Lại báo động tình trạng mua bán tôm hùm đất

26-04-2025 08:14 | Thị trường
google news

SKĐS - Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất. Chúng cũng không có tên trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh.

Trình diễn 120 món ngon từ tôm hùm để xác lập kỷ lục Việt NamTrình diễn 120 món ngon từ tôm hùm để xác lập kỷ lục Việt Nam

SKĐS - Các đầu bếp từ nhiều địa phương khác nhau đến Cam Ranh (Khánh Hòa) trổ tài chế biến hơn 100 món ăn từ tôm hùm để khách thưởng thức.

Có thể bị xử lý hình sự với hành vi buôn bán tôm hùm đất

Ngày 25/4, Công an tỉnh Thái Bình cho hay, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… có nhiều nhóm, trang, fanpage đăng tải bài viết có nội dung về việc kinh doanh, buôn bán tôm hùm đất để chế biến làm món ăn.

Công an tỉnh Thái Bình cho hay, tôm hùm đất có tên khoa học là Cherax quadricarinatus, là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, thích nghi với môi trường sống trên cạn và cả dưới nước dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh, virus gây bệnh ở các giống thủy sản khác và gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

Lại báo động tình trạng mua bán tôm hùm đất- Ảnh 2.

Tôm hùm đất là loài sinh vật ngoại lai gây hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất.

Tôm hùm đất cũng không có trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh trên thị trường; chỉ có Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán ăn nếu nhập tôm hùm đất đông lạnh về chế biến món ăn phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc và được lực lượng hải quan và Cục Thú y cho phép…

Công an tỉnh Thái Bình khẳng định, hành vi buôn bán tôm hùm đất trên không gian mạng có dấu hiệu buôn bán hàng cấm có thể bị xử phạt 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, việc buôn bán tôm hùm đất còn sống khi phát tán ra môi trường tự nhiên còn có thể bị xử lý hình sự về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại, theo Điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017).

Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hành vi lôi kéo kinh doanh, buôn bán loài sinh vật ngoại lai tôm hùm đất trên không gian mạng. Tuyệt đối không kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, nuôi, lưu giữ... loài sinh vật ngoại lai trên.

Không chỉ có tôm hùm đất, trước đây chúng ta đã từng trả giá khi nuôi những sinh vật ngoại lai gây hại cho môi trường, như: Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm càng đỏ,… Những loài động vật này đều có đặc điểm chung là ăn tạp, sinh sản nhanh, thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau; phá hoại mùa màng, lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, loài tôm hùm này còn nguy hại hơn những sinh vật ngoại lai nêu trên bởi đặc tính bò rất nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt và khả năng phá hoại mùa màng mạnh hơn ốc bươu vàng nhiều lần.

Mối nguy hại cho môi trường và hệ sinh thái

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguy hại của tôm hùm đất là chúng sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Trong môi trường, chúng sẽ tiêu diệt hết các loại cá, tôm khác, làm cây cối, hoa màu chết. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, nên chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác.

Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Tôm hùm đất có đặc điểm dễ vận chuyển và sống khá dai. Trong điều kiện buôn bán tràn lan, không có tổ chức thì nguy cơ thất thoát ra môi trường sẽ rất lớn. Việc nó đào hang, phá bờ, phá các công trình thủy lợi, thậm chí khi nó phát triển quá mức thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cây trồng".

Các chuyên gia khẳng định, khó khăn trong tiêu diệt tôm hùm đất là chúng lớn rất nhanh và có thể đạt đến chiều dài 5,5-12 cm. Chúng cũng sống được trong môi trường nước có độ muối rất thấp vốn không phù hợp với nhiều loài tôm khác. Chúng có thể sống đến 5 năm, một số con có thể sống trên 6 năm trong điều kiện tự nhiên. Khả năng thích nghi tốt với môi trường vì vậy chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

TS Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản cho hay, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012, nhưng chất lượng thịt tôm khá ít, không đạt về hiệu quả kinh tế. Sau đó, xác định đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển ở nước ta.

Loại tôm hùm này ăn tạp, có thể cạnh tranh thức ăn với các loại thủy sản nuôi trồng khác, ông nhấn mạnh. Ở Trung Quốc, việc nuôi tôm hùm đất rất phát triển nên khi vào mùa thu hoạch, hàng tràn sang Việt Nam. Ông Tề cho rằng, tôm hùm đất vẫn là sinh vật ngoại lai, không nên nhập khẩu và buôn bán.

Nhiều người còn gọi tôm hùm đất là "thuỷ quái" tôm lai cua vì chúng có thể bò ngang, đào hang giỏi như cua. Đáng sợ hơn, chúng có đôi càng màu đỏ to khỏe, có thể cắt ngang thân lúa cứng rất nhanh, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

Ở nước ta, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Thực tế, bài học ốc bươu vàng vẫn còn đó. Sau nhiều năm, đến nay chúng ta vẫn không thể tiêu diệt được loại ốc này. Ốc bươu vẫn phá hoại mùa màng của bà con nông dân.

Một số chuyên gia ngành thủy sản cảnh báo, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ xơi sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Với thói quen đào hang sâu đến 2m, nước ta nguy cơ sẽ lại có thêm loài "chuột" mới.

Đặc biệt, khi tôm hùm đất sinh sôi nảy nở với số lượng lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ con, nếu chúng đều thi nhau đào hang, ăn sạch các loại thủy sinh... sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán loại sinh vật ngoại lai này ngay từ biên giới.

Lễ hội tôm hùm sắp diễn ra ở Khánh Hòa có gì?Lễ hội tôm hùm sắp diễn ra ở Khánh Hòa có gì?

SKĐS - Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 bắt đầu vào ngày 3/8 đến hết 11/8/2024 tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) với nhiều chương trình ấn tượng, trong đó có trình diễn chế biến 120 món ngon từ tôm hùm.


Tô Hội
Ý kiến của bạn