1. Dấu hiệu điển hình của lạc nội mạc tử cung
Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc phủ mặt trong tử cung. Lớp niêm mạc này biến đổi hằng ngày theo các chất nội tiết của buồng trứng tiết ra trong kỳ kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung là trường hợp các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung hoặc ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, màng bụng thành ruột.
Tổn thương lạc nội mạc tử cung cũng có thể xuất hiện ở các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa, tiết niệu hoặc xa hơn nữa.
Các tế bào có nguồn gốc là niêm mạc tử cung nên nó cũng biến đổi theo chu kỳ dưới ảnh hưởng của nội tiết buồng trứng và cũng gây chảy máu giống như kinh nguyệt, từ đó gây đau.
Do vậy, biểu hiện lâm sàng của lạc nội mạc tử cung điển hình là đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Đau do lạc nội mạc tử cung thường bắt đầu trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài sau đó.
Cơn đau thường được cảm nhận khắp vùng xương chậu và ở lưng dưới. Nếu mô giống như nội mạc tử cung phát triển trên bàng quang có thể gây đau khi đi tiểu. Nếu ruột bị ảnh hưởng, bạn có thể bị đau hoặc thay đổi nhu động ruột. Đôi khi, những triệu chứng này bị nhầm với hội chứng ruột kích thích.
2. Triệu chứng trầm trọng hơn trong kỳ kinh nguyệt
Lạc nội mạc tử cung gây viêm trong cơ thể, dẫn đến nhiều bất thường và rối loạn nội tiết tố. Mô sẹo và chất kết dính có thể hình thành do lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau vùng chậu, đau lưng dưới, đau khi quan hệ tình dục, chuột rút và đau khi đi tiểu hoặc đại tiện.
Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp có biểu hiện không rõ ràng, có thể chỉ có biểu hiện đau vùng chậu lắt nhắt, đau lưng hoặc đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, ra nhiều máu kinh, có cục máu đông, chu kỳ kinh thất thường…
Cảm giác khó chịu này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong tháng và phổ biến hơn trong thời kỳ kinh nguyệt. Nghiên cứu đã so sánh những người bị lạc nội mạc tử cung và không bị, kết quả cho thấy, người bị lạc nội mạc tử cung có các triệu chứng đau và khó chịu trầm trọng và kéo dài hơn. Trong thời kỳ kinh nguyệt, những triệu chứng này có xu hướng xấu đi.
Nếu để kéo dài không được can thiệp điều trị phù hợp, cơn đau bụng sẽ ngày càng nặng, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn tiêu chảy... Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
3. Không chủ quan khi bị đau bụng kinh
Những cơn đau do lạc nội mạc tử cung trong kỳ kinh nguyệt gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Không những thế, nếu để tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do bệnh gây tổn thương buồng trứng, gây dính vòi trứng, cản trở sự phóng noãn của buồng trứng, tắc vòi tử cung…
Triệu chứng lạc nội mạc tử cung đôi khi có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác gây ra triệu chứng đau vùng chậu như viêm vùng chậu, u buồng trứng, hội chứng ruột kích thích…
Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ lạc nội mạc tử cung, các bác sĩ khuyên chị em nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp. Không nên để bệnh kéo dài, lúc này tổn thương lạc nội mạc tử cung có thể lan rộng xâm lấn vào cơ quan khác dẫn đến điều trị sẽ khó khăn hơn.
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mục tiêu điều trị lạc nội mạc tử cung là nhằm giảm tổn thương lạc nội mạc tử cung, bảo tồn sinh sản và phòng ngừa tiến triển đau mạn tính.
Người bệnh cần lưu ý khi có dấu hiệu đau bụng kinh không nên chủ quan chỉ dùng thuốc giảm đau mà cần đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị.
Việc dùng thuốc giảm đau chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không ngăn chặn được tiến triển của bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giảm đau kéo dài còn có thể dẫn đến tác dụng phụ, thậm chí cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Xem thêm video đang được quan tâm
Cách chăm sóc trẻ đúng khi mắc thủy đậu để tránh bị sẹo | SKĐS