Một không khí khác lạ với bất kể ai khi bước chân đến ngôi chùa Nghệ sĩ ở gần cuối con đường Thống Nhất, quận Gò Vấp. Đó là những lời thầm thì như tiếng gió ru êm, vẳng lên từ những nấm mộ của những “ông hoàng, bà chúa” trên sân khấu cải lương Sài Gòn một thuở. Và, trên bậc thềm đá cổ, những bước chân của nghệ sĩ Phùng Há thong thả hiện về, dẫn mọi người đến từng ngôi mộ và kể những câu chuyện buồn...
Ngôi chùa duy nhất trên thế giới
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài đã đến đây, đặt hoa viếng các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của miền Nam xưa, đã xác nhận trên thế giới không nơi nào có một ngôi chùa nghĩa trang nghệ sĩ như ở đây. Họ khẳng định đây là ngôi chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ duy nhất trên thế giới. Họ ngạc nhiên về tình tương thân, tương ái và nghĩa cử sâu sắc giữa những người nghệ sĩ cải lương TP. Hồ Chí Minh. Trong một khuôn viên rộng hơn 6.000m2, chùa chôn cất, dựng mộ và thắp hương giữ cốt tro cho hơn 500 nghệ sĩ cải lương đã quá cố gần 60 năm qua. Lần lượt những nghệ sĩ đã chôn cất hơn 30 năm sẽ được đưa tro cốt và ảnh lên chùa thờ. Sau đó những nghệ sĩ cải lương mới mất mà có nguyện vọng và hoàn cảnh khó khăn sẽ được thế chỗ lần lượt chôn cất trong ngôi chùa này. Đó là quy ước bất thành văn từ những ngày đầu hình thành nghĩa trang này theo sáng kiến của NSND Phùng Há.
Chùa Nghệ sĩ.
Nghệ sĩ hài Lí Lắc, người đã lực bất tòng tâm với hoàn cảnh neo đơn cô quạnh, phải vào chùa nương nhờ và nhận nhiệm vụ trông nom phụ góp ngôi chùa Nghệ sĩ này. Ông tâm sự, mình là một hoàn cảnh điển hình giống như khá nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời bị rơi vào những cảnh huống bi kịch của cuộc sống, khi tình trạng sân khấu cải lương trồi sụt không có khán giả tìm đến. Trước đây không ít những nghệ sĩ cải lương đến cuối đời đã không có mái nhà che thân. Nhiều người lần lượt ra đi trong cay đắng buồn tủi và không có nơi chôn cất. Chính vì thế mà NSND Phùng Há đã muốn có một nghĩa trang để chôn cất những nghệ sĩ nghèo khổ và ngôi chùa là nơi nương thân trong cảnh bần hàn và con cháu neo đơn. Đó là những câu chuyện thương tâm vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước.
NSND Phùng Há đứng ra mua mảnh đất này từ năm 1958. Người đầu tiên được đưa về chùa là nghệ sĩ Tư Út, một nghệ sĩ của đoàn cải lương Phụng Hảo, đã mất năm 1946, khi đang đi biểu diễn ở Nam Vang. Sau đó theo năm tháng lần lượt các nghệ sĩ tài danh và nghèo khó đã lần lượt được quàn và chôn cất tại đây. Những nghệ sĩ được an táng ở đây từ những năm 60 là nghệ sĩ cải lương bậc thầy như các NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn; bên cạnh đó là những nghệ sĩ lừng lẫy một thời như NSƯT Thanh Nga, Hoàng Giang... hoặc các tài danh khác như Bảy Cao, Đức Lợi, Hoa Phượng, Tấn Tài, Kim Ngọc...
Trông nom ngôi chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ từ lâu đều là những nghệ sĩ cải lương lớn tuổi và neo đơn. Cùng với nghệ sĩ hài Lí Lắc, các nghệ sĩ lớn tuổi khác hiện đang ở chùa là Thu Hồng và Thu Nguyệt. Các bà đều là những nghệ sĩ đã hát cho các đoàn cải lương lớn nhất ở Sài Gòn và sống ở chùa đã gần 20 năm. Hàng chục ngôi mộ không còn người trông nom đều trông cậy vào những nghệ sĩ này. Họ chăm lo hương khói vào những ngày rằm, hay đầu tháng. Khách lễ chùa thường là những nghệ sĩ ở nhiều nơi trở về viếng thăm và nhớ lại những ký ức không thể nào quên trong sự nghiệp cải lương lừng lẫy một thời. Họ gọi tên từng ngôi mộ như điểm danh lại những kiếp người đã tận hiến cho nghiệp tổ.
Những cái tên sống mãi với thời gian
Nổi bật trong ngôi chùa Nghệ sĩ là ngôi mộ và nhà thờ của NSND Phùng Há. Bà không những là người đề xuất ý tưởng mà còn đứng tên mua đất và cùng bỏ công sức ra xây chùa và trông nom nghĩa trang nghệ sĩ trong hàng chục năm trời. Hầu hết các nghệ sĩ cải lương coi bà như một vị tổ của bộ môn cải lương Việt Nam. Khi mới 18 tuổi bà đã làm bầu gánh hát Huỳnh Ký do chồng bà đầu tư gây dựng. Gánh hát của bà đã quy tụ được những giọng hát sáng giá lúc đó như Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Tư Bé, Năm Kiệt... và đã đi hát khắp lục tỉnh. Họ cũng từng ra Hà Nội biểu diễn vào những năm đầu của thập kỷ 30. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn mà nghệ sĩ Phùng Há còn có công đào tạo hàng chục nghệ sĩ thành tài và trở thành ngôi sao cải lương. Sau ngày đất nước thống nhất bà càng phát huy được tài năng và trở thành ngôi sao cải lương số một ở miền Nam. Đến năm 1984, bà được Nhà nước phong danh hiệu NSND, khi đã đến tuổi 73. Và, cũng từ đó bà vào sống trong chùa Nghệ sĩ, tu Phật và trông nom nghĩa trang Nghệ sĩ cho đến khi mất năm 2009, thọ 98 tuổi.
Một góc nghĩa trang Nghệ sĩ cải lương.
Cùng thời với bà Phùng Há còn có NSND Ba Vân, một quái kiệt lấy tiếng cười của khán giả ái mộ cải lương. Ông hát hay và có biệt tài diễn hài với giọng nói nhừa nhựa lạ lùng. Nhưng có lẽ người mà được phong danh hiệu ông hoàng sân khấu cải lương ngày đó chính là NSND Út Trà Ôn. Ông tên Út, sinh ra ở quận Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, nên khi nổi tiếng được gọi nghệ danh Út Trà Ôn. Trời phú cho ông một giọng hát truyền cảm và thu hút lòng người. Không hề biết chữ, ông chỉ thuộc lòng sau khi học chay các bản ca, nhưng lại hát không hề sai nhịp. Năm 1937, mới 18 tuổi Út Trà Ôn đã được hát chính trên làn sóng phát thanh, nổi tiếng khắp nơi với ca khúc Tình anh bán chiếu, Thức trót canh thâu và Tôn Tẫn giả điên. Riêng bản ca Tình anh bán chiếu làm rạng rỡ cái tên Út Trà Ôn. Hai năm sau ông đã từng đoạt giải Nhất trong cuộc thi ca cổ nhạc do hãng rượu Bình Tây tổ chức. Từ đó ông được nhiều đoàn mời hát và diễn vai. Giọng hát ông bao giờ cũng được hợp đồng giá cao ngất ngưởng. Đỉnh điểm vào năm 1959, bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh đã mời ông hát với cát-xê 750.000đồng/năm, tương đương với 300 cây vàng thời điểm đó. Vậy mà sau này, khi sân khấu cải lương mất khách, ông hoàng cải lương Út Trà Ôn rơi vào cảnh túng bấn cơ hàn. Hiện ngôi mộ của ông nằm trong khuôn viên chùa, chỉ với một khối đá khiêm tốn như nỗi buồn cuối đời ông: “Sông sâu bên lở bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai...”. Ông mất năm 2001, thọ 82 tuổi.
Đặc biệt đáng chú ý là ngôi mộ của NSƯT Thanh Nga, một học trò cưng của cả hai người NSND Phùng Há và NSND Út Trà Ôn. Diễn giỏi và hát hay, Thanh Nga là ngôi sao sáng của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, nơi chính mẹ chị là bầu Thơ làm trưởng đoàn. Ngay từ năm 1958, nghệ sĩ Thanh Nga mới 16 tuổi đã đoạt giải Thanh Tâm triển vọng của sân khấu cải lương Sài Gòn ngày đó. Tài năng của Thanh Nga ngày càng rực rỡ, đỉnh cao là 8 năm sau chị đã giành giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya”. Thanh Nga là một biểu tượng thay thế cho lớp nghệ sĩ lừng danh bậc thầy như Phùng Há. Nhưng tiếc thay đang ở thời điểm chín muồi về nghệ thuật, nổi bật trong vai Thái hậu Dương Vân Nga, đắt show hàng đêm thì bà bị những kẻ lạ mặt hạ sát, năm 1978.
Đó là thời điểm sau ba năm đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều những ân oán bất thường ập đến với cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Nga. Cái chết bất ngờ của Thanh Nga trở thành đề tài sôi nổi và tốn không biết bao giấy mực trong làng báo chí. Nghệ sĩ Thanh Nga đã lấy thân mình che cho con trai để hứng viên đạn của kẻ lạ mặt kia. Thanh Nga chết trong nỗi xót xa của đồng nghiệp và những khán giả ngưỡng mộ chị trên cả nước. Tám năm sau, chị đã được Nhà nước ta truy phong danh hiệu NSƯT vì những thành tựu mà cả cuộc đời chị đóng góp cho sân khấu cải lương phía Nam. Và, niềm vinh dự hơn nữa tên của NSƯT Thanh Nga còn được gắn với con đường mới mở (năm 2015), ở quận 9 TP. Hồ Chí Minh - Đường Thanh Nga. Trong lòng khán giả ái mộ, thì nghệ sĩ Thanh Nga luôn là một nữ hoàng cải lương, với giọng hát quyến rũ, ấm áp và phong cách diễn thể hiện được thần thái và những chuyển động tâm lý nhân vật.
Cái chết oan uổng của nghệ sĩ Thanh Nga đã làm dậy sóng tình cảm tiếc thương vô hạn của hàng triệu khán giả yêu mến và say mê giọng hát chị. Hàng ngàn người đã tiễn đưa chị trong ngày tang lễ như một sự chia ly cay đắng không có hồi kết. Giờ đây ngôi mộ của NSƯT Thanh Nga tại chùa Nghệ sĩ thường được nhiều khán giả ái mộ thắp hương tưởng nhớ. Trong lòng họ vẫn còn một hình ảnh nữ hoàng cải lương Thanh Nga ngày nào rưng rưng cảm xúc.
Cõi về
Hàng năm người ta thường tổ chức biểu diễn ca cổ và hát cải lương ở đây như một sự nhớ lại và trở về. Một chốn bình yên cho sự gặp gỡ. Họ vẫn như ngày xưa cùng hát trên sân khấu. Những nghệ sĩ về chùa đều chắp tay khấn cho tổ nghiệp, cùng những sư phụ đã dựng cho họ một sứ mệnh thiêng liêng, gìn giữ và phát huy nền nghệ thuật cải lương hàng trăm năm qua. Mỗi câu ca như được cất lên từ chính những người đã khuất làm nên bản giao hưởng của đất nước và thôi thúc lòng người.
Chùa Nghệ sĩ đã trở thành cõi về của những nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, những “ông hoàng bà chúa” của sân khấu cải lương TP. Hồ Chí Minh và là những gương sáng cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ mai sau. Họ là những ánh hào quang sân khấu còn mãi với thời gian: “Khép bức màn nhung danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Kẻ vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Đó là tâm sự về kiếp cầm ca mà họ đã hiến dâng cả cuộc đời của mình cho những câu vọng cổ và những vai diễn để đời.