Hà Nội

Lạc tiên tây - Loài cây linh thiêng giúp thư giãn và an thần

SKĐS - Lạc tiên tây là loài bản địa của châu Mỹ, có nguồn gốc ở Peru - là nơi người Tây Ban Nha phát hiện ra nó vào năm 1569. Hiện nay, lạc tiên tây được tìm thấy ở khắp Đông Nam Á và châu Âu. Đây là loại thảo dược giúp thư giãn, giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon.

Cây lạc tiên tây (Passifiora incarnata) còn gọi là chanh dây hay chanh leo, là một trong chỉ một số ít của hơn 450 loài chi lạc tiên (Passiflora) phát triển ở ôn đới Bắc Mỹ. Phần lớn các loài lạc tiên được tìm thấy ở vùng nhiệt đới Hoa Kỳ. Khoảng 20 loài có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Á. Lạc tiên tây là loài cây lâu năm có thân cây dài đến 9m trở lên khi trưởng thành. Các lá có màu xanh lá cây đậm, lõm sâu, có răng cưa, dài khoảng 10 - 15cm. Hoa lạc tiên tây có vẻ đẹp tuyệt vời, màu tím trắng, kích thước khoảng 7 - 8cm với cấu trúc phức tạp. Quả của các loài này có kích thước to hơn quả trứng gà, được chứa đầy những hạt màu đen trong màng màu vàng cam, có vị chua ngọt. Khoảng 20 loài thuộc chi lạc tiên được trồng ở vùng nhiệt đới để ăn quả.

Hoa lạc tiên tây là biểu tượng của Thiên chúa

Lạc tiên tây là loại cây leo có hoa lớn màu trắng tím, hình dạng phức tạp, kích cỡ có thể lên đến khoảng 7 - 8cm. Ngoài hoa đẹp, lạc tiên tây còn cho ra loại trái cây màu vàng cam chứa đầy hạt nhỏ, có mùi thơm, vị chua ngọt. Vào đầu những năm 1600, các nhà truyền giáo dòng tu Jesuit của Tây Ban Nha đã đặt tên cho lạc tiên tây (Passionflower) khi họ gặp một hoặc nhiều loài hoa này ở Nam Mỹ và tuyên bố rằng đã thấy các dấu hiệu của sự đóng đinh Chúa Jesus trên thánh giá ở những bông hoa rực rỡ đó. Sự phát triển tự nhiên hay sự tiến hóa nào có thể tạo ra một bông hoa của vẻ đẹp phi thường như vậy? Các nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đến châu Mỹ mô tả hoa về mặt biểu tượng tôn giáo. Cấu trúc hoa của lạc tiên tây được xem là biểu hiện cơn giận của Chúa Jesus - giai đoạn đau khổ sau Bữa ăn tối cuối cùng. 3 kiểu trên đỉnh thể hiện 3 cái đinh mà Chúa Jesus đã gắn với thập giá. 5 bao phấn trên đỉnh đầu nhị tượng trưng cho những cái búa dùng để đóng đinh. Những sợi tơ tua màu xung quanh được gọi là vòng ánh sáng, được xem như là một vương miện của gai. Bên dưới vòng ánh sáng ấy là tràng hoa với 10 cánh hoa, tượng trưng cho 10 tông đồ tại Lễ đóng đinh lên Thánh giá - ngoại trừ Peter và Judas.

Hoa lạc tiên tây.

Hoa lạc tiên tây.

Quá trình sử dụng lạc tiên tây làm thuốc

Lạc tiên tây (Passifiora incarnata) là loài bản địa ở phía Nam và phía Đông Hoa Kỳ, tại đó, người ta gọi là maypops. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy người Mỹ bản địa đã ăn trái lạc tiên tây một ngàn năm trước khi người châu Âu đến. Các bộ lạc Cherokee, Hourna và các bộ lạc khác đã sử dụng hoa, cành lá và rễ loại cây này để giúp trị các bệnh về thần kinh, chống viêm nhiễm, bảo vệ gan và làm thuốc bổ. Trẻ sơ sinh được cho uống trà lạc tiên tây trong khi cai sữa và nhỏ tai dịch chiết được làm từ rễ lạc tiên tây. Các chinh tướng Tây Ban Nha đã học được các phương pháp chữa bệnh từ lạc tiên tây của dân tộc Aztec ở Trung Mỹ và họ đã giới thiệu đồng thời mang cây lạc tiên tây vào châu Âu. Từ giữa những năm 1800 và trong những thập kỷ sau đó, lạc tiên tây đã được quy định là loại thuốc chữa lo lắng và mất ngủ. Nó là một thành phần của nhiều loại thuốc giúp ngủ ngon và thuốc an thần trên thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Lạc tiên tây - Loài cây giúp thư giãn, an thần

Các bác sĩ y học tự nhiên hiện đại sử dụng lạc tiên tây để hỗ trợ ngủ ngon và an thần nhẹ nhàng để giảm căng thẳng thần kinh. Ở châu Âu, lạc tiên tây kết hợp với táo gai và nữ lang, được sử dụng để trị rối loạn tiêu hóa và giải tỏa sự cáu giận đồng thời dùng làm trà an thần cho trẻ em.

Lạc tiên tây có chứa nhiều flavonoid (tập trung chủ yếu ở lá cây) với tác dụng chống oxy hoá, góp phần vào các phản ứng chống lo âu. Ngoài ra, lạc tiên tây cũng chứa các hợp chất alkaloid, các chất đắng có trong nhiều loại cây thuốc chữa bệnh khác.

Theo nhiều nghiên cứu, chiết xuất từ hoa, lá, thân và trái cây lạc tiên tây đều được sử dụng để chống lại sự lo lắng và mất ngủ. Cơ chế tác dụng lên tâm lý của lạc tiên tây hiện chưa được biết chính xác, có thể là do nó giúp làm tăng lượng GABA (chất ức chế dẫn truyền thần kinh; có tác dụng thư giãn, an thần).

Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm sơ bộ giúp chứng minh giả thuyết rằng chiết xuất lạc tiên tây có tác dụng chống lo âu và tác dụng an thần. Để khẳng định các tác dụng này, cần phải nghiên cứu trên lâm sàng nữa. Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 32 người bị lo âu, chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 (16 người): Uống 45 giọt/ngày nước chiết xuất lạc tiên tây cùng với 1 viên placebo; nhóm 2 (16 người) hoặc 1 viên thuốc placebo cộng với oxazepam 30mg/ngày (một loại thuốc tương tự diazepam). Trong suốt 1 tháng, cả hai nhóm đều thấy giảm sự lo lắng, tình trạng ngủ được tương tự nhau; tuy nhiên, nhóm 1 ít có sự suy giảm về hiệu suất công việc.

Ngoài ra, lạc tiên tây có thể kết hợp với các dược liệu khác để điều trị các chứng rối loạn tâm thần, động kinh, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hỗ trợ cai nghiện ma túy.

Cách dùng

Nước sắc: Đun sôi 1 - 2 muỗng cà phê dược liệu lạc tiên tây với 2 chén nước trong 5 - 10 phút. Lọc lấy nước và uống 3 lần mỗi ngày. Tác dụng giúp thư giãn, giảm lo âu, ngủ ngon giấc.

Chế phẩm viên: Viên chứa 350mg chiết xuất lạc tiên tây, có thể kết hợp cùng dược liệu khác. Ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 1 viên.

Chiết xuất: Mỗi lần dùng 1 - 2ml, mỗi ngày dùng 2 - 3 lần; thường kết hợp với hoa bia hoặc tía tô đất.

Trà thảo dược: Kết hợp với hoa cúc khô, hoa oải hương khô, cam thảo khô, cỏ roi ngựa khô, quả tầm xuân khô lượng bằng nhau, trộn đều. Mỗi lần dùng 1 muỗng canh hỗn hợp, hãm với nước sôi và thưởng thức. Tác dụng giúp bạn có cảm giác thư giãn và tận hưởng.

Thận trọng

Một số người cảm thấy buồn ngủ và chóng mặt với việc sử dụng lạc tiên tây. Nó có thể làm tăng tác dụng của thuốc an thần hoặc thuốc hướng thần khác. Alkaloids trong lạc tiên tây có thể gây kích thích tử cung, do đó không nên dùng trong thời kỳ mang thai. Lạc tiên tây cũng có thể làm tăng hoạt tính hoặc tương tác với thuốc chống đông hay các phương pháp làm loãng máu.


Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Ý kiến của bạn