Lạc nội mạc tử cung thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhiều nhất trong độ tuổi từ 30-40. Với những phụ nữ đã mãn kinh thì ít khi gặp bệnh này. Dưới đây là một số thông tin cơ bản bạn đọc cần biết về lạc nội mạc tử cung.
Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của BS. Bùi Thị Phương, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội.
1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là lớp tế bào mỏng lót ở trong lòng tử cung. Lớp tế bào này dày lên theo chu kì buồng trứng. Vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt nếu quá trình thụ thai không diễn ra khiến lớp nội mạc này bong đi và trôi ra ngoài cùng máu kinh. Có những trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau thay vì được trôi ra ngoài trong những ngày hành kinh như bình thường, chúng bị mắc kẹt tạo nên những cấu trúc gọi là nang, gây ra tình trạng viêm nhiễm, chảy máu.
Lạc nội mạc tử cung thường được phát hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, mặt sau của tử cung, trên mô nâng đỡ tử cung, đường tiêu hóa dưới hoặc bàng quang. Lạc nội mạc tử cung liên quan đến buồng trứng sẽ hình thành u lạc nội mạc tử cung. Thậm chí lạc nội mạc tử cung có thể được phát hiện ngoài vùng chậu như phổi, não hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
2. Ai dễ mắc lạc nội mạc tử cung?
- Những phụ nữ chưa sinh con.
- Có kinh nguyệt sớm: trước 11 tuổi
- Mãn kinh muộn.
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày).
- Chảy máu nhiều và kéo dài > 7 ngày trong kỳ kinh nguyệt
- Nồng độ estrogen trong cơ thể cao.
- Chỉ số khối cơ thể thấp (gầy hay suy dinh dưỡng).
- Bệnh có tính di truyền: Mẹ, dì hay chị em gái từng mắc lạc nội mạc tử cung.
- Bất kỳ nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt không thoát ra ngoài cơ thể được
- Bất thường cơ quan sinh dục.
3. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung
Hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nên bệnh lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, một số tác nhân có thể dẫn đến lạc nội mạc tử cung như:
- Kinh nguyệt bị trào ngược
Trong những ngày hành kinh, dòng máu mang những tế bào nội mạc tử cung trào ngược vào vòi trứng và khoang vùng chậu, thay vì thoát ra ngoài cơ thể. Những tế bào này dính vào thành khung chậu và bề mặt các cơ quan trong khu vực chậu. Sau đó chúng tiếp tục phát triển, dày lên và chảy máu theo chu kì kinh nguyệt.
- Những phụ nữ từng thực hiện phẫu thuật ở tử cung
Một số trường hợp cần thực hiện can thiệp ở tử cung như điều trị viêm tử cung hay mổ lấy thai nhi ở phụ nữ có bầu sẽ khiến cho sẹo hình thành ở vị trí phẫu thuật. Tại vị trí sẹo này sẽ là vị trí mà tế bào tử cung dính vào gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung do mạch máu và dịch mô di chuyển đến.
- Bất thường hệ miễn dịch
Bất thường trong hệ miễn dịch của người bệnh khiến cho việc phát hiện ra sớm các mô nội mạc đang phát triển ở bên ngoài tử cung không xảy ra để kịp thời phá hủy toàn bộ phần niêm mạc đó.
- Rối loạn hormone estrogen
Sự rối loạn hormone estrogen trong cơ thể làm cho biến đổi các tế bào phôi thai trong cơ thể thành nội mạc tử cung khi đang dậy thì, vì là tế bào lạ nên sẽ gây ra nhiều bất thường cho sức khỏe của nữ giới.
4. Biểu hiện lạc nội mạc tử cung
- Đau bụng kinh: Đau bụng vùng chậu có thể xảy ra trước và trở nên nặng nề hơn trong những ngày đèn đỏ. Bệnh nhân cũng có thể đau vùng bụng và phía dưới lưng.
- Đau khi giao hợp: Người bệnh không có cảm giác hưng phấn mà chỉ thấy đau đớn liên tục, thậm chí sẽ cảm thấy khó chịu nhiều hơn.
- Mỗi lần đi tiểu hay đại tiện đều có cảm giác khó chịu, tức bụng, đặc biệt là khi có kinh nguyệt. Có máu trong phân hoặc nước tiểu, chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu ồ ạt bất thường khi đang có kinh nguyệt hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt không rõ nguyên nhân.
- Vô sinh - hiếm muộn: Có một số phụ nữ đến khám vì vô sinh hiếm muộn, nguyên nhân được chẩn đoán là do lạc nội mạc tử cung.
- Xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, stress, thậm chí có thể là sốt cao.
5. Phân loại lạc nội mạc tử cung
Có ba loại lạc nội mạc tử cung chính, dựa trên vị trí khởi phát của bệnh:
* Tổn thương phúc mạc bề ngoài: Đây là loại phổ biến nhất. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện tổn thương trên màng bụng, là một màng mỏng che phủ mặt trong ổ bụng, các tạng trong bụng và khoang chậu.
* U nội mạc tử cung (tổn thương buồng trứng): Những u nang sẫm màu, chứa đầy chất lỏng này hình thành sâu trong buồng trứng của người bệnh. Chúng có thể làm hỏng các mô khỏe mạnh xung quanh.
* Nội mạc tử cung xâm nhập sâu: Loại này phát triển dưới phúc mạc và gây tổn thương đến các cơ quan gần tử cung, chẳng hạn như ruột hoặc bàng quang. Khoảng 1 - 5% phụ nữ gặp tình trạng này.
6. Các giai đoạn bệnh
Có 4 giai đoạn chính của lạc nội mạc tử cung:
* Giai đoạn I (rất nhẹ): Có một vài mô cấy nhỏ trên các cơ quan hoặc mô lót vùng chậu/bụng. Có ít hoặc không có mô sẹo.
* Giai đoạn II (nhẹ): Có nhiều mô cấy hơn so với giai đoạn 1. Chúng nằm sâu hơn trong mô và có thể có một số mô sẹo.
* Giai đoạn III (trung bình): Có nhiều mô cấy sâu, đồng thời xuất hiện u nội mạc tử cung và mô sẹo xung quanh buồng trứng hoặc vòi tử cung.
* Giai đoạn IV (nặng): Đây là giai đoạn lan rộng nhất. Người bệnh có nhiều mô cấy sâu và kết dính dày, kèm theo mô sẹo dính xung quanh buồng trứng, vòi tử cung hoặc giữa tử cung và phần dưới của ruột.
7. Điều trị lạc nội mạc tử cung
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và nguyện vọng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Dùng thuốc giảm đau: Cách này không điều trị triệt để mà chỉ làm giảm bớt khó chịu. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trường hợp đau quá mức có thể sử dụng thuốc giảm đau mạnh do bác sĩ kê đơn.
- Liệu pháp hormone: Bổ sung nội tiết tố cũng có thể làm giảm đau hiệu quả, đồng thời ngăn chặn sự tăng trưởng các mô nội mạc tử cung phát triển phía bên ngoài. Phương pháp điều trị phổ biến là sử dụng thuốc ngừa thai hoặc các loại hormone phối hợp chứa progesterone. Tuy nhiên, đây cũng không phải phương pháp điều trị lâu dài.
- Phẫu thuật: Giúp điều trị tận gốc những cơn đau, loại bỏ hết những triệu chứng, đồng thời giúp tăng khả năng thụ thai. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi để loại bỏ các tế bào "đi lạc" trong hầu hết các trường hợp. Phẫu thuật này thực hiện qua vết mổ rất nhỏ. Một số trường hợp phải mổ hở với vết mổ lớn hơn.
Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt thường xuyên chính là một trong những biểu hiện của lạc nội mạc tử cung. Theo thời gian, nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp và hậu quả đáng tiếc.
8. Siêu âm có phát hiện được bệnh lý lạc nội mạc tử cung không?
Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh âm thầm trong cơ quan sinh sản lâu năm, rất khó để có thể phát hiện.
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng siêu âm giúp xây dựng và tạo hình ảnh cấu trúc cơ quan bên trong cơ thể người. Khi siêu âm bác sĩ có thể nhìn những hình ảnh để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Chị em nếu có những dấu hiệu bất thường nên đi siêu âm lạc nội mạc tử cung càng sớm càng tốt để biết mình có bị mắc bệnh hay không. Từ đó có hướng điều trị phù hợp, kịp thời, hạn chế được những biến chứng nguy hiểm khác.
Lạc nội mạc tử cung gần như là một bệnh bẩm sinh và không có cách nào phòng tránh. Bệnh tuy lành tính nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, hãy đến ngay cơ sở uy tín thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.