Lạc nội mạc tử cung là sự hiện diện của mô tương tự nội mạc tử cung (các tuyến và mô đệm) bên ngoài tử cung, gây ra phản ứng viêm mạn tính, mô sẹo, và dính, có thể làm biến dạng giải phẫu vùng chậu của người phụ nữ.
1. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa mạn tính khá phổ biến, gặp ở 10% phụ nữ độ tuổi sinh sản, nguyên nhân và bệnh sinh vẫn chưa rõ, với triệu chứng nổi bật là đau và vô sinh. Mặc dù có đến 50% phụ nữ lạc nội mạc tử cung bị vô sinh, thái độ xử trí các trường hợp này vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn.
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý mạn tính có tỷ lệ tái phát cao. Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung ngày càng tăng.
2. Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung
Khoảng 1/3 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng. Số khác có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng. Mức độ của cơn đau không cho biết mức độ nghiêm trọng hoặc giai đoạn của bệnh. Các biểu hiện lâm sàng chính của tình trạng lạc nội mạc tử cung là:
- Đau, bao gồm thống kinh, giao hợp đau và đau bụng vùng chậu mạn tính. Nguyên nhân gây đau là do phản ứng viêm và sự co thắt tử cung khi đến kỳ kinh.
- Khối ở phần phụ, nguy cơ ác tính thấp, nhưng không thể bỏ qua.
- Rối loạn kinh nguyệt, bao gồm rong kinh và rong huyết.
- Khó khăn để có thai bao gồm các tình trạng suy giảm khả năng có thai hay hiếm muộn, kết cục thai sản có chiều hướng bất lợi.
Lạc nội mạc tử cung biểu hiện dưới 4 dạng chính:
- Bệnh tuyến cơ tử cung (Adenomyosis)
- U lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng (Ovarian endometriomas)
- Lạc nội mạc tử cung ở phúc mạc (Pelvic peritoneal Endometriosis)
- Lạc nội mạc tử cung sâu (Deeply infiltrating endometriosis): Ở vách âm đạo trực tràng và ở các cơ quan khác trong tiểu khung và ổ bụng.

Ảnh minh họa tử cung bình thường (bên trái) và lạc nội mạc tử cung (bên phải).
3. Lạc nội mạc tử cung có lây không?
Lạc nội mạc tử cung không phải là bệnh lý lây truyền
4. Phòng ngừa lạc nội mạc tử cung
Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Bên cạnh việc giảm các yếu tố nguy cơ, phụ nữ cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học và thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ (6 tháng -1năm/lần) hoặc bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Giảm đường, giảm mỡ, tăng cường rau quả để giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
- Lối sống năng động: Tập luyện thể dục thường xuyên và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (để tăng vitamin D), có thời gian nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thắng, stress.
- Tránh lạm dụng các sản phẩm nội tiết: Cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng có chứa nội tiết, đặc biệt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tránh sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn nóng: Hạt nhựa có thể chứa các chất gây rối loạn nội tiết.
- Khám phụ khoa định kỳ: Để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về chu kỳ kinh nguyệt hay sinh sản người bệnh cần đến thăm khám tại chuyên khoa sản phụ khoa để tìm nguyên nhân.
5. Điều trị lạc nội mạc tử cung
Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung được chia làm 2 nhóm chính: nội khoa và ngoại khoa. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân như mức độ nặng/nhẹ, triệu chứng đi kèm, tuổi tác, mong muốn có con…
- Nội khoa: Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết phối hợp, Kháng prostaglandine, Progestin dạng uống hay chích… để điều trị các triệu chứng đau bụng kinh, rong kinh… và ức chế sự phát triển của lạc nội mạc tử cung.
- Ngoại khoa: Thường áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc can thiệp hỗ trợ để bệnh nhân mang thai. Đau trong lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Điều trị đau và điều trị hiếm muộn là hai điều trị thường theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Nếu bệnh nhân đến vì hiếm muộn, phải xem điều trị hiếm muộn là ưu tiên. Các bác sĩ sẽ cân nhắc phương án phẫu thuật tốt nhất cho từng bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một số phương pháp ngoại khoa là: bóc u lạc nội mạc tử cung, lấy bỏ tổn thương lạc nội mạc tử cung ở phúc mạc. Các phương pháp phẫu thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm để giảm nguy cơ tái phát và dính. Sau phẫu thuật, người bệnh cần có biện pháp dự phòng tái phát.
Đối với các khối lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, có thể dùng phương pháp chọc hút dịch máu kinh ra, rửa sạch và bơm cồn vào để làm xơ hóa khối u. Phương pháp này giúp giảm đau và giải phóng buồng trứng, tăng cơ hội có thai.