Hà Nội

Lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, EVN vẫn tăng giá điện

22-12-2012 09:30 | Thời sự
google news

Chiều 21-12, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và đại diện Bộ Công thương đã họp báo công bố giá điện mới. EVN công nhận năm 2012 lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, nhưng vẫn phải tăng giá điện để bù các khoản lỗ trước đây.

Chiều 21-12, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và đại diện Bộ Công thương đã họp báo công bố giá điện mới. EVN công nhận năm 2012 lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, nhưng vẫn phải tăng giá điện để bù các khoản lỗ trước đây.
Lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, EVN vẫn tăng giá điện 1
Nhân viên Công ty Điện lực Gò Vấp, TP.HCM chốt chỉ số điện kế của khách hàng.

Trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo, ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN - cho biết:

- Dự kiến năm nay EVN sẽ lãi 3.500-4.000 tỉ đồng. Vì vậy, năm nay chúng tôi phấn đấu dành ra bù lỗ các năm trước khoảng 3.500 tỉ đồng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong năm 2012-2013 EVN cần bù hết lỗ các năm trước.

Lý do thứ hai là giá các nguyên liệu đầu vào năm nay tăng. Ngày 15-9, Bộ Tài chính yêu cầu EVN tăng giá mua than. Tổng mức tăng chi của EVN do giá than tăng khoảng 900 tỉ đồng. Giá khí cho điện trước đây cũng rẻ, nhưng năm 2010 đã tăng khoảng 35%, năm 2012 tăng tiếp, từ ngày 1-1-2013 sẽ tăng nữa...

* Lần tăng giá này EVN sẽ thu thêm được bao nhiêu và dự kiến dùng vào việc gì?

- Đợt tăng giá này dự kiến EVN thu được hơn 7.000 tỉ đồng. Số tiền này trước hết sẽ dùng để bù chi phí giá than tăng gần 900 tỉ đồng, 3.800 tỉ đồng cho khoản “vượt bao tiêu khí” và 3.000 tỉ đồng để bù chênh lệch tỉ giá. Số tiền bù cho chênh lệch tỉ giá trên là rất nhỏ, bởi tổng mức đã lên đến 26.600 tỉ đồng. Thủ tướng đã cho chúng tôi bù dần để đến năm 2015 giải quyết hết số 26.600 tỉ đồng.
Lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, EVN vẫn tăng giá điện 2
EVN liên tục tăng giá điện - Đồ họa: Vĩ Cường.

* Năm nay kinh tế khó khăn, tăng giá điện liệu có phù hợp không?

- Với góc độ người tiêu dùng thì tăng giá điện... chả lúc nào phù hợp cả, kể cả tăng chỉ 1 đồng. Nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế, do EVN là người đi mua điện rồi bán lại là chính, nếu EVN ép nhà máy bán giá thấp sẽ khiến nhà đầu tư không đầu tư nhà máy mới nữa, gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện trong tương lai.

Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà máy tiêu thụ điện. Họ nói giá điện VN so với các nước không cao, với họ quan trọng nhất là đủ điện, nếu cắt 1-2 giờ thiệt hại lớn hơn tăng giá. Với trách nhiệm của mình, EVN báo cáo Chính phủ cho tăng giá trên cơ sở đảm bảo ổn định, tăng để đủ bù những khoản lỗ thì phải tăng vài chục phần trăm.

* Giá thành điện của EVN là bao nhiêu? Người dân có cảm giác EVN yếu kém, đầu tư ngoài ngành lỗ khiến phải tăng giá điện? Năm nay lãi, giá điện lại tăng, lương thưởng của EVN sẽ thế nào?

- Giá thành của EVN chúng tôi mới tính. Với nhà máy thủy điện lớn của EVN, giá thành chỉ 507 đồng/kWh, với các nhà máy EVN mua điện thì bình quân 1.041 đồng/kWh. Nhà máy điện khí thì giá khoảng 1.037 đồng/kWh, riêng điện chạy dầu thì giá lên 4.692 đồng/kWh.
 

“Không tác động lớn?”

Tính toán với mức giá điện tăng 5% lần này, EVN vẫn cho rằng sẽ “không tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân”. Cụ thể, các hộ nghèo, thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng: giá không tăng. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường: dùng đến 100 kWh phải trả thêm 6.600 đồng/tháng. Nếu dùng 150 kWh/tháng, chi phí tăng thêm khoảng 11.000 đồng/tháng. Dùng 200 kWh phải tăng chi 16.200 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng sẽ phải tăng chi 27.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng phải tăng chi 38.200 đồng/tháng.

Còn khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng đã yêu cầu đến năm 2015 phải thoái hết vốn. Giá thành điện chúng tôi công bố để làm cơ sở tăng giá không bao gồm khoản lỗ trên.

* EVN tăng được giá, nhưng nhiều nhà máy thủy điện vẫn có nguy cơ phá sản do EVN trả giá mua điện quá rẻ?

- Chúng tôi đang mua điện của các nhà máy điện theo hai cơ chế. Thủy điện có công suất dưới 30 MW, EVN mua theo giá Bộ Công thương công bố. Bộ không xét suất đầu tư bao nhiêu mà công bố giá trần, EVN cứ thế mua. Nên ai đầu tư giá thành thấp thì lãi lớn, nhiều anh đã lãi lớn. Anh làm suất đầu tư cao, rừng phá hết, không có nước thì lỗ. Việc lỗ đó không thể đổ cho EVN.

Với thủy điện trên 30MW, EVN đàm phán trực tiếp theo đúng thông tư của Bộ Công thương, có xét chi phí đầu tư, chi phí huy động vốn, chi phí vận hành, trong đó giá có tính cả lợi nhuận. Những thủy điện này không phá sản vì đã tính luôn lợi nhuận trong giá, vấn đề chỉ là cao hay thấp. Nếu đi vay quá cao thì có lỗ, vì năm 2011 có đơn vị vay lãi suất 25-27%/năm thì “chết”.

Cái đó do khách quan.

EVN ký hợp đồng đều được Cục Điều tiết điện lực thẩm định. Nói EVN ép là không phải, chúng tôi tính đúng quy định. Còn quy định hợp lý chưa thì hỏi Bộ Công thương. Khi đã tham gia thị trường, thủy điện cũng phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, tránh đổ cho người khác.

* Tổn thất điện năng của EVN hiện nay vẫn cao? Giá điện năm 2013 có lộ trình tăng như thế nào?

- Tổn thất điện năng năm nay của EVN khoảng 9% so với mức 9,23% năm 2011, theo đúng kế hoạch. Thủ tướng yêu cầu chúng tôi đến năm 2015 giảm mức tổn thất xuống 8%. EVN đang lên kế hoạch đầu tư để đạt được con số trên.

Còn lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2013-2015, chúng tôi đang tính toán và đã báo cáo Bộ Công thương. Tuy nhiên, căn cứ để tính còn khó ở thông số đầu vào, như thủy điện, điện chạy dầu tỉ lệ sẽ bao nhiêu... năm 2013 có thể lại gặp vấn đề thiếu nước thủy điện. Miền Trung từ đầu năm đến giờ chưa có cơn lũ, cơn bão nào. Nếu khả năng xấu, khả năng EVN phải phát tới 1,5 tỉ kWh chạy dầu. Nếu thế sẽ lại làm chi phí tăng tới 6.000-7.000 tỉ đồng...

Hộ nghèo không phải đăng ký lại

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết ngày 21-12 đã có công điện khẩn yêu cầu 15 công ty điện lực trực thuộc tập trung nhân sự thực hiện hoàn tất công tác chốt chỉ số khoảng 130.000 điện kế thuộc đối tượng sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp trong hôm nay.

Riêng hơn 1,7 triệu điện kế của khách hàng thắp sáng sinh hoạt sẽ được tính chủ yếu theo phương pháp nội suy (lấy bình quân ngày sử dụng điện trong tháng rồi căn cứ vào mốc 22-12 để xác định lượng điện theo giá cũ và giá mới).

Cũng theo EVN HCMC, đối tượng hộ nghèo thu nhập thấp có mức tiêu thụ không quá 50 kWh/tháng thì theo thông tư 38, mức giá vẫn giữ nguyên là 933 đồng/kWh, do đó không cần phải đăng ký lại. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 7.000 đối tượng này.

Những đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp phát sinh muốn hưởng giá điện 933 đồng/kWh chỉ cần điền vào mẫu đăng ký với các công ty điện lực. Tuy nhiên điều kiện là tiêu thụ hằng tháng của khách hàng không vượt quá 50 kWh. Nếu trong ba tháng liên tục tổng số lượng điện tiêu thụ của khách hàng vượt quá 155 kWh thì sẽ được chuyển sang hộ sinh hoạt bình thường.

Doanh nghiệp kêu trời

Ông Nguyễn Như Khuê (giám đốc Công ty TNHH Lotus RKW):

Đừng vì lợi ích cục bộ

Điện dù chỉ chiếm 0,5-1% trong chi phí sản xuất của ngành nhựa nhưng khi giá điện tăng, giá các nguyên liệu đầu vào khác cung cấp cho ngành nhựa cũng tăng theo, đẩy chi phí đầu vào khiến giá thành sản phẩm sẽ tăng không dưới 3%. Trong khi hiện nay để kiếm được lợi nhuận ở mức 3% cũng là quá khó. Chưa kể chúng tôi không thể báo giá mới cho nhà đặt hàng. Rõ ràng chỉ tính về yếu tố cạnh tranh, doanh nghiệp VN thua đứt.

Hiện có được đơn hàng, duy trì công việc ổn định cho người lao động là thách thức quá lớn đối với doanh nghiệp. Chẳng lẽ vì lợi ích cục bộ mà ngành điện bắt toàn xã hội gánh thay gánh nặng này cho ngành điện?

*Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép VN):

Quá khó cho doanh nghiệp

Trong ngành thép, chi phí điện chiếm nhiều nhất trong khâu luyện phôi thép, khoảng 6% giá thành sản xuất. Với giá điện tăng 5%, chi phí khâu luyện phôi thép sẽ tăng khoảng 3,4% so với trước, tương ứng khoảng 480.000 đồng/tấn phôi thép. Ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn, giá bán không thể tăng được vì hàng tồn kho còn nhiều.

Tôi nghĩ đây là thời điểm không phù hợp để điều chỉnh giá điện, khi mà hàng loạt doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và tiếp tục đối mặt với một năm khó khăn sắp tới.

* Ông Trần Bá Dũng (phó giám đốc kinh doanh Công ty may túi xách Hương Mi):

Rất sợ vật tư nguyên liệu tăng giá

Suốt từ đầu năm đến nay các sản phẩm balô, túi xách của chúng tôi hầu như không tăng giá, thậm chí công ty phải bán lỗ để duy trì sức mua. Dù không phải là đơn vị sử dụng quá nhiều điện, nhưng việc tăng giá điện thêm 5% cũng tạo ra nhiều áp lực nặng nề.

Lãnh đạo công ty vừa yêu cầu bộ phận kế toán phải tính toán lại các khoản chi phí để làm sao cho cân đối. Vấn đề đáng lo ngại nhất là mỗi lần tăng giá điện, nước hay xăng dầu là các nhà cung cấp nguyên vật liệu đều điều chỉnh giá bán. Giá điện tăng sẽ gây áp lực cả trực tiếp và gián tiếp lên chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

* Ông Đỗ Phước Tống (giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh):

Quá ngán giá điện!

Phải nói là quá bất ngờ. Trước đó, hầu như tôi chưa nắm được thông tin nào về việc tăng giá điện bắt đầu từ hôm nay (22-12). Thú thật, tôi đã quá ngao ngán về vấn đề này. Doanh nghiệp, người tiêu dùng than quá nhiều về giá điện nhưng Bộ Công thương có bao giờ nghe.

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại chi phí đầu vào tăng giá mạnh, nhưng sản phẩm bán ra không thể tăng giá. Trong ngành cơ khí chúng tôi, phần điện rất nặng. Hầu hết các khâu sản xuất đều phải dùng điện.

Tại Công ty Duy Khanh, chi phí tiền điện chiếm khoảng 4% trong tổng chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện có tác động rất lớn đến hoạt động của công ty. Trong khi đó ở thời điểm này không thể tăng giá đầu ra vì còn phụ thuộc vào sức mua, doanh nghiệp phải tự gánh khoản tăng giá điện lần này.

Theo Tuổi trẻ


Ý kiến của bạn