Bệnh được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm thiểu năng phân kỳ, lác trong khi nhìn xa liên quan đến tuổi tác (ADRE) và hội chứng mắt xệ, có đặc điểm là nhìn đôi chỉ khi nhìn bằng mắt thường. Điều đáng mừng là tình trạng này không liên quan đến các rối loạn thần kinh hoặc bệnh hệ thống, có thể được điều trị được.
1. Lác trong và những vấn đề liên quan
Người mắc loại mắt lác này khi đọc hoặc nhìn điện thoại vẫn thấy ổn nhưng khi đang lái xe hoặc xem phim, thì xuất hiện song thị (nhìn đôi- nhìn 1 vật thành 2). Giới nhãn khoa gọi đó là thiểu năng phân kỳ, phản ánh khả năng thực tế của ai đó khi muốn chuyển từ nhìn gần sang nhìn xa, khi đó mắt cần phải phân ly nhau.
Thuật ngữ suy giảm phân kỳ ám chỉ một vấn đề ở cấp độ thân não, cho thấy có sự suy giảm lượng sợi thần kinh chi phối cơ vận nhãn. Những bệnh nhân như vậy có thể có vấn đề về thân não và nên đến khám bác sĩ thần kinh để tiến hành chẩn đoán hình ảnh thần kinh- nhãn khoa.
Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cũng ghi nhận rằng nhiều bệnh nhân trong số đó không có dấu hiệu đột quỵ, khối u hoặc các căn nguyên nguy hiểm khác khi khám hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Do tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân trên 60 tuổi nên nguyên nhân được suy đoán rằng, do trung tâm phân kỳ trong thân não của họ đã bị thoái hóa theo tuổi tác.
2. Khám phá một cơ chế mới liên quan tới lác trong ở người cao tuổi
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cơ chế của loại lác này. Đó là hội chứng xệ mắt (SES )- Một tình trạng cơ học chứ không phải bệnh lý thần kinh.
Không chỉ lác ngang, nhiều bệnh nhân bị SES có lác xuống dưới. Biểu hiện của hội chứng này được giải thích như sau: Sự mất cân xứng hoặc giảm khả năng nâng mắt ở cả hai mắt là một phần của toàn bộ quá trình già đi trong hốc mắt. Chính vì vậy những bệnh nhân này thường có mi trên sâu và thậm chí là sụp mi nhẹ.
Thuyết này ngày càng được chấp nhận rộng rãi, được đưa vào Thực hành bệnh lác ở người lớn của AAO.
3. Mức độ phổ biến của SES
Theo các bác sĩ nhãn khoa hội chứng xệ mắt khá phổ biến. Ngày càng nhiều bệnh nhân mắc SES. Điều này là do những tiến bộ lớn trong phẫu thuật đục thủy tinh thể và khúc xạ khiến cho mọi người có được thị lực gần như hoàn hảo mà không cần đeo kính. Trước kia đã từng có nhiều người cao tuổi vẫn cần đeo kính và vì song thị nên họ sẽ đeo lăng kính. Xu hướng giờ đây là người bệnh không muốn đeo lăng kính và tìm đến các chuyên gia về lác.
Một nghiên cứu loạt trường hợp hồi cứu đã chú ý hơn vào tần suất của SES. Các tác giả đã nghiên cứu hồ sơ của tất cả các bệnh nhân mới trên 40 tuổi đến khám tại Viện Mắt Stein (Los Angeles – Mỹ) với chứng nhìn đôi từ tháng 1/2015 đến tháng 12/ 2018. Trong số 945 bệnh nhân, nguyên nhân hàng đầu của chứng nhìn đôi được chẩn đoán là SES (31,4%) .
4. Chẩn đoán phân biệt SES với bệnh khác
Phần quan trọng nhất của chẩn đoán SES là loại trừ bất kỳ tổn thương thần kinh tiềm ẩn nào có thể khởi phát lác trong ở người lớn hoặc song thị mắc phải. Trong đó những bệnh lý sau đây cần quan tâm đặc biệt:
- Liệt dây thần kinh sọ (dây thần kinh III, IV, VI)
- Bệnh mắt liên quan đến tuyến giáp
- Bệnh nhược cơ
- Nguyên nhân bất kỳ nào gây tăng áp lực nội sọ (ví dụ khối u não hoặc giả u não)
- Ngoài ra, chứng lác trong khởi phát ở người lớn và song thị còn có thể do lác lâu năm mất bù trừ.
Phải cảnh giác với các dấu hiệu hoặc triệu chứng không điển hình cho SES. Cần phải làm việc thêm và chụp cộng hưởng cho các bệnh nhân có các dấu hiệu sau: • Lác bất đồng hành • Hạn chế vận nhãn • Lác đứng lớn hơn 4 hoặc 5 PD • Lồi mắt • Tiến triển nhanh • Dấu hiệu thần kinh chỉ điểm • Trẻ hơn lứa tuổi điển hình hay mắc ARDE / SES (≥60 tuổi)
|
Các căn cứ để chẩn đoán SES:
-Nhìn đôi : Phải đảm bảo rằng đây là song thị hai mắt. Sau đó là thực hiện thử nghiệm bịt mắt luân phiên để xem xét kiểu nhìn đôi, và điều đó có thể giúp bạn đưa ra các chẩn đoán khác như liệt dây thần kinh sọ.
- Kiểu lác mắt: Quan sát kiểu hiện diện của lác trong ở khoảng cách xa chứ không phải ở gần và ở mọi hướng nhìn ( trái, phải, lên, xuống). Nếu nó giống nhau ở mọi tư thế thì có thể đưa ra chẩn đoán SES mà không phải làm gì thêm. Lác đứng nếu có sẽ rất nhỏ, dưới 5D lăng kính, nếu lớn thì không phải là SES mà là bệnh lý tuyến giáp, nhược cơ hoặc bệnh lý thân não.
- Vận nhãn: Phải kiểm tra các hướng vận nhãn xem chúng có bị tổn hại gì không. Trong ARDE/ SES bệnh nhân không có sự thiếu hụt đáng kể nào trong các chuyển động ngang, mặc dù họ có thể có hạn chế hoặc bất đối xứng nhỏ về độ cao của hai mắt.
- Kiểu diễn tiến: SES là một quá trình chậm chạp. Nếu tiến triển nhanh chóng cần nghi ngờ về chẩn đoán có xác đáng hay không.
- Các biểu hiện khác: Bệnh nhân ARDE / SES thường có vị trí mắt bình thường, hoặc thậm chí họ có thể mắc chứng lõm mắt tương đối nhẹ do teo mô hốc mắt. Chứng lồi mắt gợi ý các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh mắt do tuyến giáp. Bệnh nhân thường có sụp mi, sa cung mày và rãnh mi trên sâu bất thường.
- Chẩn đoán hình ảnh: Những trường hợp nghi ngờ cần chụp cộng hưởng từ cả hốc mắt và não.
5. Điều trị
SES có thể được điều trị bằng lăng kính hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào sự ưu tiên của bệnh nhân và mức độ sai lệch.
- Lăng kính: Vì giá cả của kính mới nên có thể đề nghị bệnh nhân đeo thử lăng kính trong một tháng để đảm bảo rằng họ đã thích nghi và không có thay đổi về độ thẳng hàng. Sau đó bệnh nhân sẽ được kê đơn lăng kính đáy quay xuống dưới.
- Phẫu thuật: Đối với những bệnh nhân có độ lệch >16 PD trở lên, phẫu thuật có thể là lựa chọn tốt hơn. Một số bệnh nhân chọn phẫu thuật sau khi thử nghiệm lăng kính, trong khi những người khác tìm ngay đến phẫu thuật chỉnh sửa vì họ muốn tránh đeo kính vì lý do thẩm mỹ hoặc các lý do khác. Về loại phẫu thuật, bác sĩ có thể chọn làm yếu cơ trực trong (lùi cơ trực ngoài hai bên) hoặc làm khỏe cơ trực ngoài (cắt cơ trực ngoài hai bên).
Mời xem video được quan tâm:
Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh (3)