1. Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
- 1. Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
- 2. Các thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung
- 2.1. Thuốc giảm đau trị lạc nội mạc tử cung
- 2.2. Thuốc tránh thai phối hợp
- 2.3. Progesterone và dẫn xuất
- 2.4. Thuốc ức chế GnRH
- 2.5. Danazol
- 3. Can thiệp ngoại khoa
- 4. Các phương pháp hỗ trợ khác
- 5. Hướng điều trị vô sinh do lạc nội mạc tử cung
- 6. Lưu ý khi điều trị lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là tình trạng mô nội mạc tử cung (mô thường chỉ xuất hiện bên trong tử cung) phát triển bên ngoài tử cung, như trên buồng trứng, vòi tử cung, hoặc các cơ quan vùng chậu. Mô lạc chỗ này phản ứng với chu kỳ kinh nguyệt, giống như mô nội mạc tử cung bình thường, gây viêm, đau và hình thành mô sẹo.
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thường dẫn đến đau mạn tính vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, vô sinh, mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi…
2. Các thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung
Điều trị lạc nội mạc tử cung phụ thuộc nhằm mục tiêu giảm đau hoặc cải thiện khả năng sinh sản.
2.1. Thuốc giảm đau trị lạc nội mạc tử cung
Tác dụng: Với các trường hợp đau nhẹ do lạc nội mạc tử cung, có thể dùng các thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen. Đối với trường hợp đau nghiêm trọng hơn, có thể dùng loại thuốc mạnh hơn như nhóm thuốc giảm đau opioid (hydrocodone, fentanyl, tramadol...).
Tác dụng phụ: Việc dùng thuốc giảm đau cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh dùng quá liều vì có thể gây độc tính cho gan.
2.2. Thuốc tránh thai phối hợp
Tác dụng: Thuốc tránh thai phối hợp có chứa estrogen và progestin giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt, ngăn ngừa tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều; đồng thời giúp giảm đau và kích thích nội tiết tố estrogen.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây đau đầu, căng tức ngực, buồn nôn, nôn, đầy hơi, co thắt dạ dày, tiêu chảy, tăng cân, chảy máu bất thường…
2.3. Progesterone và dẫn xuất
Tác dụng: Progesterone và dẫn xuất có hiệu quả trong việc ngừng chu kỳ kinh nguyệt, làm teo mô lạc nội mạc, giảm đau và giảm một số triệu chứng khác. Các thuốc bao gồm: Medroxyprogesterone, levonorgestrel...
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng đường hô hấp, đau vú…
2.4. Thuốc ức chế GnRH
Tác dụng: Nhóm này có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng gonadotropin, giảm sản sinh estrogen tại buồng trứng, đồng thời ngăn sự rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung... Thuốc có thể gây mãn kinh tạm thời, tuy nhiên khi ngừng điều trị, kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường. Các thuốc bao gồm: Buserelin, goserelin, nafarelin, leuprorelin, triptorelin...
Tác dụng phụ thường gặp như vô kinh, rối loạn giấc ngủ do bốc hỏa, giảm mật độ xương, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo…
2.5. Danazol
Tác dụng: Thuốc ngăn chặn sự phát triển của mô nội mạc tử cung (ít được sử dụng do tác dụng phụ như giọng nói trầm, mọc lông). Thuốc được dùng theo đường uống.
Tác dụng phụ có thể gặp như: Tăng cân, phù nề, đổ mồ hôi, lông mọc bất thường, khô/ngứa âm đạo, mụn trứng cá, tăng kích thước vú…
Lưu ý, không nên uống danazol cùng với bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trong thời gian đang dùng danazol phải dùng biện pháp tránh thai.
3. Can thiệp ngoại khoa
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này giúp loại bỏ hoặc phá hủy mô lạc chỗ, giảm đau hiệu quả.
- Phẫu thuật cắt tử cung: Chỉ định khi các biện pháp khác thất bại và bệnh nhân không còn nhu cầu sinh sản.
4. Các phương pháp hỗ trợ khác
- Vật lý trị liệu vùng chậu.
- Yoga, thiền, hoặc châm cứu để cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng.
5. Hướng điều trị vô sinh do lạc nội mạc tử cung
- Kích thích rụng trứng: Thuốc kích thích buồng trứng như clomiphene hoặc letrozole kết hợp với insemination (IUI) có thể giúp tăng khả năng mang thai.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Hiệu quả cao, đặc biệt ở những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung giai đoạn nặng hoặc thất bại với các phương pháp khác.
- Phẫu thuật nội soi: Loại bỏ mô lạc chỗ và mô sẹo để cải thiện cấu trúc vùng chậu, tăng khả năng thụ thai tự nhiên.
- Bảo tồn khả năng sinh sản: Đông lạnh trứng hoặc phôi đối với bệnh nhân chưa muốn có con ngay nhưng cần điều trị lạc nội mạc tử cung tích cực.
6. Lưu ý khi điều trị lạc nội mạc tử cung
Để đảm bảo việc điều trị an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Theo dõi định kỳ: Đảm bảo hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sớm.
- Nếu có triệu chứng bất thường trong thời gian điều trị cần báo nay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Tăng cường hoạt động thể chất, chế độ ăn giàu rau xanh và giảm thực phẩm chế biến.
- Hạn chế tiếp xúc estrogen: Tránh liệu pháp thay thế hormone không cần thiết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
3 vị trí đau cảnh báo ung thư cổ tử cung