoại của Thúy Hằng trong đoạn quảng cáo là vô cùng phi lý, thể hiện sự ích kỷ, gây ảnh hưởng không tốt đối với người xem.
Trong một đêm thi nhạc R&B và jazz của chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2013, Mỹ Lệ và Khương Ngọc khiến nhiều khán giả khó chịu vì quảng cáo lộ liễu cho một thương hiệu mì gói. Sau khi chương trình kết thúc, nhiều người bày tỏ sự khó chịu vì có cảm giác như bị “ép” xem quảng cáo bất đắc dĩ. Thậm chí, Mỹ Lệ còn bị mỉa mai gọi là “diva mì ăn liền”.
Chưa dừng lại ở đó, hình thức quảng cáo của các doanh nghiệp bây giờ xuất hiện rất nhiều chiêu trò “gây sốc”. Cách đây không lâu, hãng hàng không Vietjet Air bị dư luận “ném đá” không thương tiếc bởi những hình ảnh quảng cáo phản cảm.
Nhưng cũng phải thừa nhận, những chiêu trò quảng cáo trên đã mang về hiệu ứng đáng kể cho sản phẩm của các doanh nghiệp, đó là việc “làm loạn” để gây chú ý từ phía công chúng. Dư luận càng phản ứng mạnh, sức lan tỏa của sản phẩm càng rộng. Xét ở góc độ này, có thể tạm kết luận: khách hàng đã và đang “mắc bẫy” nhà sản xuất.
Chính vì mải chạy theo lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp hiện nay tự đánh mất danh dự của chính họ. Đành rằng các doanh nghiệp phải giành được sự chú ý của tất cả khách hàng, người tiêu dùng và những người ủng hộ tiềm năng để rồi kêu gọi họ mua hàng... Nhưng rất ít người trong số các doanh nghiệp có những tố chất của một nhà quảng cáo đích thực, đó là khả năng sử dụng ngôn từ khéo léo và kỹ năng bán hàng đỉnh cao. Nếu không tính những hình thức quảng cáo “thô” và phản cảm kể trên thì chiến dịch quảng cáo của các doanh nghiêp trên thị trường hiện nay hầu hết chỉ dừng ở mức độ tế nhị, khéo léo, chứ chưa chạm đến yếu tố văn hóa và nghệ thuật.
Không cấm các doanh nghiệp thực hiện những chiêu trò để tạo dựng sự chú ý, tuy nhiên, với mỗi nhà làm truyền thông, quảng cáo cần phải tỉnh táo để không lạm dụng, đồng thời cần đặt đạo đức nghề nghiệp lên đầu để không tạo nên những hiệu ứng xấu cho xã hội.
Nam Phương