Vụ việc được cho là xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Theo thông tin chia sẻ, nam sinh bị đánh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sợ hãi, liên tục lấy chăn che mặt và có dấu hiệu trầm cảm, sợ người lạ. Kèm theo clip là nội dung được cho là nhà trường gửi đến phụ huynh học sinh như sau:
"Kính gửi các bậc phụ huynh học sinh: Vừa qua trường ta có xảy ra vụ việc rất đau lòng, rất đáng thương. Các cháu còn bé nhỏ không hiểu việc mình làm và không lường hết những hậu quả mình gây ra. Địa phương, nhà trường, các gia đình và các con rất ân hận. Rất mong bà con rộng lòng tha thứ và đặc biệt không lan truyền thông tin, hình ảnh vì chỉ làm tình hình phức tạp thêm và tăng thêm nỗi khốn khổ cho tất cả gia đình hai bên. Nếu ai đã gửi chia sẻ thì thu hồi và xin nhờ gọi điện xoá giúp và không chia sẻ thêm. Địa phương, nhà trường và các gia đình đang tích cực khắc phục để con ổn định sức khỏe và trở lại trường học tập bình thường. Cám ơn sự rộng lượng và hợp tác của các gia đình, các bậc phụ huynh".
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Công Dực - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng cho biết, sự việc trong video xảy ra giữa tháng 6 tại Nhà văn hóa thôn Đồng Cầu khi các em nghỉ hè. Nạn nhân trong video là một học sinh học lớp 7 của trường tên là K. và các nam sinh xuất hiện trong video cũng học cùng khối 7 với K. "Tôi chỉ mới biết tới video này, không dám xem lại lần hai. Sự việc rất đau lòng".
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, đây không phải lần đầu em học sinh này bị đánh. Vào giữa tháng 9, Trường THCS Đại Đồng phát hiện nhóm nam sinh này có hành vi tương tự với em K. ngay tại trường. Sau đó K. đã phải đi điều trị sang chấn tâm lý 10 ngày, thường xuyên có biểu hiện ngơ ngác, không tập trung. Em trở lại trường vào giữa tháng 10 nhưng tinh thần không ổn định. Nhóm nam sinh đánh bạn gồm 8 em, đã bị nhà trường đình chỉ học từ ngày 20-24/10.
Ông Đỗ Công Dực cho biết thêm, gia đình em K. có hoàn cảnh khó khăn. K. là học sinh ngoan, hơi ít nói và nhút nhát, trong khi đó, những học sinh đánh bạn thường nghịch ngợm, có hai em thuộc nhóm cá biệt. Khi bị đánh, K. thường không kể cho ai, vẫn tiếp tục chơi cùng nhóm bạn đã đánh mình nên số lần bị đánh có thể nhiều hơn hai lần mà trường biết. "Chúng tôi rất đau xót. Nhà trường đã yêu cầu gia đình các học sinh liên quan có trách nhiệm với nạn nhân, đồng thời trình báo với công an và cấp trên. Thầy cô cũng quyên góp để hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho em".
Hiện sự việc xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, chúng ta hay bắt gặp vấn đề bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT bởi đây là giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, tâm lý của các em chưa ổn định, tính khí thay đổi thất thường, nhiều em rất muốn thể hiện, khẳng định bản thân nhưng lại khẳng định bằng cách tiêu cực.
Theo TS. Lê Thị Thanh Thủy, nhà trường cần tổ chức tốt các hoạt động phòng ngừa để phát hiện xem nhóm nào hay học sinh nào có dấu hiệu của bạo lực và can thiệp kịp thời hơn hoặc các bậc phụ huynh quan tâm đến con hơn, phát hiện thấy con có thay đổi để sớm có hình thức ngăn chặn, can thiệp. Song song với đó, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; kể cả đoàn thanh niên cũng có thể tham gia vào vấn đề này; cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, khoảng 3-6 tháng cần khảo sát 1 lần về những nguy cơ bạo lực học đường, bạo lực tinh thần đang tồn tại, từ đó có cơ sở can thiệp sớm.